Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Thanh danh người làm báo

Nhị Ngọc

(PL+) - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác tuyên giáo mới đây, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có nhận xét rằng một số phóng viên tiêu cực đã ảnh hưởng tới thanh danh người làm báo.

Tuy ông nói đó là những trường hợp cá biệt nhưng xảy ra không ít những nhà báo, phóng viên “tống tiền” doanh nghiệp hoặc người dân bị bắt quả tang, có người phải vào tù. Hành vi tiêu cực của báo chí có nhiều dạng, không chỉ dừng lại ở mức độ “vòi vĩnh”, viết bài ca ngợi hay “đánh đấm”, bênh vực với động cơ không trong sáng, thiên vị, thiếu khách quan là một hiện tượng khá phổ biến mà độc giả tinh ý có thể nhận ra ngay.

Hoặc, trước một sự việc sai trái mà báo chí làm ngơ vì là “cánh hẩu” với nhau hoặc là vì “người nhà” mà không đụng đến, đó cũng là biểu hiện tiêu cực, làm giảm sút uy tín của một tờ báo. Và, vì vậy, không chỉ tiêu cực ở một số phóng viên mà là của những “người làm báo”,  tức là bao gồm những người lãnh đạo tờ báo đó.

Thanh danh người làm báo được xây dựng trên cơ sở “bút sắc, tâm trong”, có bản lĩnh, khách quan và vô tư, đặc biệt, không bị đồng tiền chi phối.

Mới đây, xuất hiện một nhà báo nữ dũng cảm, dám viết cả một loạt bài về đại gia (và cả đại ca nữa) Vũ Nhôm. Chị đã bị áp lực nặng nề từ chính những cơ quan chức năng và cả cơ quan bảo vệ pháp luật, từng bị đe dọa, bị cấm xuất cảnh, bị làm khó dễ... Cho đến ngày hôm nay, bộ mặt thật của Vũ Nhôm bị phơi bày thì chị trở thành “người hùng” của báo giới. Một trường hợp như vậy thôi cũng để thấy làm một “người làm báo” chân chính khó đến mức nào!

Nghề báo được xã hội tôn trọng, dân tin, những thế lực đen tối e dè. Nhưng, lợi dụng chức năng nghề nghiệp, sức mạnh của công luận, lợi thế của báo chí vào mục đích vụ lợi thì rất dễ “sập bẫy”. Trường hợp này thường thấy ở những cây bút xông xáo, thạo nghề, không ngại nguy hiểm, vất vả để tìm ra sự thật và đã tạo dựng được uy tín ít nhiều trong làng báo nhưng cái tâm không trong, thể nào cũng bị người ta cho vào tròng và thế là thân bại, danh liệt, làm tổn hại đến thanh danh người làm báo.

Thanh danh người làm báo là hiện hữu, đã được xây dựng qua nhiều thế hệ và đông đảo những người trong đội ngũ báo chí ý thức được điều đó. Càng trong một môi trường dễ phát sinh tiêu cực thì việc giữ gìn thanh danh đó càng khó, tuy nhiên, giữ được tâm trong giữa dòng đục thì mới làm nên thanh danh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét