Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Vợ võ sư Châu: 3 phút dài bao lâu?

FB Hoang Huong

FB sắp no đủ trận đấu võ kéo dài vài phút hôm qua. FB là cái chợ, với đủ sự ồn ã như cách nó vốn thế. Đến nỗi một nhân vật phụ như tôi cũng được nhắc đến, theo cách chẳng biết buồn hay vui.

Cảm ơn những người bạn bè đã luôn kịp thời chia sẻ, động viên, bảo vệ chúng tôi. Đến giờ mọi việc có thể nói là ổn rồi, xin mọi người yên tâm, không cần gọi điện hay inbox hỏi thăm nữa nhé.

Trở lại cuộc đấu 3 phút (hay hơn?) tôi không biết. Lúc tại hiện trường tôi không để ý, từ hôm qua tôi chưa một lần xem clip, dù chia sẻ rất nhiều trên tường, và có lẽ sẽ còn lâu lắm tôi mới xem.

Trải nghiệm hôm qua đã đủ cho cả đời tôi, và đêm qua rất dài với hai chúng tôi. Thi thoảng ngủ thiếp đi tỉnh dậy, tôi hốt hoảng nhìn sang không thấy chồng đâu, rồi thấy anh ngồi lặng lẽ trong bóng tối. Nếu nói không buồn, không đau, chỉ có thể là nói dối, hoặc không phải người.

Từ hôm qua tôi không xem clip, không rơi giọt nước mắt nào. Chỉ trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy sàn xi măng, cột bê tông, những cửa kính, một người to gần gấp đôi chồng mình vung tay chân. Bất kỳ một trong những yếu tố ấy, bất kỳ khoảnh khắc nào có thể lấy mất người đàn ông của tôi. Tôi nghẹt thở.

Các bạn cứ thoải mái luận chuyện thượng võ hạ võ, chiêu thức này khác, khôn hay dại, háo danh hay khảng khái… sao cũng được.


Tôi chỉ muốn chia sẻ điều này: tôi lập gia đình 15 năm, trong từng ấy năm dù đông qua hạ tới, xuân qua thu lại, sáng sớm nào cũng có cảnh người đàn ông cùng nhà tôi cởi trần tập tạ, sau đó chạy vài vòng công viên, tập võ.

Từ khi có vụ “thách đấu”, trong suốt cả tháng trời, anh làm một việc là tự trói một bên chân mình vào chân giường, chân kia buộc vào một đầu giây quàng qua thanh sắt và tự kéo hết sức. Mục đích là kéo giãn cơ ra để xoạc 180o. Một động tác khác anh nằm ngửa giơ chân đằng trước cần tôi giúp, tôi gần như dùng sức nặng cả người ép xuống. Cả hai động tác đều đau đớn, mặt anh gân guốc, môi bặm lại, mồ hôi nhễ nhại. Sau vài tuần đau đớn, hai chân anh đã có thể xoạc 180o như ý, kết quả của nỗ lực và kiên cường, đặc biệt ở tuổi gân cơ đã cứng.

Như anh nói, vì đấu với đối thủ cao lớn hơn, nên phải tận dụng đòn chân nhiều. Đặc biệt phải luyện đòn đá mawashi (đá vòng cầu). Chân càng xoạc rộng thì đá được càng cao mới mong thắng đối thủ to lớn.


Sáng nay khi anh nói: “anh đã nửa vời, anh không vượt qua chính mình”. Tôi nói: “không phải thế. Nếu trước đây chân anh vẫn hẹp, đá thấp, nay anh xoạc được rộng hết mức, đá được cao nhất mà anh có thể. Đấy chính là thành tựu. Giống như anh rủ một vận động viên điền kinh cao to chân dài hơn anh chạy đua, anh thua người chạy cùng; nhưng nhìn lại nếu trước đây cũng đoạn đường ấy anh chạy hết 10 phút, giờ chỉ còn 6, đó chẳng phải thành tựu sao?”

Một trận đấu kéo dài vài phút, không có cảnh bay lượn ảo diệu như các bạn mong thấy, nhưng để được thế là sự chăm chỉ luyện tập mấy chục năm, trong đó có kiên cường, chăm chỉ và tích cực, để có một người đàn ông khoẻ mạnh, năng động, dẻo dai. Võ sư Châu, nhà văn Châu, nhà báo Châu… cũng từ sự tích cực đó mà ra. Đó không đáng để học hỏi và ngưỡng mộ sao? Điều đó không thể hiện trong 3 phút ngắn ngủi.

Tôi rất hiếm nói về chồng mình nơi công cộng, lần này ngoại lệ.

Nếu trong mấy phút đó anh không kịp đá đòn mawashi mà anh luyện tập bấy lâu, thì anh đá cho vợ con, bạn bè, học trò xem. Cuối cùng thành tựu lớn nhất chẳng phải là mình hôm nay tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua hay sao? Chẳng phải có đam mê, có khao khát, nỗ lực hết mình cho đam mê chẳng luôn tốt hơn sống nhờ nhờ nhạt nhẽo hay sao? Dù bị dèm pha, dù hiểm nguy, dù đau đớn thất bại… khi đến cuối cuộc đời, mình vẫn sẽ mỉm cười vì ta đã làm, hơn là nuối tiếc ta đã không làm.

Phải không anh?

(Lời cuối của tôi về việc này, tôi không trả lời phỏng vấn ai, xin đừng gọi. Mong ngày mai các bạn có đề tài mới tiếp tục “cúng phây”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét