(Dân Việt) Loạt “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía bên trong cuộc chiến” do Trung tâm Tin tức VTV24 thực hiện đang dấy lên một cuộc tranh cãi sôi nổi. PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Bình - Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 về loạt ký sự này.
Sau khi "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía bên trong cuộc chiến" được phát sóng, chị và ê kíp đánh giá như thế nào về ký sự sau khi hoàn thành. Đồng thời, chị nghĩ như thế nào về những ý kiến “ném đá”?
- Đánh giá thì đó là quyền của khán giả, bản thân chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã làm hết sức, những câu chuyện mà chúng tôi mang về gây xúc động cho nhiều người. Bằng chứng trên Youtube lượng like gấp nhiều lần dislike. Và có những comment chia sẻ họ chứng kiến sự thảm khốc của chiến tranh thông qua ký sự. Họ cảm nhận được đau khổ của người dân khi họ rời bỏ thành phố…
Mỗi người khi xem đều có cách đánh giá và cảm nhận riêng. Những lời góp ý chân thành giúp cho chúng tôi trong những sản phẩm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp thu. Còn những ý kiến theo kiểu chửi bậy… chúng tôi bỏ qua, không để tâm.
Có ý kiến cho rằng, ký sự của ê kíp mang tính kịch nhiều hơn là ký sự về nói về chiến tranh?
- Tôi nói rồi, mọi người có quyền nhận xét, nhưng chia sẻ thật sự, khi đến những địa điểm chiến sự đó, cả ê kíp khiếp sợ đến nỗi quên cả quay phim. Bản thân tôi, tôi còn phải nhắc Vân Anh và Mỹ là quay phim đi, quay phim đi. Nói dại, lúc đó trong đầu tôi nghĩ rằng, phải có hình ảnh, bởi nếu có chết thì cũng còn có hình ảnh để mọi người biết, chứ nếu chết mà không có hình ảnh thì cái chết đó có vẻ lãng xẹt mất rồi.
Còn ý kiến cho rằng chúng tôi “kịch”, cũng giống như ý kiến của một khán giả nói rằng, ê kíp đã điều hành được cả Bộ Quốc phòng của Syria, chia hai phe bắn nhau để chúng tôi quay thực hiện ký sự, và như vậy các nhà báo có thể tin ở ý kiến này không? Các bạn có tin rằng chúng tôi có thể điều động được cả Bộ Quốc phòng của Syria dàn trận bắn nhau chỉ để cho chúng tôi quay?
Nhiều ý kiến trái chiều nhận xét, cách ăn mặc của nhà báo Lê Bình trong ký sự “Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” không phù hợp. Đồng thời, nhiều ý kiến lại hơi tiếc chi tiết khóc của chị kéo quá dài trong ký sự. Chị nghĩ như thế nào về những nhận xét này?
- Khi sang Syria mục đích ban đầu là để thực hiện cuộc phỏng vấn, rồi sau đó mới muốn đi để tiếp cận với cuộc chiến xem nó như thế nào và lý do tại sao người dân lại rời bỏ thành phố. Việc chuẩn bị quần áo không chuyên nghiệp như cư dân trên mạng nhận xét tôi thấy rất chính xác. Hơn nữa trước hôm lên đường, chúng tôi đã hỏi người dẫn đường nên mặc như thế nào. Người dẫn đường có trả lời, thành phố Homs đã an toàn, nên mặc thế nào cũng được. Vì vậy chúng tôi cũng không nghĩ nhiều đến sự chuẩn bị cho quần áo. Nên mọi người thấy đấy, chúng tôi không có nhiều quần áo sạch để thay thì nói gì đến chuyện mặc cho đúng với hoàn cảnh.
Còn với chi tiết khóc, khi chi tiết đó đưa lên, chúng tôi đã trao đổi và nói với nhau, đây là ký sự nên phải có xúc cảm của phóng viên. Vì vậy chi tiết đó được dựng vào trong ký sự. Nếu như việc tôi khóc quá dài và khiến mọi người nghĩ tôi đang diễn và không tin, nhất là không tin sẽ có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Bashar al-Assad, bản thân tôi cũng không nghĩ rằng mình lại có cơ hội phỏng vấn Tổng thống Syria. Nếu ai đó không tin thì có thể kiểm tra lãnh sự quán tại Lebanon là biết ngay. Với chuyến đi làm ký sự của chúng tôi có quá nhiều điều không thể tin được, bắt đầu từ cuộc phỏng vấn Tổng thống Syria, đến những vấn đề khác, khiến mọi người không tin và nghi ngờ.
Ký sự này chúng tôi thực hiện là quay theo cảm xúc, và không có sự set up, quay được hình nào là quay, thậm chí lúc chạy trong đường hầm, máy quay không hoạt động, phải quay bằng điện thoại.
Có ý kiến cho rằng, tác giả ký sự đang còn hiểu mù mờ về bản chất cốt yếu của chiến tranh tại Syria. Rằng, Syria không có nội chiến mà đang đối mặt với chiến tranh khủng bố tàn bạo, dã man nhất qua bàn tay của những người khác, những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đó. Chị nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Tôi hiểu như thế nào? Vấn đề nằm ở chỗ tôi không được kết luận rằng Tổng thống Bashar al-Assad đúng, phiến quân sai và ngược lại. Bởi tôi không có thông tin, tôi không dám nói. Đúng ra, chúng tôi chỉ có tham vọng, góc nhìn từ phía trong cuộc chiến tức là trong đất nước Syria đang xảy ra chuyện gì. Kể lại những câu chuyện đã, đang diễn ra. Chúng tôi làm báo, chứ không phải nhà phân tích quân sự, cũng không phải là quá am hiểu về chiến tranh. Như tôi đã nói trước đó, mục đích ban đầu chúng tôi đi là thực hiện cuộc phỏng vấn với Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong phần đầu tiên của hành trình sự sống và cái chết. Chúng tôi có đưa ra một phần dữ liệu để nói bạo lực không sinh ra bạo lực. Bạo lực không thể giết chết được bạo lực. Tại sao mảnh đất đấy lại xảy ra cuộc chiến, bởi nó có bạo lực. Họ không chấp nhận nhau, họ xung đột với nhau từ những việc nhỏ, đến việc lớn. Sự việc nảy sinh chỉ từ cái tát ban đầu, đến súng, bom đạn như thời điểm hiện tại.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, lý do nào nhà báo Lê Bình lại chọn thành phố Homs, thành phố mà chính phủ Syria đã lấy lại và an toàn, trong khi không phải là những nơi đang xảy ra cuộc chiến thực sự?
- Mọi người xem có vẻ khá kỹ nhưng thật chất là chưa được kỹ. Homs đúng là thành phố chỉ có một phần chiến sự phía bên kia, còn lại là thành phố không có người, nên rất an toàn. Điểm đến chỗ chúng tôi thực hiện cảnh quay cũng an toàn. Chính vì an toàn nên chính phủ Syria mới dẫn chúng tôi đến. Tuy nhiên họ cũng đã cảnh báo với chúng tôi, dù an toàn nhưng sẽ vẫn có những rủi ro, bởi Homs vẫn có lính bắn tỉa.
Chúng tôi đến Homs không phải để nói về chiến sự, chúng tôi đến để kể lại những câu chuyện đau thương đã từng xảy ra. Những câu chuyện về những người sống sót sau khi phiến quân tràn qua với một mẩu bánh mì mốc chia cho 4 người.
Hay là câu chuyện 9 người phụ nữ, trong đó có một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8. Phiến quân đã lột trần truồng 9 người phụ nữ bắt đi trên phố. Sau đó, người phụ nữ mang thai đã bị phiến quân mổ bụng lôi đứa bé ra… thực sự khi nghe đến đoạn đó tôi không kìm nén được xúc động và cũng không thể nghe hết được câu chuyện. Tôi phải chạy ra chỗ khác để khóc và cảm giác mình không thở được.Thành phố Homs là những câu chuyện như vậy, chứ không phải là những hình ảnh đạn bắn, nổ súng vào nhau. Bắn nhau giáp la cà xảy ra ở Juba. Mọi người đừng lấy câu chuyện này, đắp sang câu chuyện khác.
Xin cảm ơn nhà báo Lê Bình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét