Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Chuyện đời nữ du kích từng ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Quốc Anh

ANTG - Tháng 9 năm 1970, tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu có một lần thoát chết trước nòng súng của một nữ du kích. Chuyện xảy ra ở một làng quê heo hút phía hữu ngạn của dòng sông Thạch Hãn.

Sau ngày nước nhà thống nhất, người nữ du kích ấy đã có những năm tháng rất dài làm việc ở Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Công việc mà chị đảm trách là bảo quản và hướng dẫn cho khách thập phương đến tham quan Nhà lưu niệm của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

42 năm sau ngày nước nhà thống nhất, một buổi chiều khi trời Quảng Trị vẫn còn dai dẳng những cơn mưa, tôi cùng với một đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị ngược đường tư thành phố Đông Hà để tìm về thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Từ quốc lộ 1A ngược lên chừng non cây số, chúng tôi dừng xe ở một ngã ba đường để hỏi thăm nhà chị, có rất nhiều đứa trẻ đang chơi đùa ở đấy đã nhanh nhảu xung phong dẫn đường cho chúng tôi. Một không khí vô cùng ấm áp, tôi có cảm giác dường như ở đây ai cũng biết một cách rất tường tận về chị…

Qua tuổi lục tuần, chị vẫn sống một mình trong căn nhà khá rộng rãi và ngăn nắp, bao nhiêu năm tháng trôi qua với bốn mùa mưa nắng, chị vẫn thế, lẻ loi hôm sớm đi về. Thấy chúng tôi bước vào, chị chạy ra đón tận ngõ với vẻ mặt rất tươi tắn và hồ hởi. Nếu như không biết trước đôi chút về chị thì khó ai có thể nhận ra rằng chị là người phụ nữ đã trải qua quá nhiều nỗi đắng cay, mất mát...  Mời chúng tôi uống bát nước chè xanh tự tay chị hái ngoài vườn nhà, trong làn khói thơm ngào ngạt chất đồng quê dân dã ấy chị kể:

Nhà chị có cả thảy 4 anh chị em, 1 con trai và 3 con gái. Cha chị từng tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt giam, chúng đánh đập, tra tấn hết sức dã man cho đến năm 1960 thì ông mất. Nghẹn ngào trước nỗi hờn căm đối với bọn phản quốc bán nước, mới 14 tuổi, người anh trai của chị đã "nhảy núi" lên xanh để theo các chú bộ đội quyết một lòng trả thù cho người cha kính yêu. Người mẹ già của chị cứ sớm hôm tần tảo nuôi 3 người con gái.

Năm 1964, mới 14 tuổi chị cũng đã theo gót cha và anh trai mình tham gia vào Đội thiếu niên an ninh mật làng Hà Xá và giữ chức Đội trưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đội thiếu niên an ninh Hà Xá đã lập nên nhiều chiến công vang dội, cụ thể như việc đánh cháy 4 xe của địch, trong đó có 3 xe chở vũ khí, quân trang; 1 xe của viên quận trưởng Quận Hương Trà. Bản thân chị đã đánh cháy 2 xe trong số đó…

Ngoài ra, chị đã rất tích cực cùng các đội viên khác đào hầm, gài chông chống những trận càn của địch. Thành tích của chị cứ ngày một nhân lên, chị được tổ chức và các bạn trong Đội đặt nhiều niềm tin và yêu mến. Tháng 9-1967, khi gần tròn 18 tuổi chị đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và được giao trách nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn Hà Xá.


Năm 1969, được tin Bác Hồ mất, ta quyết định phải tổ chức ngay một buổi lễ truy điệu Bác ở thôn Hà Xá. Được ngụy trang dưới lý do chuẩn bị cho lễ cầu an của làng nhân dịp rằm tháng tám nên bọn địch không hề nghi ngờ gì. Buổi lễ đã diễn ra hết sức trang nghiêm, thu hút sự chú ý và tham dự của hàng trăm người dân trong thôn Hà Xá trong đó quân nhân ngụy quyền Sài Gòn cũng đến dự khá đông. Khai lễ, ông Trịnh Cách - Hội chủ của làng khấn lạy xong, Ban tổ chức giới thiệu ông Hà Tồ - Một quần chúng cốt cán trong làng bước lên tuyên bố lý do của buổi lễ.

Tất cả mọi người đều đứng dậy, sửa sang trang phục chỉnh tề, bất ngờ ông Hà Tồ tuyên bố: "Lễ truy điệu Bác Hồ, một phút mặc niệm bắt đầu". Trúng kế một quả đau, bọn địch đến dự lễ lồng lên như những con voi rừng sa bẫy. Sau lần ấy, thông qua bọn chỉ điểm, địch khoanh vùng bố ráp triền miên. Chị và nhiều đồng đội khác đã rơi vào tay giặc. Hơn một năm trời bị giam giữ và tra tấn ở Ty cảnh sát Quảng Trị và khu Lao Xá Quảng Trị.

Địch đã sử dụng không thiếu bất cứ một thủ đoạn thẩm tra nào để hòng khai thác ở chị và các đồng chí của chị những thông tin về các tổ chức cách mạng. Không tìm được bằng chứng gì, cuối cùng chúng đành phải trả tự do cho chị. Sau khi ra tù, bọn địch nham hiểm bố trí cho chị làm Trung đội phó lực lượng Nhân dân tự vệ ở địa phương.

Thời điểm này, địch tiến hành bình định vô cùng ráo riết, nhiều tổ chức cơ sở bị vỡ, nhiều đồng chí của chị bị hy sinh. Mới ra tù, đang bị địch theo dõi cho nên việc nối lại liên lạc với tổ chức gặp rất nhiều trở ngại. Chị vô cùng lo lắng, nhưng rồi cuối cùng chị cũng nhận cái chức Trung đội phó lực lượng Nhân dân tự vệ mà địch giao.

Sẵn có súng đạn của địch trong tay, đêm đêm chị vác súng ra đồng dí mũi súng xuống đất bắn cho hả giận. Mỗi lần như thế, bọn địch lại hoang mang nhả đạn bừa bãi ra đồng, tình hình đó đã làm cho nhiều tên địch vô cùng lo sợ, cứ khi đêm đến là cố thủ một nơi không dám lê thân ra khỏi chốt.

Hơn một tháng sau khi ra tù chị mới móc nối lại được với tổ chức và được bầu vào Thị ủy viên của thị xã Quảng Hà. Thời gian này, với vai trò Trung đội phó Nhân dân tự vệ, chị được lực lượng an ninh Quảng Hà giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, như đưa đón những chiến sĩ biệt động thành của ta dưới dạng thầy tu, sinh viên, thương gia vào vùng nội thành để hoạt động.

Tháng 9 năm 1970, tại Trường Tiểu học thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quân đội và chính quyền Sài Gòn tổ chức lễ khánh thành hệ thống "ấp chiến lược" và chương trình "Bình định nông thôn" kéo dài trong 3 ngày.

Theo những thông tin mật mà phía ta nắm được thì lần này chúng sẽ tổ chức rất lớn với sự có mặt của nhiều quan thầy cố vấn Mỹ cùng với nhiều quan chức cấp cao của ngụy quyền Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Hiền, thuộc lực lượng an ninh Quảng Hà đã giao nhiệm vụ cho chị cùng với hai đồng chí khác nữa đó là anh Thành và chị Hạnh, phải tổ chức ám sát tên quận trưởng Ấm ngay tại buổi lễ khánh thành. Chị sẽ là người nổ súng, hai đồng chí của chị sẽ đứng ở vòng ngoài để phòng khi bất trắc.

Đến trước ngày diễn ra lễ khánh thành, một nguồn tin mật báo cho ta là Tổng thống của chế độ ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu sẽ đích thân bay từ Sài Gòn ra dự lễ. Từ đêm hôm trước, từng đoàn xe GMC chở đầy lính ngụy từ Đông Hà, chi khu Quảng Trị ồ ạt đổ quân về làng Bồ Bản. Ngôi làng nhỏ quanh năm vốn yên bình sau lũy tre xanh phút chốc bổng trở nên náo loạn bởi hàng ngàn tên lính với đủ loại sắc phục như Thủy quân lục chiến; Cảnh sát; Bộ binh, Nhảy dù... Là trung đội phó lực lượng Nhân dân tự vệ, chị cũng được điều động vào "hành binh danh dự".

Sáng hôm ấy, mọi vị trí của ta đều đã chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng hành động. Khi Nguyễn Văn Thiệu trong bộ com-plê màu xám tro bóng loáng bước lên lễ đài danh dự giữa bốn bề là cảnh sát, binh lính đứng vòng trong, vòng ngoài. Lúc ấy, bỗng dưng trời chuyển mưa rất lớn, gió cuốn tung cát bụi mịt mù, biết là thời cơ đã đến, chị lách người, quàng vội chiếc áo mưa rồi rút súng nhằm thẳng vào mặt Thiệu để siết cò. Cạch - đạn không nổ. Khi quân ngụy đang nhốn nháo bao vây lấy Thiệu để che mưa, cản gió thì chị cùng với hai đồng chí của mình quyết định rút lui.

Sau này, khi giải thích hiện tượng súng bắn không nổ, chị nói: "Trước đó chúng tôi đã bắn thử rất tốt. Có thể là do súng đã được cài sẵn đạn từ lâu, với lại khâu bảo quản súng không cẩn thận nên khi siết cò súng không điểm hỏa được, tiếc thật, giá như hôm ấy súng nổ, chắc chắn Thiệu sẽ chết...". Tháng 5-1971, chị được rút lên chiến khu, đồng thời được bầu giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã Triệu Ái.

Đến tháng 4-1972, trong một cuộc tấn công để giải phóng Thành Cổ Quảng Trị, chị trúng đạn của quân thù và bị thương rất nặng, sau lần ấy chị được đưa ra hậu phương miền Bắc để chữa trị và an dưỡng. Năm 1973, nhân dịp Đại hội thanh niên thế giới tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Trung ương đã cử chị đi dự, để tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nhân dân Việt Nam. Chất giọng miền Trung nhỏ nhẹ, chất phác của chị đã làm cho biết bao con tim của bạn bè ở khắp năm châu bốn bể rung động, sẻ chia.

Những câu chuyện từ hơn 40 năm trước chị kể cho chúng tôi nghe bây giờ mà vẫn cứ như vừa mới xảy ra, những tình tiết vẫn cứ như còn hôi hổi nóng. Trong khi kể chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng thấy chị rơm rớm nước mắt, có lẽ đấy là những giọt nước mắt chứa chan tình đồng đội, như những thông điệp chị muốn gửi theo những linh hồn đang siêu thăng cùng mây ngàn, gió núi.

Sau ngày thống nhất non sông, chị được bố trí về công tác ở Huyện Đoàn Triệu Phong. Đến năm 1980, chị chuyển biên chế về Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Công việc mà chị đảm trách là bảo quản và hướng dẫn cho khách thập phương đến tham quan Nhà lưu niệm của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Hằng ngày, chị phải đạp xe đạp đi gần cả chục cây số để đến nơi làm việc. Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng chẳng bao giờ chị nề hà với công việc, bao giờ chị cũng nghĩ rằng bản thân chị còn may mắn hơn rất nhiều so với những đồng đội đã hy sinh. Chị cảm thấy vui nhiều hơn trong công việc giới thiệu về cuộc cách mạng của nhân dân ta, về quê hương Quảng Trị anh dũng kiên cường, về vị Cố Tổng Bí thư của Đảng cho nhiều người khác biết.

Tháng 5-2002, chị nghỉ hưu theo chế độ, rồi trở về sống một mình ở quê nhà cho đến ngày nay. Tên của chị là Trịnh Thị Thanh Mão, người con ưu tú của làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Suốt một cuộc đời, chị luôn là một thiếu niên dũng cảm, bất khuất, một chiến sĩ trung kiên, một cán bộ văn hóa tận tụy với công việc và là một công dân đầy trách nhiệm trước cộng đồng...

Với những gì đã cống hiến cho quê hương và Tổ quốc, chị Mão đã lần lượt được nhận 2 danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới; 3 Huân chương chiến công hạng III; là chiến sĩ thi đua toàn khu Trị - Thiên năm 1971-1972; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa và  cách đây 7 năm, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất non sông vào tháng 4 năm 2010, chị vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch Nước trao tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét