MTG - Chính “Người đẹp Bình Dương” nổi tiếng đã gắn lên ve áo vest của ông Nguyễn Xuân Oánh một bông hồng đỏ thắm. Không ngờ đóa hồng định mệnh này đã tạo cơ hội cho cả hai quen nhau, một chính khách đang nổi lên trên chính trường và cô nữ minh tinh khả ái.
Ông Nguyễn Xuân Oánh sinh năm 1921 tại Bắc Giang, đã theo học ngành kinh tế Đại học Harvard - một trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ và trên thế giới. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế vào năm 1954 và làm việc tại Ngân hàng Thế giới một thời gian trước khi về nước đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng quốc gia vào năm 1963 (sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính). Có giai thoại kể rằng năm GS-TS Nguyễn Xuân Oánh về nước, vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất có một hàng rào người đẹp Sài Gòn đón chào và tặng hoa, trong số đó có minh tinh Thẩm Thúy Hằng.
Chính “Người đẹp Bình Dương” nổi tiếng đã gắn lên ve áo vest của ông Nguyễn Xuân Oánh một bông hồng đỏ thắm. Không ngờ đóa hồng định mệnh này đã tạo cơ hội cho cả hai quen nhau, một chính khách đang nổi lên trên chính trường và cô nữ minh tinh khả ái. Và chuyện phải đến đã đến, sau đó cả hai thành vợ chồng vượt qua tất cả những xì xào, bàn tán của dư luận một thời. Chuyện kể rằng trong giai đoạn GS-TS Nguyễn Xuân Oánh tham gia chính trường chế độ cũ, trong những buổi tiếp tân, chiêu đãi chính khách, quan khách trong ngoài nước, nhiều “mệnh phụ phu nhân” vợ của chính khách, tướng tá đã tỏ vẻ khó chịu khi phải sánh ngang hàng với Thẩm Thúy Hằng phu nhân của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, họ cho rằng bà không xứng đáng để ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, đi đứng ngang hàng với họ vì bà thuộc đẳng cấp khác, hay nói thẳng ra là “phường xướng ca vô loại”.
Có lẽ nhận thấy điều này và tránh cho chồng khỏi khó xử nên những lần sau Thẩm Thúy Hằng từ chối, không tham gia những bữa tiệc sặc mùi chính trị và phân chia giai cấp ấy nữa. Là một người được học hành tử tế, tốt nghiệp ở một trường đại học danh giá về một ngành đang rất cần cho cải cách kinh tế, GS-TS Nguyễn Xuân Oánh về nước trong sự trọng vọng của đám chính khách đang lên nắm thời cơ “thay đổi vận mệnh đất nước”. Hết cuộc đảo chính này tới cuộc đảo chính khác,
Tướng “râu dê” Nguyễn Khánh lên nắm quyền và trọng dụng ngay GS-TS Nguyễn Xuân Oánh trong vai trò Phó Thủ tướng trong khi đó ngoài Dương Văn Minh (Minh lớn) là gương mặt quen thuộc của quân đội nhảy ra làm chính trị, cầm đầu cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm thì Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… một ông tướng bộ binh, một ông tướng không quân mới bắt đầu xuất hiện, lăm le nhảy vào vũ đài chính trị với những canh bạc do Mỹ cầm cái. Chính vì thế, nên các đời “Tổng thống Việt Nam cộng hòa” của bất cứ trào nào, nhóm nào lên thay cũng đều nể trọng ông Nguyễn Xuân Oánh và muốn giữ ông lại để phục vụ cho bộ máy chính quyền mà một gương mặt trí thức sáng giá, có học vị, ngoài quân đội như GS-TS Nguyễn Xuân Oánh trong giai đoạn cần thu phục nhân tâm trong tình thế xã hội hỗn loạn như thế nhóm cầm quyền nào cũng rất cần.
Nhan sắc & tài năng
Sau 30/4/1975, việc quyết định ở lại phục vụ quê hương của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng trong khi họ có rất nhiều cơ hội và sự tác động để ra đi là sự chọn lựa không dễ dàng và chắc chắn quyết định này là của ông Nguyễn Xuân Oánh. Trong giai đoạn khó khăn của đất nước sau ngày giải phóng, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh tham gia phục vụ cách mạng ở hai cương vị khác nhau. Ông Nguyễn Xuân Oánh được tin tưởng trong vai trò cố vấn kinh tế của TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông cũng được bầu vào UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Còn nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng thì tiếp tục đóng phim, diễn kịch tham gia trên lãnh vực văn hóa nghệ thuật. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Một số phim Thẩm Thúy Hằng đóng trong giai đoạn sau 1975 ghi đậm dấu ấn như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Sân khấu kịch nói cũng là lãnh vực nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng phô diễn tài năng của mình và nhiều vai của bà trong hàng loạt vở kịch nói đã làm sáng thêm tên tuổi Thẩm Thúy Hằng và được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú để ghi nhận sự đóng góp của bà trên lãnh vực nghệ thuật như: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn… Không chỉ tham gia diễn xuất trong vai trò diễn viên, Thẩm Thúy Hằng còn sáng tác kịch bản sân khấu như: Người hạnh phúc, Nụ cười và nước mắt, đã được dàn dựng trên sân khấu nhỏ. Nhưng có lẽ vai diễn mang đậm dấu ấn của bà trên lãnh vực sân khấu và sự nghiệp nói chung là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của Đoàn kịch nói Kim Cương trước khi Thẩm Thúy Hằng từ giã sân khấu, phim ảnh… sống ẩn mình vì biến chứng của chất silicon mà bà từng bơm vào da thịt để giữ gìn sắc đẹp một thời của người nghệ sĩ. Và cũng chính nhờ thế mà bà trở nên lộng lẫy, là biểu tượng của nữ hoàng nhan sắc suốt một thời tuổi trẻ đã qua mau.
Thảm họa của dao kéo
Kể từ vai diễn Phồn Y trong vở Lôi Vũ trên sân khấu kịch nói của Đoàn Kim Cương, Nghệ sĩ ưu tú Thẩm Thúy Hằng chính thức từ giã sân khấu, màn ảnh và các hoạt động nghệ thuật khác để lui về cuộc sống khép kín ở ngôi nhà riêng trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Ở đây vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng sống gần như ẩn dật. Ông Nguyễn Xuân Oánh thì nghỉ hưu, xa rời chốn quan trường, còn Thẩm Thúy Hằng thì muốn che giấu mọi người thời kỳ nhan sắc tàn tạ của mình bởi trong giai đoạn biến chứng cuối cùng của chất silicon mà một thời bà đã bơm vào da thịt để làm tăng sắc đẹp của một minh tinh màn bạc. Những năm tháng cuối cùng này đối với một “Nữ hoàng nhan sắc” quả thật là tột cùng của sự đau khổ, bà đã trải qua rất nhiều cuộc giải phẫu lớn nhỏ và sử dụng phương pháp tiêm botox thường xuyên để chống chọi với sự tàn phá của hóa chất trong cơ thể.
Dù cố gắng hết sức mình, bằng mọi phương pháp kéo dài thời gian nhưng rồi “Người đẹp Bình Dương” lộng lẫy một thời cũng phải chấp nhận sự thật: tất cả những gì đẹp đẽ, lộng lẫy trước đây đã bị đào thải, gương mặt bà đã biến dạng từng ngày. Rồi căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám cũng được bán đi, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng mua một ngôi nhà khác ở vùng Bình Quới, quận Bình Thạnh và lui về ẩn dật theo đúng cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông và Thẩm Thúy Hằng không tiếp xúc với bên ngoài, sống gần như trong bóng tối, ăn chay trường, tu tại gia, nghe kinh và làm việc thiện cho xã hội. Nghe nói sau khi được một nhà sư đến thuyết pháp, đeo vào cổ một tượng Phật bằng vàng, ông Nguyễn Xuân Oánh dường như ngộ ra lẽ vô thường nên sống ung dung tự tại cho đến khi chết vì một cơn đau tim vào năm 2003. Từ ngày chồng chết, Thẩm Thúy Hằng càng lẻ loi, cô độc trong căn phòng ẩn kín tràn ngập bóng tối. Bà mặc áo nâu sòng, lấy pháp danh nhà Phật, che giấu gương mặt biến dạng xấu xí để đi làm việc từ thiện với nhà chùa.
Vì thế nên không ai biết một minh tinh màn bạc một thời mặt mũi đã biến dạng, không còn đẹp lộng lẫy như xưa. Có lẽ bà sẽ sống yên ổn với huyền thoại và hào quang cũ khi đi ra đường với bao nhiêu người ngưỡng mộ kéo nhau theo phía sau để nhìn mặt và xin chữ ký. Và “Người đẹp Bình Dương” vẫn tồn tại trong tâm tưởng mọi người nếu Thẩm Thúy Hằng không xuất hiện tại đám tang của NSND Phùng Há và trực suốt bên quan tài của “Má Bảy” theo lễ của thầy trò. Tuy mặc áo tang đen và che giấu mặt, nhưng rồi chân dung hiện tại của “Người đẹp Bình Dương” sau biến chứng silicon đã lộ ra và ai đó đã chụp được mấy tấm ảnh, sau đó họ đã tung lên mạng. Không có gì tồn tại mãi trên cõi đời này mà điều phù du nhất chính là nhan sắc. Nhưng một người quá nổi tiếng trên lãnh vực nghệ thuật, lãnh vực giải trí như Thẩm Thúy Hằng, lại đẹp lộng lẫy như biểu tượng nhan sắc đã biến thành chuẩn mực của bất cứ người phụ nữ nào và trước sự ngưỡng mộ của công chúng thì nhan sắc đó không thể bị tàn tạ với bất cứ lý do gì. Người ta hiểu được tâm lý ấy và chính vì thế nên hoàn toàn chia sẻ nỗi khổ đau của Thẩm Thúy Hằng trong hiện tại. Bởi không có gì buồn thảm hơn một người sống mà phải luôn luôn giấu kín gương mặt mình sau lớp vải ngụy trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét