VNN - VietNamNet xin đăng nguyên văn góc nhìn đáng suy ngẫm của Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2003 - Nguyễn Đình Thụy Quân về công tác cứu trợ người dân lũ lụt miền Trung.
"Cứu trợ thiên tai và mỳ gói
Ngay từ khi các phương tiện truyền thông đại chúng, báo đài liên tục cập nhật những tin nóng về đợt lũ quét đang hoành hành nhân dân miền Trung. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã ra sức kêu gọi, lên kế hoạch quyên góp ủng hộ, cứu trợ. Tuy nhiên, quá trình triển khai các gói cứu trợ đến vùng lũ những ngày qua đã tạo ra nhiều bất cập khó nói.
Cứ sau mỗi đợt mưa bão, lũ lụt, thiên tai thì mì gói vẫn chiếm số lượng lớn nhất trong các danh mục hàng cứu trợ. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi khổ khó nói của dân. Trong cảnh màn trời chiếu đất, xung quanh là biển nước mênh mông hay những nơi đi lại bị cô lập, việc có thực phẩm để lót dạ như một phao cứu sinh. Nhưng với gói mì ăn liền, họ lấy nước sạch ở đâu, củi lửa hay điện ở đâu để nấu mì? Vậy cách khả thi nhất là nhai sống.
Nhưng nhai mãi cũng đâu có ổn, rồi khát nước lấy đâu mà uống? Giải quyết được cơn đói cấp bách trước mắt cũng là lúc họ phải đối diện với cái khát khô họng. Thế mới có chuyện nhiều người dân sau lũ nhìn thấy mì gói là sợ. Còn sau khi lũ đã đi qua, vấn đề cái ăn cái uống đã không còn nan giải như trong lũ, thì mì gói lại trở thành thừa thãi.
Nhiều hộ gia đình đi nhận mì gói xong thì tạt qua quán đổi luôn thành gạo, thành rau, thành một số nhu yếu phẩm khác cần thiết hơn cho họ lúc này. Theo quan sát trong nhiều năm qua thì sau thiên tai, nhiều nhà mì gói không có chỗ chất, phải đem đi bán để mua thứ khác cần thiết hơn.
Trong mắt các nhà hảo tâm, mì gói vẫn là giải pháp tối, nên cứ nhắc đến cứu trợ vùng lũ thì họ nghĩ ngay đến mặt hàng này. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu. Mì gói thì thừa trong nhà, trong kho cứu trợ, nhưng dân thì lại thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết khác để duy trì cuộc sống trong và sau lũ như nước sạch, chăn màn quần áo khô, nguyên liệu dùng để đốt lửa trong điều kiện ẩm ướt...
Theo chia sẻ của đa số các nhà cứu trợ, họ thường lấy thông tin từ truyền thông. Ở đâu bị phản ánh thiệt hại nhiều nhất thì họ tìm đến. Đó cũng là một trong những bất cập, bởi với những người đi cứu trợ, việc cần hơn là cứu người dân ở vùng đang bị đói nhất, thay vì cứu người dân bị lũ lụt tàn phá nhất.
Để tránh tình trạng hàng cứu trợ tập trung quá nhiều ở một địa điểm trở thành dư thừa, truyền thông cần phải tuyên truyền rộng rãi và các nhà cứu trợ phải nắm bắt được tình hình chính xác, hành động thiết thực để cứu đói cho những người, những vùng thực sự đang cần".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét