Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam là ai?

Bảo Yến

PLVN - Hoa hậu là danh xưng dành cho những người đẹp tài sắc vẹn toàn, đại diện vẻ đẹp cho phụ nữ của một quốc gia.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều cuộc thi nhan sắc và nhiều thế hệ hoa hậu đại diện cho mỗi thời kì khác nhau. Tuy nhiên, ai mới là Hoa hậu đầu tiên của nước ta thì không phải ai cũng biết.

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam là nhà báo

Năm 1955, dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức tại Sài Gòn. Trước đó, ở Việt Nam chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu, do vậy đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta.

Cuộc thi diễn ra ngày 20/2/1955 tại rạp Lido Chợ Lớn, thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam.

Và người đoạt được ngôi vị cao nhất của cuộc thi này là bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, quê gốc tại Hà Nội. Bà đăng quang ngôi vị hoa hậu với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86-62-88 và nặng 53kg.

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Năm 1950, Thu Trang tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt và khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bốt Catinat - nay là trụ sở của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP HCM. Bà từng gọi nơi này là “ngục trần gian” với đủ các loại hình tra tấn.

Sau đó, bà bị chuyển qua khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện tổng hợp TP HCM. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong phiên tòa tháng 6/1953 đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, cùng bà Nguyễn Thị Châu Sa (nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó chủ tịch UBND TP HCM).


Thoát khỏi ngục tù, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn. Trong Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 1955 có một vài nhà báo và nhân sĩ. Một lần Thu Trang lên lấy tin, người trong ban tổ chức quen biết Thu Trang nên “xúi” cô thi hoa hậu, không ngờ cô… đoạt vương miện.

Phần thưởng mà Thu Trang “tự dưng” được nhận sau khi đăng quang, ngoài một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta. Thiên hạ thời đó gọi đùa Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta".

Đời bất hạnh khi dấn chân vào showbiz

Sau khi trở thành hoa hậu, Thu Trang đã bước chân vào điện ảnh với các vai diễn trong phim Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).

Có lẽ chính Hoa hậu Công Thị Nghĩa cũng không ngờ, những hào quang trong giới showbiz chế độ cũ đã biến bà thành người đàn bà bất hạnh.

Một lần, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang theo bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để làm hậu kỳ. Đồng thời, cũng là để tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đây.

Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Chuyện gì đến cũng đến, bà có mang.

Trong cuốn hồi ký của mình, bà từng chia sẻ về hoàn cảnh bi thàm lúc đó: “Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".


Về lại Sài Gòn, bà liên tiếp hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con. Mặc cho điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Sau này, bà vẫn cho con theo họ của bố, bà đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên.

Sau đó, bà sang Pháp học tiến sĩ và định cư tại đây. Năm 1978 bà trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của phan Châu Trinh tại Pháp. Các nghiên cứu sử học về Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc từ các văn khổ lưu trữ tại Pháp của thu Trang đã được in thành sách và tái bản tại Việt Nam.

Sau này, Thu Trang về nước nhiều lần giảng dạy nghành du lịch tại nhiều trường đại học. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét