VNN - Những ngày cuối năm ở TP.HCM, trời càng về khuya trên đường càng đông người. Chiếc xe chúng tôi đang đi bỗng giở chứng. May sao trên lề đường Hàm Nghi góc Pasteur (P. Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), có chiếc bơm tay và thùng đồ nghề ...
Cuộc sống đơn thân
Chúng tôi ghé vào cũng vừa lúc một người đàn bà lớn tuổi vừa vá xong một chiếc xe bị thủng bánh. Thấy chúng tôi, bà yêu cầu dựng xe và bắt đầu công việc.
Bà làm thành thạo và nhanh chóng. Chưa được 2 phút, bánh xe đã no hơi. "Sao chị không mua một máy bơm làm cho đỡ mất sức?".
Nghe tôi hỏi, bà phân trần: "Xung quanh đây toàn nhà cao tầng và chốn sang trọng không có chỗ gửi đồ nghề sau khi làm xong. Trước đây có một ông khách vào làm, thấy tôi bơm tay, ông cũng đề nghị tặng tôi một chiếc bơm máy. Tôi cám ơn nhưng từ chối vì rất bất tiện".
Bà tên là Trần Thị Ngọc Ánh, 61 tuổi, ngụ tại đường số 10 (Phường 4, Quận 4) cách nơi bà bơm vá khá xa. Bà thấp người, mái tóc đã chuyển màu muối tiêu. Gương mặt hiền lành, phúc hậu.
Con bà, hai trai một gái, đều đã có gia đình nhưng không một ai ở với bà. Bà đang ở cùng cháu ngoại 12 tuổi. Con cái bà ở riêng cũng phải thôi vì căn nhà của bà chỉ vỏn vẹn 14m2 được xây dựng trên miếng đất vốn là ao sâu đã lấp.
Chúng tôi hỏi thăm đến chồng bà, bà kể: "Ông ấy bỏ tôi đi 3 năm nay rồi. Lúc trước còn ông, ông còn đỡ đần tôi chút ít. Bây giờ thì một thân một mình tôi phải làm để nuôi thân, nuôi cháu.
Mỗi ngày, 6 chiều chiều tôi bắt đầu cho dụng cụ, đồ nghề vào trong một thùng chở trên xe đạp, đạp từ quận 4 qua đây. Tôi làm cho đến 2 giờ sáng thì về ngủ.
Nhưng về đến nhà có ngủ ngay được đâu, đến 4 giờ sáng tôi mới ngủ, 6 giờ dậy lo cho cháu đi học. Tôi chợp mắt thêm tí nữa rồi bắt đầu lo cơm nước buổi trưa. Vậy mà đến nay cũng đã tròn 30 năm...".
Cả năm không một ngày nghỉ
Bà kể tiếp: "Tôi với ông ấy sống với nhau hơn 40 năm, làm đủ nghề để nuôi con. Lúc trước ông chạy xích lô, tôi gánh cam đi bán. Có hôm tôi vấp té ngã mất cả vốn liếng. Nghề xích lô của ông cũng bị cấm.
Làm sao để nuôi 3 đứa con còn nhỏ? Năm 1987, tôi bàn với ông sắm ít đồ nghề qua đây bơm vá xe. Thế là cứ mỗi buổi chiều, tôi lấy xích lô chở ông và đồ nghề qua đây. Dọn hàng ra tìm chỗ cất xe, làm cho đến rạng sáng thì về".
Nhiều năm như thế, hai vợ chồng chí thú làm ăn nuôi con khôn lớn. Mặc dù là phụ nữ nhưng bà còn khỏe nên đảm đương những việc nặng, ông đau bệnh nên chỉ làm những công việc lặt vặt. "Dù làm gì mà vợ chồng đồng thuận có khó khăn mấy vũng vượt qua được", bà kể.
Một chiếc xe bị thủng ghé vào. Bà ngưng câu chuyện, lấy dụng cụ cạy vỏ lấy ruột xe bên trong ra bơm căng thử nước. Bọt khí phun lên, bà làm dấu xả hết hơi rồi lấy giấy nhám cà ruột.
Chúng tôi nhìn bà làm, gọn gàng hơn cả đàn ông. Bà nói, làm cả đêm như vậy hôm nào khá lắm thì được khoảng 150 nghìn đồng, thường thì chỉ từ 80 - 100 nghìn đồng. Hôm ế lắm thì tôi chỉ được 30 nghìn đồng. Bà nói: "Có còn hơn không bởi ngồi nhà ai cho mình số tiền đó".
"Chị đã chuẩn bị gì để ăn Tết chưa?". Bà bật cười: "Ăn hàng ngày lo còn chưa xong nói chi lo Tết. 30 năm nay, năm nào cũng vậy vẫn có mặt đều đặn đủ 365 đêm tại đây. Có điều đêm giao thừa tôi phải về sớm bày mâm cơm cúng ông bà. Xong mâm cỗ tôi lại ra làm tiếp. Tôi làm cả năm, chỉ có mấy ngày Tết là khá hơn cả. Khách đông, tôi thường được lì xì thêm cũng đỡ khổ..."
Trời chuyển lạnh, chúng tôi ái ngại nhìn bà. Bà già đã quá nửa đời người mà vẫn đơn thân lầm lũi mưu sinh. Rồi 5 năm, 10 năm nữa khi sức khỏe đã cạn, không biết bà sẽ ra sao...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét