VNExp - Dư luận Hà Nội đang xúc động vì một người phụ nữ rao bán… tim mình để chữa bệnh cho con.
Chị tin rằng con mình, một đứa trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, có thể được chữa bằng phương pháp cấy tế bào gốc. Và để phục vụ kế hoạch ấy, chị sẵn sàng chết, với mong muốn đổi nội tạng của mình lấy 600 triệu đồng; dù các bác sĩ đã khuyên chị bình tĩnh.
Cuộc đời làm bác sĩ của mình, tôi đã gặp nhiều bệnh nhân tuyệt vọng. Họ bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ để níu kéo hy vọng cuối cùng. Cách đây vài hôm, tôi cũng gặp một bệnh nhân tuyệt vọng. Anh bị chấn thương cột sống, đã được mổ tại cả địa phương và bệnh viện đầu ngành. Có vẻ như anh rất thất vọng với kết quả của cả hai lần mổ. Dù theo tôi, ca mổ thứ hai đã làm nhiều hơn mức cần thiết.
Khi tôi hỏi anh đến gặp tôi với mong muốn gì. Anh cho biết anh muốn hết liệt, hết rối loạn tiểu tiện. Có người bệnh chấn thương cột sống nào mà không mong muốn như vậy? Nhưng tôi không đủ khả năng chữa cho anh. Tôi cung cấp thông tin cho anh về các phương pháp chữa bệnh hiện nay trên thế giới.
Anh đã biết những thông tin ấy. Nhưng hình như anh chưa biết, rằng việc cấy tế bào gốc mới chỉ đang trong vòng nghiên cứu, có thể thành công, nhưng cũng có thể thất bại. Ngay cả khi nó thành công thì người ta cũng chưa biết cái giá phải trả là như thế nào. Nhưng anh có vẻ quyết tâm, dù cho chi phí có lớn đến đâu đi chăng nữa.
Chúng tôi cũng hay gặp những hoàn cảnh éo le ở những gia đình đã bán hết nhà cửa, tài sản, để chữa bệnh. Tâm lý phải làm gì đó cho người thân đã khiến cả gia đình lâm vào cảnh khốn cùng sau khi người bệnh qua đời. Có bệnh nhân qua được một giai đoạn nào đó nhưng không còn gì để bán, không vay mượn được nữa để đi tiếp.
Giả sử người mẹ ấy có thể bán được nội tạng, có một số tiền đủ để cho con chữa bệnh, cũng vẫn sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Phương pháp chữa bệnh mà người mẹ quyết tâm bán tim mình để theo đuổi cho con có thực sự xứng đáng với việc chị đặt cả tính mạng mình vào đó? Đó có phải là phương pháp đã được phép thực hiện cho mọi người, không phải chỉ là đang nghiên cứu hay không?
Cứ cho là phương pháp ấy có thể chữa hết bệnh cho cháu bé, thì cháu sẽ sống ra sao khi đã không có cha, giờ lại không còn mẹ? Tôi không hoàn toàn ủng hộ ý kiến cho rằng người mẹ đã có lỗi với con khi quyết định sinh mà chưa đủ khả năng nuôi con, nhưng tôi sẽ rất đồng ý với ai cho rằng việc chị quyết định chết bây giờ, cho dù để lấy tiền chữa bệnh cho con, là một hành động thiếu trách nhiệm với con của mình.
Vấn đề của người mẹ quyết định bán tim và nội tạng của mình để lấy tiền cho con chữa bệnh, và trước đây là người mẹ đã tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học, cho thấy, trước những hoàn cảnh ngặt nghèo, người ta dễ mất định hướng, dễ dẫn đến những quyết định hết sức tiêu cực, thể hiện sự bế tắc như thế nào.
Và trước những con người như thế, tôi cho rằng cái đang thiếu nhất, chính là những chỗ dựa tinh thần. Trước những cơn bĩ cực, đặc biệt là khi đã lên báo, sẽ có người đến tặng tiền, mong họ vượt qua cuộc khủng hoảng.
Trong đợt công tác cứu trợ ngập lụt miền Trung vừa qua, chúng tôi đến Lệ Thủy, Quảng Bình. Ở đó, chúng tôi được biết có một số các bà mẹ khiếm thị đơn thân đang gặp khó khăn nên quyết định hỗ trợ thường xuyên cho các cháu.
Kể từ hôm đó, tôi thường xuyên nhận được điện thoại của các bà mẹ và các cháu mà tôi nhận hỗ trợ. Thật tiếc là tôi không có nhiều thời gian để duy trì độ dài của các cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, qua những trao đổi ngắn, lại khá khó khăn bởi vấn đề ngôn ngữ địa phương, tôi hiểu rằng, họ cần nhiều hơn là một khoản tiền hỗ trợ.
Các chị bị cô lập vì nhiều nhẽ. Vì vấn đề tài chính, vì định kiến xã hội. Tôi đã nhận được một số ý kiến, và khó mà bác bỏ. Chẳng hạn như, sẽ là có tội nếu chúng ta quyết định sinh ra một đứa con khi chưa có đủ khả năng nuôi dưỡng nó.
Đấy là chưa kể đến chuyện còn khá nhiều người ác cảm với những phụ nữ không chồng mà có con, kể cả khi đó là quyết định ngay từ đầu của họ.
Chị Hoa trong câu chuyện “bán tim lấy tiền chữa bệnh cho con” cũng là một người mẹ đơn thân. Và từ phản ứng cực đoan của chị - sẵn sàng rao bán tim gan mình trên chợ đen - tôi tin rằng chị không chỉ hứng chịu bi kịch thuần túy của việc thiếu tiền.
Chị, và rất nhiều những người tuyệt vọng khác mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu trong bệnh viện, rất cần một chỗ dựa về tinh thần. Hội phụ nữ, các đoàn thể… ở đâu? Sao những tổ chức được lập ra với bao nhiêu mục tiêu cao cả, tiêu tốn khá nhiều ngân sách, lại không giúp cho những người đang rơi vào bế tắc đó có một quyết định đúng đắn, tích cực?
Chúng ta tìm đến những người nghèo và cho tiền khi nghe rằng họ đã tới mức cùng quẫn. Chúng ta chưa bao giờ có một cơ chế để lắng nghe và hỗ trợ những người bế tắc từ trước khi họ tuyệt vọng. Sẽ còn bao nhiêu bà mẹ khốn cùng như chị Hoa khi sự tuyệt vọng sẽ lại nối dài bởi sự tuyệt vọng đơn độc khác?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét