Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Những đứa trẻ sẽ quen cùng dối trá...

HÀ QUANG MINH

TTCT - Tôi không thể nào dứt mình khỏi nỗi sợ hãi khi đọc những dòng được trích lại từ phát biểu của giám đốc Công an TP Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, về vụ việc ở Trường tiểu học Nam Trung Yên rằng: “Vụ việc không đến mức phức tạp. Nếu có tai nạn thì thăm hỏi đền bù nhưng cô hiệu trưởng đã có những thủ đoạn để che giấu”.

Vụ việc ấy có lẽ không nhiều người quan tâm đến cũng bởi lẽ nó diễn ra trước tết, thời điểm có bao nhiêu bận tâm, bộn bề. Xin được vắn tắt sự việc như sau:

Ngày 1-12-2016, phụ huynh học sinh Trần Chí Kiên (lớp 2A4 Trường Nam Trung Yên) nhận điện thoại của cô giáo chủ nhiệm báo rằng con mình chạy chơi trong sân trường và ngã gãy xương đùi, đang cấp cứu ở Viện Nhi trung ương.

Bác sĩ khẳng định không có kiểu ngã nào mà gãy xương như thế. Dứt khoát phải có một lực va đập mạnh mới khiến cháu gãy xương đùi.

Và bạn học của cháu đã rất thật thà kể lại: có một xe ôtô màu xanh, trên xe có cô hiệu trưởng, đã đâm vào bé Kiên trong sân trường. Song, cô hiệu trưởng phủ nhận hết. Cô nói rằng trong sân trường không hề có xe ôtô.

Tất nhiên, có xe ôtô hay không thì chúng ta rõ rồi, nhất là khi giám đốc Công an Hà Nội khẳng định “cô hiệu trưởng có thủ đoạn che giấu”.

Sau vụ việc ấy lại vỡ ra vụ việc nổ hóa chất trong giờ thực hành môn hóa ở Trường THPT Phan Đình Phùng khiến một nữ sinh xinh đẹp lớp 12 bỏng nặng, tàn phế, một tay em bây giờ vẫn còn yếu đến mức như thể bị liệt.

Sẽ không ai biết đến sự việc kia nếu như em nữ sinh không uất ức, thổ lộ trên trang fanpage của học sinh trong trường. Trang fanpage ấy có tên “PDP Confessions”.

Và phản ứng của nhà trường: thầy chủ nhiệm yêu cầu em xóa những gì đăng trên fanpage (may mắn thay, những quản trị của trang đã giữ vững lập trường và không xóa gỡ), còn hiệu trưởng thì dàn xếp một cách qua quýt.

Confession trong tiếng Anh nghĩa là “xưng tội”, “sám hối”, “tự thú”. Và câu hỏi đặt ra là “Có lời tự thú nào vang lên trong chúng ta không, những người lớn?”.

Tôi và vợ thường nói chuyện với giáo viên của con lớn của mình rằng: “Cháu nó ở nhà quậy lắm. Cháu có nhiều điểm chưa được, như lười và thụ động. Gia đình vẫn nhắc nhở, rèn giũa suốt. Mong nhờ thầy cô ở trường uốn nắn thêm”.

Và câu trả lời chúng tôi nhận được luôn là: “Trời ơi, ba mẹ nói quá. Cháu ngoan lắm. Cháu giỏi lắm”. Nghĩ đến đó, tôi thấy sợ. Tôi sợ giáo viên che giấu điều gì, vì cái gì thì chúng ta cũng biết cả rồi. Tôi sợ giáo viên không thành thực và con tôi sẽ lớn lên không tử tế như một con người.

Tôi được xem một đoạn video của Thái Lan về hành trình dạy dỗ một học sinh tự kỷ, cha mẹ chia tay nhau và lúc nào cũng phải đeo tấm ảnh ông bà trước ngực để lỡ có đi lạc còn có người nhận biết đưa về.

Cô giáo ấy miệt mài nghiên cứu thêm tài liệu về người tự kỷ, dạy dỗ em, bảo vệ khi em bị tấn công, bị phụ huynh học sinh khác yêu cầu nhà trường buộc thôi học em. Và cô đã thành công. Cậu học trò, tên là Chao, đã coi cô như mẹ, sau này trở thành một viên chức nhà nước đàng hoàng.

Đó là câu chuyện có thực, gây cảm xúc mạnh mẽ, với lời kết đại ý: “Làm nghề giáo không phải để được tưởng thưởng ghi nhận bằng thành tích, bằng bằng khen, bằng phần thưởng, bằng vinh danh. Mà làm nghề giáo chỉ để dạy điều thật thà, để đón nhận về tình yêu thương cũng như để cho đi tình yêu thương”.

Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện giật mình kiểu trẻ học đến lớp 5 mà vẫn không biết chữ. Đó là kết quả của một việc giáo dục dối trá được vận hành bởi vài con người dối trá. Và từ đó, nó sản sinh ra những đứa trẻ biết dối trá, khi mà từ thơ bé chúng đã quá quen với việc nói dối của chính thầy cô, cha mẹ mình rồi.

Và đứa trẻ ở Trường Nam Trung Yên, hay em nữ sinh ở Trường Phan Đình Phùng, ít ra vẫn còn chút may mắn là các em ở thành thị, được bảo vệ bởi những điều kiện cơ sở vật chất, về các mối quan hệ của phụ huynh, về tiếp cận công nghệ tốt hơn trẻ ở vùng sâu vùng xa rất nhiều.

Ai lên tiếng cho những đứa trẻ thiệt thòi ở những miền hẻo lánh đây? Có lời sám hối, thú tội nào cho chúng hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét