MTG - Kể từ ngày 1.1.2017 Việt Nam áp dụng "Bảng tiêu chí phân loại phim" để phổ biến theo lứa tuổi. Nhân đây, chúng ta cùng tìm hiểu về hệ thống phân loại phim của một số nước châu Á, nơi có những nét văn hóa tương đồng với Việt Nam.
Kể từ ngày 1.1.2017 Việt Nam áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm có các cấp độ sau:
- P (phổ biến rộng rãi): Phim được phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng.
- C13 (không phổ biến đến trẻ em dưới 13 tuổi): Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi.
- C16 (không phổ biến đến trẻ em dưới 16 tuổi): Phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
- C18 (không phổ biến đến người xem dưới 18 tuổi): Phim cấm người xem dưới 18 tuổi.
- C20 (không phổ biến đến người xem dưới 20 tuổi): Phim cấm người xem dưới 20 tuổi.
Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.
Ý nghĩa của việc phân loại và dán nhãn cho phim
Một hệ thống phân loại phim có vai trò sắp xếp những phim sao cho phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên những yếu tố như tình dục, khỏa thân, bạo lực, ngôn từ và hành động tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung người lớn khác.
Hệ thống này giúp cho cha mẹ quyết định xem bộ phim nào phù hợp cho con cái họ. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hệ thống còn bắt buộc những rạp chiếu phim chấp hành nghĩa vụ pháp lý là không cho phép trẻ nhỏ vào xem những phim không phù hợp lứa tuổi. Hệ thống thường được sử dụng thay thế hoặc bổ sung cho những cơ quan kiểm duyệt ở nhiều nước.
Người ta thường tranh cãi về tính hiệu quả, tính bắt buộc của những hệ thống này. Nhiều người ưa thích những nội dung được kiểm duyệt cao, trong đó những đứa trẻ có thể thích xem những bộ phim được cho là không phù hợp với lứa tuổi của chúng. Những bản DVD mà "chưa phân loại", "không cắt", "không kiểm duyệt" càng lúc càng trở nên phổ biến.
Ảnh hưởng của các nhân tố lên việc đánh giá ở mỗi nước là khác nhau, tùy theo điều kiện văn hóa, tôn giáo, chuẩn mực đạo đức... của mỗi nước. Ví dụ, ở những nước như Mỹ, ngay cả những phim có chứa nội dung tình dục nhẹ nhàng cũng có thể bị hạn chế chỉ dành cho người trưởng thành, thì ở Pháp hay Đức, nội dung tình dục được đánh giá thoáng hơn. Ngược lại, yếu tố bạo lực khiến những phim bạo lực bị xếp loại cao và kiểm duyệt ở Phần Lan hay Đức, còn ở Mỹ lại xếp loại nhẹ hơn cho những bộ phim loại này.
Nhìn chung, hệ thống phân loại ở các quốc gia châu Á sẽ khắt khe hơn so với các nước Âu-Mỹ, cả về yếu tố bạo lực lẫn tình dục. Tại các nước châu Á, những phim có cảnh khỏa thân thường bị phân loại khắt khe nhất, đồng thời những cảnh nóng kéo dài (trên 3 giây) hoặc không che những bộ phận nhạy cảm thì sẽ bị cắt bỏ.
Sau đây là những quy định về phân loại phim của một số nước châu Á:
Phân loại phim của Hàn Quốc
Phân loại phim ở Hàn Quốc gồm các mức:
- Phổ biến (전체 관람가): Cho mọi người xem.
- 12 (12세 이상 관람가): Thích hợp cho người từ 12 tuổi trở lên.
- 15 (15세 이상 관람가): Thích hợp cho người từ 15 tuổi trở lên (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức PG-13 của Hoa Kỳ).
- Giới hạn thiếu niên (청소년 관람불가): Cấm trẻ em dưới 18 tuổi (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức R của Hoa Kỳ, có thể đi kèm với việc chỉnh sửa, cắt bỏ một số nội dung, cảnh quay, lời thoại không phù hợp).
- Giới hạn: Lưu hành nội bộ ở một số rạp đặc biệt, không được phép trình chiếu cho công chúng (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức NC-17 của Hoa Kỳ).
Phân loại phim của Philippines
Phân loại phim ở Philippines gồm các mức:
- G (Phổ biến): Cho mọi người xem.
- PG (Cha mẹ cần chú ý): Trẻ em dưới 14 tuổi cần có cha mẹ đi kèm khi xem phim.
- R-13 (Restricted-13): Cấm trẻ em dưới 13 tuổi.
- R-16 (Restricted-16): Cấm trẻ em dưới 16 tuổi (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức R của Hoa Kỳ).
- R-18 (Restricted-18): Cấm trẻ em dưới 18 tuổi (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức NC-17 của Hoa Kỳ, có thể đi kèm với việc chỉnh sửa, cắt bỏ một số nội dung, cảnh quay, lời thoại không phù hợp).
- X: Lưu hành nội bộ, không được phép trình chiếu cho công chúng (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức XXX của Hoa Kỳ)
Phân loại phim của Hồng Kông
Phân loại phim ở Hồng Kông gồm các mức:
- I (Phổ biến): Cho mọi người xem.
- IIA (Không phù hợp với trẻ em): Trẻ em dưới 10 tuổi cần có cha mẹ đi kèm khi xem phim.
- IIB (Không phù hợp với thiếu niên và trẻ em): Trẻ em dưới 13 tuổi cần có cha mẹ đi kèm khi xem phim.
- III (Chỉ dành cho người trên 18 tuổi): Cấm trẻ em dưới 18 tuổi (áp dụng khi phim có nội dung tương đương với mức R của Hoa Kỳ, có thể đi kèm với việc chỉnh sửa, cắt bỏ một số nội dung, cảnh quay, lời thoại không phù hợp).
Trong 4 phân cấp, cấp I, IIA và IIB chỉ là một sự khuyến cáo và không đưa ra hình phạt. Riêng phim cấp III được quản lý chặt chẽ, người xem phim cũng như người bán vé sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu cho phép người dưới 18 tuổi vào rạp. Các cửa hàng băng đĩa cũng sẽ bị phạt nếu bán phim cấp III cho người dưới 18 tuổi.
Phân loại phim của Trung Quốc
Ở Trung Quốc, việc phân loại dán nhãn cho phim được Ủy ban về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đảm nhận.
Đặc biệt ở Trung Quốc không có quy định về phân loại độ tuổi mà chỉ có 2 mức: "Phim được phổ biến" hoặc "Phim bị cấm phổ biến". Phim được phổ biến sẽ được trình chiếu cho mọi lứa tuổi bởi trong đó không bao giờ còn những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em.
Nội dung bộ phim phải được 37 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Họ gồm các quan chức, viện sĩ, biên tập tạp chí điện ảnh và đạo diễn, cùng ngồi lại xem xét các chi tiết hình ảnh, lời thoại liên quan đến tình dục, bạo lực và yếu tố chính trị của bộ phim. Phim điện ảnh muốn phát hành ở thị trường điện ảnh Trung Quốc đều phải trải qua khâu kiểm duyệt rất khắt khe, từ quy định hạn chế số lượng phim nước ngoài tối đa được thông qua trong một năm (không quá 34 phim chiếu rạp/năm), cho tới kiểm soát chặt chẽ nội dung và quy định thời điểm ra rạp.
Các bộ phim chiếu rạp ở Trung Quốc không bao giờ được phép xuất hiện những cảnh quay mô tả hoạt động tình dục, khỏa thân và đồng tính. Không chỉ phim điện ảnh, tất cả những bộ phim truyền hình nói về các mối quan hệ và hành vi tình dục bất thường như loạn luân, đồng tính, lạm dụng tình dục cũng bị cấm hoặc phải cắt bỏ mọi cảnh quay liên quan.
Quay trở lại vấn đề phân loại dán nhãn cho phim Việt, trong một phát biểu với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia nói: "Phân loại nhằm tránh cấm chiếu như những năm trước. Nhưng nếu phim có một số đoạn (sex, phản cảm) phạm luật thì vẫn bắt cắt. Bắt cắt bớt rồi phân loại sau. Việc phân loại để tôn trọng sáng tác của đạo diễn hơn”.
Như vậy, với những cảnh phim quá nóng, quá bạo lực hay phản cảm, vi phạm các điều cấm trong Luật điện ảnh thì sẽ vẫn bị cắt trước khi ra rạp cho dù có dành cho khán giả người lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét