Nhắc đến “O du kích nhỏ”, hẳn ai cũng nhớ đến bức ảnh của nhà báo Phan Thoan. Bức ảnh ấy đã đi vào lịch sử gần nửa thế kỷ qua. Hình ảnh ấy đã thể hiện cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cuộc chiến tranh không cân sức của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược. Sau nửa thế kỷ, tôi vinh dự được gặp “O du kích nhỏ” năm nào.
Hình ảnh đi vào lịch sử
Không hẹn mà gặp, bà Nguyễn Thị Kim Lai, “O du kích nhỏ” năm nào, có mặt tại TP.HCM trong không khí cả nước kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trò chuyện với chúng tôi tại ngôi nhà của con trai ở quận Thủ Đức, bà Lai giờ đã 67 tuổi, có vẻ ngại ngùng vì đã nhiều lần “phải” lên báo, bởi theo bà: “Mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa cuộc sống. Biết bao chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến và cũng không đếm hết những người thầm lặng về lại với thời bình. Câu chuyện của tôi cũng bình thường thôi nếu so với những gian lao, mất mát của đồng đội”.
Nhớ lại thời chiến, bà Lai kể: Cũng như bao thanh niên khác trong làng lớn lên trong chiến tranh bom đạn của thời chống Mỹ, mùa Hè năm 1965, vừa học hết cấp 2 (lớp 7), tôi và bè bạn cùng trang lứa xung phong vào đội dân quân tự vệ của xã. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là ban ngày trực chiến, còn đêm thì đi đào công sự.
Về bức ảnh ghi dấu lịch sử, bà Lai cho biết: Ở chiến trường ngày ấy, bà mới 17 tuổi, cao 1,47m, nặng 37kg nhưng ý chí thì không thiếu. Sáng 20/9/1965, một nhóm máy bay địch ập đến tấn công khu vực cầu Đá Lậu (nay là cầu Lộc Yên, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Suốt cả ngày hôm đó, trên bầu trời máy bay Mỹ nhiều vô kể, quần đảo nhiều lớp, nhiều tầng, vừa bắn phá vừa ngó nghiêng tìm kiếm đồng bọn. Lúc đó, một máy bay Mỹ bị bắn rơi và đội dân quân phát hiện một viên phi công nhảy dù tẩu thoát. Cuộc vây bắt kéo dài đến tận 20 giờ và nữ dân quân Kim Lai đã phát hiện viên phi công, liền bắn súng báo hiệu cho đồng đội. Ngay trong đêm, Huyện đội Hương Khê huy động mọi lực lượng của các xã tìm bắt viên phi công Mỹ bằng được.
“Lúc ấy tôi mới vào dân quân, còn chưa thạo súng đạn nên hoàn toàn có thể bị viên phi công Mỹ bắn hạ. Thế nhưng, William Andrew Robinson đã không ra tay. Sau này gặp lại Robinson, tôi mới biết rằng lúc đó, ông không bóp cò vì nhìn thấy tôi, ông nhớ đến đứa em gái nhỏ ở quê nhà”- bà Lai hồi tưởng.
Một khoảnh khắc bao dung của Robinson trỗi dậy đã làm thay đổi cả cuộc đời của hai người. “Nếu lúc ấy Robinson bắn trả, chắc tôi đã không còn sống đến hôm nay và có thể ngay sau đó, ông ấy cũng bị quân ta tiêu diệt”- bà Lai cho hay.
Lúc Kim Lai trói gô được viên phi công to kềnh càng- cao tới 2,2 m và nặng 125 kg, đồng đội thấy cô quá đối nghịch với tay lính Mỹ nên đùa nhau: “O Lai áp giải y để coi sao”. Vậy là cô gái nhỏ tuổi và cũng nhỏ con nhất đội cứ thế đi phía sau, kiêu hãnh chĩa súng giải “thằng Mỹ lênh khênh” đi bộ mười mấy cây số. Không ngờ, hình ảnh đó đã được nhiếp ảnh gia Phan Thoan ghi lại...
Năm 1966, bức ảnh được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc, được ngành Bưu chính in thành tem, rồi trở thành tác phẩm bất hủ. Khi xem, nhà thơ Tố Hữu đã phải thốt lên: O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/Ra thế! To gan hơn béo bụng/Anh hùng đâu cứ phải mày râu!
Trái đất… tròn!
Năm 1995, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đến Việt Nam thực hiện phóng sự về cuộc đời của nhân vật trong bức ảnh “O du kích nhỏ” và gia đình ông Robinson đã có mặt tại căn nhà của bà Lai ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Lai nhớ lại, lúc gặp tôi, câu đầu tiên ông ấy nói làm ai cũng phải phì cười: “Cô vẫn chẳng lớn được bao nhiêu”.
“Thật ra, lúc đó tôi đã nặng 43 kg nhưng ông ấy đã tăng lên 150 kg. Chúng tôi gặp lại nhau, nhắc lại chuyện xưa như những người đã quen thuộc và xem ngày tháng cũ là kỷ niệm. Và quan trọng vẫn là tấm lòng bằng sự tha thứ, bao dung”- bà Lai hồn hậu kể.
Là một trong những người may mắn trở về để được sống cho đến ngày hôm nay thì không thể quên được quá khứ, có quá khứ mới có ngày hôm nay. Chính vì vậy bà cứ tự nhủ lòng mình, dù ở cương vị nào- cho dù bây giờ đơn giản chỉ là người mẹ, người bà, một công dân bình thường nhưng cũng phải sống tốt hơn vì con cháu mình và vì cả những người đã khuất.
Với bà, cuộc chiến ấy đâu chỉ có hình ảnh kiêu hùng như lúc ngẩng cao đầu áp giải viên phi công Mỹ ở cầu Đá Lậu, mà còn cả một chặng dài sau đó phải đối mặt với biết bao gian nguy mà ranh giới của sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc. “Có khi chỉ vài bước chân thôi mà đã thấy đồng đội ngã xuống. Có người mới nói chuyện với nhau buổi sáng thì buổi chiều đã hy sinh. Chúng tôi hồi đó chỉ biết sống trọn hôm nay và chiến đấu hết mình, chẳng ai rõ có thể còn sống đến hôm sau không”- bà Lai rưng rưng nhắc lại…
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, niềm vui của “O du kích nhỏ” ngày nào bây giờ là sum vầy cùng con cháu- bà có 4 người con và 8 đứa cháu.
“Thế hệ trẻ bây giờ khó hình dung hết được sự mất mát, hy sinh của thế hệ trước. Thế nhưng, tôi tin rằng những rường cột tương lai hiểu được vai trò và trách nhiệm to lớn của mình trong việc xây dựng và cống hiến cho đất nước”- “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét