VOV.VN -Thay vì đưa ra những cảnh báo về mức độ độc hại và xử lý vi phạm thực phẩm bẩn, thì cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm.
Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại “nóng” như hiện nay. Ngay cả cơ quan chức năng cũng nhận định, ở đâu cũng thấy thực phẩm không an toàn và trên thực tế, thực phẩm bẩn đã tràn vào mâm cơm từng gia đình, đe dọa mạng sống từng người và sức khỏe giống nòi. Vậy bao giờ thì tình trạng này mới được giải quyết triệt để và vì sao mức tiền phạt đã được nâng lên nhưng vẫn tràn lan vi phạm về an toàn thực phẩm?
Mới đây, khi lấy hơn 100 mẫu thịt bò sống và chín ở các quận của Hà Nội để kiểm nghiệm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện hơn một nửa số mẫu thực chất là thịt lợn hoặc hàm lượng thịt bò rất thấp. Các sản phẩm giả thịt bò vừa nêu, gồm: giò bò, xúc xích bò, nạm bò và thịt bò tái, chín đều được ướp hương liệu, phụ gia với mùi và màu đặc trưng như thật.
Điều đáng nói là khi thông tin thịt bò giả được công bố thì thay vì vào cuộc xét nghiệm sâu hơn để đưa ra những cảnh báo về mức độ độc hại và xử lý vi phạm, thì cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm. Khi được hỏi về biện pháp xử lý vấn đề thịt bò giả trên địa bàn thành phố, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: “Những thứ đó thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và ngành nông nghiệp đã làm. Ngành y tế là cơ quan thường trực”.
Còn ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại cho rằng, kinh doanh thịt bò giả là hành vi gian lận thương mại. Điều đó được hiểu là “quả bóng” đã được đẩy sang cơ quan quản lý thị trường của ngành công thương.
Ông Nguyễn Hùng Long thừa nhận, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc, trong sản phẩm phải đạt bao nhiêu phần trăm hàm lượng thịt bò thì mới được gọi là sản phẩm thịt bò. Chính vì vậy, một số sản phẩm hạt nêm chỉ chứa dưới 2% thịt nhưng vẫn được quảng cáo rầm rộ là ngon từ thịt, ngọt từ xương, thịt thăn, xương ống. Rõ ràng sự giả dối trong kinh doanh thực phẩm đang có đất sống.
Qua việc phát hiện thịt bò giả đã cho thấy có khoảng trống trong quản lý thực phẩm! Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện đã có thông tư liên tịch phân định rõ chức năng quản lý các mặt hàng thực phẩm của 3 Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên không có tình trạng chồng chéo cũng như chưa phát hiện mặt hàng nào bị bỏ trống trong quản lý.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm. Bộ Nông nghiệp cũng có danh mục thuốc bảo vệ thực vật, danh mục chất cấm trong chăn nuôi. Luật An toàn thực phẩm và Nghị định hiện hành cũng đã quy định mức xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng và cao nhất gấp 7 lần giá trị hàng hóa… Như vậy, khoảng trống trong quản lý an toàn thực phẩm phải chăng do bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình?
Những ngày gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Hàng tấn mỡ thối, nội tạng bốc mùi đang trên đường đi tiêu thụ bị bắt giữ, thịt gà và măng nhuộm chất vàng ô độc hại bị phát hiện, thịt chứa chất tạo nạc, chất kháng sinh, rau tồn dư hóa chất vượt ngưỡng… Vậy bao giờ mới chấm dứt được tình trạng tràn lan thực phẩm bẩn vừa nêu?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng tôi cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục nóng vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự hiểu biết của người sản xuất kinh doanh thực phẩm. Ở Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gần 90 triệu hộ dân đều có thể sản xuất kinh doanh thực phẩm. Thứ 2 là ý thức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm. Có những người biết sản phẩm độc hại những vẫn cố tình kinh doanh để thu lợi bất chính”.
Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới sẽ xử lý hình sự trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Người sản xuất, kinh doanh có thể bị tù từ 12 năm đến 20 năm nếu thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng từ thực phẩm bẩn. Nhưng vấn đề là các cơ sở sản xuất kinh doanh này có được phát hiện và xử lý kịp thời hay không thì chỉ có cơ quan thực thi pháp luật mới trả lời được.
Cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải xin lỗi người dân sau khi cho rằng: “Đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết". Động thái này cho thấy, vấn đề thực phẩm bẩn bắt đầu được nhìn thẳng vào sự thật, chứ không còn bị che đậy bởi những con số đẹp, báo cáo hay.
Người dân đang mong chờ sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm cao hơn nữa của cả các ngành cũng như chính quyền các địa phương để không còn những "khoảng trống" trong quản lý an toàn thực phẩm như vấn đề thịt bò giả vừa qua./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét