Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Mẫu số chung là lợi ích của đất nước và dân tộc

Trần Nguyễn Anh

TP - “Tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề hòa hợp thì cần phải dựa trên một mẫu số chung đó là lợi ích của đất nước, xã hội, dân tộc” - Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong xung quanh chủ đề hòa hợp dân tộc, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).

Xin bà nhận xét về việc thực hiện chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc trong những năm vừa qua?

Trong ngành ngoại giao thì vấn đề người Việt ở nước ngoài luôn là vấn đề xuyên suốt. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, đến nay vấn đề bình thường hóa giữa Việt Nam với Mỹ gần như đã được giải quyết, trong khi đó vấn đề hòa hợp dân tộc giữa người Việt với người Việt vẫn còn nhiều việc phải làm. Chiến tranh trôi qua đã hơn 40 năm mà khá nhiều người vẫn còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề hòa giải dân tộc và vấn đề này ít được đề cập. Tôi cho rằng vấn đề hòa hợp dân tộc cần được giải quyết triệt để hơn nữa.

Trước hết vì đây là công việc của những người đã từng trải qua các cuộc chiến tranh như thế hệ chúng tôi. Nếu thế hệ chúng tôi không làm thì ai làm? Nếu thế hệ trải qua chiến tranh như chúng tôi không làm thì những thế hệ trẻ sau này không liên quan đến cuộc chiến tranh sẽ khó có nhận thức khách quan, tỉnh táo đối với quá khứ do lịch sử để lại.

Ðược biết bà cũng lớn lên ở nước ngoài và tham gia các phong trào Việt Kiều chống chiến tranh, vì hòa bình và thống nhất đất nước?

Lúc ba tuổi tôi đã theo gia đình sang Pháp, 10 năm sau tôi về lại Sài Gòn học cấp 3, sau đó đi nước ngoài học đại học ở Pháp và Anh, học xong thì dạy đại học 3 năm. Trong thời gian hòa đàm Paris tôi đã tham gia phiên dịch cho bà Nguyễn Thị Bình ở vòng ngoài. Lúc đó tôi mới ra trường và bắt đầu đi dạy. Tôi được Hội Việt kiều yêu nước cử đi giúp dịch bổ sung cho Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam (GRP). Lúc đó số đông người Việt tại Pháp lo đi học, một số nhỏ ủng hộ chính quyền Sài Gòn, còn một số đáng kể ủng hộ việc đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và ủng hộ Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam.

Thời kỳ làm đối ngoại tại Quốc hội, được biết bà cũng gần gũi cộng đồng người Việt, vậy bà có thể cho biết bà đã tham gia vào tiến trình hòa giải dân tộc như thế nào?

Khi làm ở Bộ Ngoại Giao và ở Quốc hội, tôi đã từng tiếp xúc khá nhiều với người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp và Mỹ. Tôi đã trực tiếp đi qua 11 thành phố của 8 bang ở Mỹ và tiếp xúc với bà con tại những nơi đó. Những nhóm cực đoan đi theo để phản đối.  Tôi vẫn cảm nhận được số đông những người thầm lặng ủng hộ công việc của tôi, ủng hộ việc “bình thường hóa” quan hệ giữa người Việt và người Việt.

Quá khứ đã để lại một thực tế lịch sử là người Việt chúng ta từng ở hai bên chiến tuyến. Song số người thực sự chủ động tham gia vào quân đội Sài Gòn không nhiều, mà đa phần là đến tuổi thì bị bắt đi lính, ít có ai xung phong đi lính. Thực tế không ít thanh niên tìm cách “trốn quân dịch”. Chúng ta không nên quy kết họ theo chế độ Sài Gòn, “theo Mỹ” chỉ vì họ đã từng phục vụ trong quân đội Sài Gòn. Muốn hòa hiếu thì chúng ta không nên quy tội, mà nên rộng lòng nhìn nhận họ cũng là dân Việt Nam.

Công việc góp phần vào hòa hợp dân tộc của bà từng gặp nhiều khó khăn hay thuận lợi?

Khi tiếp xúc với bà con người Việt ở nước ngoài, có những lúc, tôi cảm thấy như mình gặp phải một bức tường thực sự, nhưng tôi không lùi bước. Tôi thấy rằng một số không sẵn sàng đối thoại, chỉ có phê phán, công kích, thậm chí chửi bới, trong khi tôi đến với tinh thần sẵn sàng đối thoại với mọi người. Cuối một buổi nói chuyện tôi đã nói với họ rằng: “Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, không phải là thiên đường, nhưng nó cũng không phải là địa ngục như một số quý vị mô tả”. Sau buổi nói chuyện đó, tôi lại được những người khác mời về nhà ăn cơm. Họ là những người ôn hòa. Một số bạn trẻ đã không nghĩ tới việc gặp tôi để công kích mà họ gặp để tìm hiểu về đất nước và dân tộc Việt Nam. Một trí thức còn nói với tôi hãy thông cảm với những người cực đoan, vì họ luôn nghĩ mình bị mất tất cả khi rời đất nước, đau đớn và buồn cho vị thế của mình ở nước ngoài. Song, tôi cũng nói thật lòng với người trí thức đó rằng nếu muốn hòa giải thật sự thì hai bên cần thẳng thắn và công bằng với nhau. Chẳng hạn việc mất mát trong chiến tranh thì ai có thể so sánh bên nào mất mát hơn bên nào được? Việc đó hoàn toàn vô nghĩa vì tổn thương về người trong chiến tranh là một quá khứ đau buồn của lịch sử Việt Nam. Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, không nên xoáy vào những mất mát của mỗi bên mà nên tìm những mẫu số chung để đến với nhau.

Mẫu số chung mà bà đề cập là gì?

Tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề hòa hợp thì cần phải dựa trên một mẫu số chung đó là lợi ích của đất nước, xã hội, lợi ích của dân tộc.

Chúng ta có thể tiếp tục tranh luận để tìm hiểu sự thật, nhưng người Việt, trong và ngoài nước, dù có khác biệt thì cũng nên gác lại để hướng tới tìm mẫu số chung. Thay vì thuyết phục những người có quan điểm khác với mình hay thay vì kết tội những người không cùng chí hướng với mình, chúng ta nên đến với nhau bằng những quan tâm và tình cảm có thể chia sẻ. 

Phần lớn bà con không sống trong hận thù mà lo làm ăn kiếm sống, lo cho con cái vươn lên trong xã hội mà mình định cư. Bà con bày tỏ sự quan tâm tới việc về Việt Nam thăm thân nhân, tìm hiểu văn hóa Việt, có người thấy nhiều người dân còn nghèo, muốn về giúp đỡ. Những người kinh tế khá giả thì tính đến khả năng về để đầu tư kinh doanh. Trong số đó người lớn tuổi cũng có, người trẻ cũng có, người sinh ra ở nước ngoài - gọi là “thế hệ hai” - cũng muốn về giúp đỡ những nơi khó khăn, những người yếu thế tại Việt Nam.

Công việc hòa hợp dân tộc sau hơn 40 năm, có cần đến những nét mới?

Chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận với vấn đề hòa hợp. Một số người khi tiếp xúc với người Việt ở nước ngoài thì cho rằng cần vận động họ ủng hộ chính sách của Việt Nam. Tôi cho rằng như vậy vừa không hiệu quả vừa có thể phản tác dụng. 

Khi tiếp xúc với người Việt trước hết cần mở rộng cánh tay đón những người quan tâm đến gốc gác của mình, để mọi người tìm hiểu về đất nước, về văn hóa gốc của bản thân. Cuộc sống và cộng đồng người Việt đã thay đổi nhiều. Chính sách đối với họ cũng cần thay đổi. Trước kia Việt kiều về là một cái gì đó rất đặc biệt, còn ngày nay, việc ai đó về nước thăm gia đình, tham quan, nghỉ dưỡng, đầu tư kinh doanh là chuyện rất đỗi bình thường.

Nhưng cũng đừng nghĩ người Việt từ nước ngoài về đông hơn là mọi việc đã suôn sẻ mà quên rằng còn không ít vấn đề phải làm…

Nhà nước đã có nhiều chính sách với bà con Việt kiều và thế hệ con cháu của họ, chẳng hạn như khả năng mang hai hộ chiếu. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng đối với những người đã định cư ổn định tại các nước ta nên gọi là người gốc Việt, chứ không nên gọi là Việt kiều. Vì họ đã và phải thực hiện những nghĩa vụ công dân của nước sở tại. Việc cấp thêm hộ chiếu Việt Nam là chủ trương tích cực để bà con và con cháu của họ có điều kiện thuận lợi khi về Việt Nam.

Song, quyền lợi với người có hai hộ chiếu là như thế nào cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Vị dụ anh tôi định cư ở Pháp và có hai hộ chiếu. Khi anh tôi về Việt Nam thăm và đi du lịch ở Lào tại cửa khẩu Việt Nam, người ta lại bảo anh tôi phải xuất sang Lào bằng hộ chiếu Pháp (theo nguyên tắc vào Việt Nam với hộ chiếu nào thì phải xuất khỏi Việt Nam bằng hộ chiếu ấy). Do đó anh tôi đã không tận dụng được lợi thế miễn thị thực vào Lào của hộ chiếu Việt Nam mà đã phải lấy thị thực khi đến sân bay Vientiane.

Cám ơn bà! 

“Khi tiếp xúc với người Việt trước hết cần mở rộng cánh tay đón những người quan tâm đến gốc gác của mình, để mọi người tìm hiểu về đất nước, về văn hóa gốc của bản thân”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét