VNN - Có thể nói điện ảnh Indonesia đang trải qua thời kỳ phục hưng. Trong 8 tháng đầu năm 2016, 8 phim nội địa đã bán được hơn một triệu vé, trong khi chỉ có 3 bộ phim đạt được thành công tương tự vào năm 2015.
Việc quay phim dày đặc làm tắc cả đường phố và những buổi công chiếu hấp dẫn cả nghìn fan hâm mộ đã biến Jakarta trở thành một “Jollywood”.
Bộ phim tiên phong cho xu hướng mới này không đâu khác chính là loạt phim “Ada Apa Dengan Cinta? ” (“Yêu là sao vậy? ”, gọi tắt là AADC1 và AADC2, lần lượt công chiếu năm 2002 và 2016).
Hai phần phim lãng mạn hài của AADC được dựng bởi đội sản xuất kiêm đạo diễn Riri Riza và Mira Lesmana theo phong cách ấm áp như trong “Notting Hill” của đạo diễn Richard Curtis thực sự đã tạo nên một bộ phim mang tính biểu tượng, gắn kết chặt chẽ với bản sắc của Indonesia thời kì hậu cải cách. Vì vậy nên mỗi lần phần mới của bộ phim ra mắt đều như một sự kiện quốc gia hay một thời khắc định hướng tư tưởng thời đại: cả nền Cộng hòa Indonesia bỗng ngưng lại để chiêm nghiệm về vị thế của đất nước và về cặp đôi có định mệnh bất hạnh kia, nữ chính Cinta được Dian Sastrowardoyo, diễn viên có gương mặt rạng ngời như Kate Winslet thủ vai, còn vẻ đẹp trai góc cạnh của nam chính Rangga lại được Nicholas Saputra thể hiện.
Đạo diễn Mira Lesmana từng giải thích: “Ngành công nghiệp phim nội địa đã gần như bất động trong những năm 1990. Vào khoảng thời gian đó, cứ nói đến phim ảnh là phải xin đủ các loại giấy phép và phải được kiểm duyệt trước”. Cựu tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid (Gus Dur) đã thay đổi những điều luật đó và giải phóng cho ngành công nghiệp phim.
Quay về năm 2002, ngay sau khi bộ phim trẻ em Petualangan Sherina (“Cuộc phiêu lưu của Sherina”) bất ngờ đạt thành công lớn, bộ đôi đạo diễn Mira và Riri rất muốn được thử sức với thị trường phim cho tuổi teen. “Mọi người nghĩ chúng tôi điên rồi nhưng tôi tin chắc rằng nếu bộ phim được truyền tải theo ngôn ngữ tuổi teen và thâm nhập được vào thế giới của các em thì chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra sự kết nối.”
Sau khi dỡ bỏ được các loại kiểm duyệt của “thời đại Suharto” (tổng thống Indonesia từ 1967 đến 1998), các nhà làm phim bây giờ được phép sử dụng “bahasa gaul” (ngôn ngữ đường phố). Thoại của phim AADC1 còn được viết trên những vần thơ mạnh mẽ của nhà thơ giải phóng Chairil Anwar và kịch bản gia Sjuman Djaya. Sự kết hợp đầy tính văn học này đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, cả hai nhân vật chính đều chuyển đổi mượt mà giữa hai cấp độ (một cao trào và một bình dị hơn, hai sắc thái không khác nhiều với nghệ thuật rối bóng của đảo Java) mà đỉnh cao là trường đoạn tỏa sáng ở cuối bộ phim đầu tiên, khán giả đã được quan sát những phản ứng của nàng Cinta khi Rangga ngâm bài thơ dành tặng cho cô.
Hơn thế nữa, đạo diễn Riri cũng coi nhạc phim là một yếu tố độc đáo làm nên thành công của cả bộ phim. Những bài hát trong phim do Anto Hoed và Melly Goeslaw sáng tác đã chiếm lĩnh các chương trình radio trong nhiều năm sau đó. Thật khó có thể không đồng ý với câu nói đơn giản của cô: “Bộ phim đã nắm bắt được ‘chất Indonesia’ trong sự lột tả cuộc sống trẻ.”
Khi bộ phim AADC1 công chiếu lần đầu tiên đầu năm 2002, với góc nhìn tươi sáng là tình yêu và tình bạn chiến thắng định kiến và bạo lực, bộ phim đã đứng vững trên thị trường, bất chấp hiện thực kinh tế chính trị đầy phức tạp trong những ngày tháng đó. Nữ tổng thống Megawati Soekarnoputri cố gắng củng cố quyền lực sau vụ tố cáo cựu tổng thống Gus Dur và thay thế vị trí của ông, trong khi đó, bạo lực tôn giáo tại đảo Ambon và vùng Kalimantan vẫn định kỳ bùng lên.
Tuy vẫn thừa nhận những bất ổn và bạo lực tồn tại trong xã hội thời kỳ ngay sau cải cách, bộ phim còn tập trung phác họa Jakarta như một khu vườn ngập tràn lãng mạn với các quán cà phê cũ kĩ, chàng thi sĩ rong ruổi thời hiện đại hay những quầy sách cũ trên những con đường ngoại ô mờ ảo.
Tuy nhiên, một cái kết mở với cuộc trùng phùng đầy xúc cảm của những người bạn, theo sau là cảnh Rangga khởi hành đi Newyork để lại bức thư tỏ tình, đã bỏ ngỏ câu chuyện không hồi kết.
Chỉ khi 14 năm đã trôi qua, và sau cả sự kiện đoạn phim quảng cáo ngắn của AADC dựng bởi các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc cho ứng dụng nhắn tin LINE lan truyền trên mạng, khán giả mới lại được trở về với thế giới của Cinta và Rangga.
Khác với các phần phim ăn theo thường gây thất vọng cho khán giả, AADC2 lại khẳng định mình qua con số 3,7 triệu vé bán ra cùng với các cảnh quay khiến khán giả phát cuồng trong các rạp chiếu - không khác gì thành công của thần tượng Philippines John Lloyd Cruz năm nay trong bộ phim hit “A Second Chance” (“Một Cơ Hội Thứ Hai”).
Cùng với sự phát triển của đất nước Indonesia, cặp đôi trên màn ảnh của AADC cũng đã có nhiều đổi khác. Cả hai đã trưởng thành hơn, nữ chính Cinta giờ là chủ một quán cà phê theo phong cách hipster ở Jakarta, còn Rangga đồng sở hữu một quán cà-phê tại New York.
Trong AADC2, thành phố Yogyakarta giàu có về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đã thay thế cho vai trò của thơ ca trong AADC1 để trở thành nơi thử thách tình yêu của hai người. Khán giả được theo dõi cách những nét đẹp cổ kính của thành phố Yogya thẩm thấu vào tâm hồn và làm lắng dịu một Cinta đang cuồng nộ do sự ra đi lâu tới cả thập kỷ của Rangga. Nhưng thật may mắn là cặp đôi cuối cùng vẫn trở về bên nhau, nói gì thì đây cũng là một bộ phim giải trí dành cho phái nữ mà!
Trong khi phần 1 của bộ phim tập trung vào quá trình lớn lên, tự khám phá bản thân và ra những quyết định khó khăn: gia đình, bạn bè hay người yêu, thì phần 2 lại nói nhiều hơn về cách chấp nhận và tiếp tục với những chọn lựa của bản thân, ngay cả khi đang dang rộng đôi cánh để bay ra biển lớn.
Đó có lẽ cũng là lý do vì sao bộ phim tạo được những rung cảm mãnh liệt tới vậy cho khán giả Indonesia. Về khía cạnh cảm xúc, bộ phim đã vẽ nên tấm biểu đồ phát triển cho chặng đường dài mà đất nước Indonesia đã đi qua và của cả những mục tiêu cao xa phía trước.
Thực tế là cả hai diễn viên Dian và Nicholas đã sống với kì vọng lớn của công chúng trong hơn 14 năm qua. Một mặt, công chúng hy vọng về sự phục hồi của nền công nghiệp phim, nhưng trên một mặt khác là điều còn quan trọng hơn nhiều, chính là niềm hy vọng và mơ ước của cả một quốc gia cho cặp đôi (từng) trẻ tuổi, chàng Rangga và nàng Cinta.
Vì điều này mà tôi nghĩ rằng bộ phim sẽ có phần 3, có chăng là bởi khi thế hệ những người Indonesia này trưởng thành hơn, họ sẽ soi mình vào Rangga và Cinta (giống như cách các thế hệ trước nhìn vào nhân vật rối bóng Arjuna và Srikandi) như một kênh để giải trí, để kiếm tìm sự đồng cảm và quan trọng nhất là cùng sẻ chia những kỷ niệm đã qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét