Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Giọt nước mắt sáng thứ hai của bà Năm

HẢI HƯƠNG

TTO - Người ta hay nói câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu, ngầm ý về sự mâu thuẫn trong mối quan hệ này. Thông thường, mẹ chồng hay xét nét, khó chịu với dâu con. Nhưng câu chuyện ở xóm tôi không phải vậy.

Bà Năm vốn là hàng xóm lâu năm của mẹ chồng tôi. Thấy tôi đi làm suốt, ngày nghỉ cũng hiếm khi ở nhà, bà chép miệng “Cưới dâu mà bà không được nghỉ ngơi gì. Giờ phải chăm cháu nữa…”.

Mẹ chồng tôi bảo: “Nó đi làm chứ có đi chơi đâu chị. Mình chăm cháu mình chứ có chăm ai đâu mà lo”.

Vẻ không ưng, bà Năm xua tay “Dâu tui mà như vầy, tui kêu con trai bỏ. Phận dâu làm gì thì làm, cũng phải lo cơm nước nhà chồng chứ!”.

Đôi lần nghe mẹ kể, tôi thoáng buồn, nhưng bà bảo “mẹ nói con biết thôi, chứ không có ý gì đâu. Những người hàng xóm họ suy nghĩ như vậy, nhưng mẹ hiểu công việc con đâu có giờ giấc cố định”.

Sự cảm thông của mẹ chồng thật sự đã động viên tôi rất nhiều. Tuy vậy, trong khả năng bản thân, tôi cố gắng sắp xếp thời gian để chia sẻ gánh nặng việc nhà với mẹ, để mọi thứ chu toàn.

Hôm nay bà Năm gửi thiệp cưới con trai. Khỏi phải nói, bà hồ hởi mừng rỡ khoe khắp xóm: “Nó giỏi lắm cơ. Đang đi cao học, siêng năng, ăn nói nhỏ nhẹ”.

“Mừng bà gặp dâu hiền” - mẹ tôi vui lây.

Cô dâu mới ở nhà chồng gần một tháng thì cấn bầu, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Nói thai hành, cơm nước nuốt không trôi, sau giờ làm việc, vợ chồng cô ghé tiệm nào đấy ăn tạm rồi về nhà ngủ.

Chỉ một mình, bà Năm cũng ngại nấu cơm. Có khi đặt cái nồi, nấu miếng thức ăn nhưng bà để đó, chờ nguội để cất vào tủ lạnh, vì “ăn một mình buồn quá, chị à” khi chia sẻ với mẹ tôi.

Khổ nỗi, bà Năm hay đau chân, khó khăn trong việc đi lại nên lúc nào thuận tiện, mẹ chồng tôi mua giúp con cá, bó rau cho bà.

Nhiều bữa sang nhà chơi thấy tối thui, không đèn đóm, mẹ tôi cứ lo bà gặp chuyện gì. Bảo với cậu con trai bà, anh ậm ừ “Không sao đâu cô. Có gì cô qua nhà chơi, ngó chừng mẹ cháu giúp. Cháu bận vợ sắp sanh nữa”.

Sáng sớm thứ hai, bà qua nhà tôi chơi, mắt sưng húp. Vừa gặp mẹ, bà hỏi ngay: “Chị ngủ dậy trễ thế. Tôi chờ hoài không thấy chị mở cổng. Mà chị ngủ dậy trễ, con dâu không nói gì à?”.

Mẹ chồng tôi ngạc nhiên “Trời, sao nói gì chị? Nó không bao giờ nói gì mấy chuyện ấy đâu. Em mệt nên nằm thêm chút. Mà phận con sao nó dám nói em”.

Lúc này, bà Năm mới sụt sịt: “Hôm qua tui uống ly cà phê sữa, lỡ quên chưa rửa, sáng nay kiến bu đầy. Nó xuống bếp, thấy vậy nói thẳng mặt tui, sao mẹ uống có mỗi ly cà phê mà không rửa đi, còn để đó”.

Mẹ tôi bức xúc “sao chị không dạy nó?”

- “Tui buồn và tức quá chị à, nói không nên lời” - Bà chảy nước mắt. Mẹ tôi động viên, khuyên nhủ rồi rủ bà ở lại ăn cơm cho vui.

Chỉ ít sau thôi, khoảng cách giữa bà Năm và con dâu dần xa. Vợ chồng họ dắt nhau về nhà ngoại, vừa để tiện việc sinh nở, vừa tránh va chạm trong nhà. Anh con trai thi thoảng chạy về nhà ngó chừng mẹ chút, rồi lật đật chạy đi.

Hầu như ngày nào cũng chỉ có mình bà ở nhà. Khi đèn đường lên, giờ cơm chiều đến, mấy đứa con tôi quây quần bên bà nội thì ở hiên nhà bên, mẹ tôi bảo "thương bà Nam quá" khi thấy bà Năm ngồi bó gối, dõi ánh mắt buồn nhìn dòng xe cộ qua lại...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét