Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam

Nguyễn Xuân Xanh/Thế Giới Tiếp Thị

TTTG - Cao cả làm sao! Chúng tôi cũng rất muốn nghe quý vị giàu có Việt Nam nói “giờ đây những đứa con của Việt Nam cũng là những đứa con của chúng tôi”.

Cuốn sách nhỏ này (NXB Thành phố, hơn trăm trang, khổ nhỏ, giá 40.000 đồng) sau một năm “lận đận” cuối cùng đã tìm được ánh sáng qua bàn tay một người giàu lòng nhân ái giúp cho ra mắt trọn vẹn.

Thư gửi… là một thông điệp đến những nhà giàu, và không những thế, đến toàn thể người Việt Nam về một loại hình hoạt động nhân ái của phương Tây đang lan tỏa  trên thế giới mạnh mẽ chưa từng có, đặc biệt là trên mảnh đất Hoa Kỳ, trong những nhà tỷ phú, triệu phú, nhưng cũng không dừng lại ở đó, và cũng không dừng lại ở “tâm chấn” Hoa Kỳ.

Nó là một “cuộc cách mạng nhân ái”, “cách mạng trái tim”, nhưng bằng lý trí sắc sảo, của những người giỏi, trên thương trường, cũng như “trường tình nhân ái”.

Hoạt động trên được gọi là hoạt động nhân ái, philanthropy (philanthropōs), yêu người, nhưng ở một cấp độ cao hơn.

Trong khi hoạt động từ thiện (charity) nhằm “cho ai con cá, để nuôi người đó một ngày”, thì hoạt động nhân ái muốn “dạy ai câu cá, để người đó tự nuôi cả đời”. “Từ thiện dành cho người nghèo túng, trong khi nhân ái dành cho (sự cải thiện) nhân loại”, như Daniel Gilman, vị chủ tịch nổi tiếng đầu tiên của ĐH Johns Hopkins nói.

Hoạt động nhân ái nhắm vào đầu tư trong các lãnh vực giáo dục, văn hóa, các thư viện, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, xây dựng đại học, vào phát triển khoa học, công nghệ, y tế và bảo vệ môi trường, nhắm vào phát triển năng lực con người và xã hội hầu góp phần “chữa trị cái ác tại gốc rễ của nó”.

Kinh nghiệm của ba cuộc cách mạng thế kỷ 18, 19, và 20 cho thấy sự phát triển kinh tế, xã hội, và phồn vinh gắn liền với sự phát triển của khoa học, công nghệ và giáo dục. Hoạt động nhân ái do đó cũng nhằm tạo ra cơ hội cho các thế hệ sau, đem lại nhiều bình đẳng hơn, và dân chủ hơn.

Tại Hoa Kỳ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai vào những thập niên sau cuộc Nội chiến đến cuối thế kỷ 19, và một trăm năm sau, cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba (high-tech, với transistor, chip) vào những thập kỷ cuối thế kỷ 20, đã làm tăng số người giàu có chưa từng thấy trong lịch sử:

Năm 1870 chỉ có 100 triệu phú, thì hai mươi năm sau, năm 1892, con số này lên đến 4.047; rồi năm 1916 tăng đến 40.000, và trong đó ít nhất hai trong họ, John D.Rockefeller, Sr., và Henry Ford có tài sản lên cả tỉ đô la. Hoạt động nhân ái phát triển cao theo “đợt sóng thần” giàu có này.

Việc không ai có thể tưởng tượng nổi là cá nhân có thể xây nguyên một trường đại học vĩ đại, nhưng điều đó lại xảy ra với Johns Hopkins ở Baltimore, Ezra Cornell ở Ithaca, Leland Stanford ở Palo Alto, và John D. Rockefeller ở Chicago.

Các nhà giàu có mới xây dựng các thư viện, bảo tàng, trung tâm nghiên cứu khoa học, và bệnh viện xuyên quốc gia.

Gilman gọi hoạt động nhân ái là một động lực mới của nền văn minh. Người Mỹ lúc đó chưa phải là được giáo dục nhiều, nhưng họ đã nhìn thấy tương lai của xã hội tri thức. Họ hái những trái thấp, nhưng chuẩn bị để các thế hệ sau vươn tới hái những trái cao.

Đợt thăng hoa thứ hai đã nâng cao số tỉ phú từ 13 lên 400 và nay 500, cũng làm cho hoạt động nhân ái tăng lên cao chưa từng thấy.

Năm 2010, Warren Buffett và Bill & Melinda Gates đã thành lập phong trào “Cam Kết Hiến Tặng” (The Giving Pledge) kêu gọi các tỷ phú hãy hiến tặng ít nhất nửa số tài sản của mình cho xã hội.

Bản thân Warren Buffett làm gương đi trước: Hiến tặng 99% tài sản của mình cho Quỹ Bill & Melinda Gates mà không cần để lại tên tuổi.

Người được xem là “suối nguồn” của triết lý nhân ái là nhà công nghiệp Andrew Carnegie, một trong những nhà giàu nhất của Mỹ trong đợt cách mạng công nghiệp thứ hai nói trên.

Ông đã hiến tặng 90% tài sản để phát triển xã hội. Ông có một tác phẩm mà ông rất hãnh diện, đó là “Phúc âm Thịnh vượng”, ở đó ông lý luận tại sao nhà giàu không nên trao hết tài sản cho dòng họ mà nên trao cho xã hội, và nên tích cực hoạt động nhân ái lúc mình còn sống, bằng tài năng của mình như lúc kinh doanh vậy.

“Ai chết giàu có, chết hổ thẹn”, hay “chết chẳng ai thương”, vì như ông nói: Một người chết để lại sau lưng một tài sản lớn hàng triệu đô la, nhưng ra đi mà “không được thương khóc, vinh danh, và ca ngợi”, ngoại trừ một số ít, bởi y không hề “mang theo chút lòng thương xót đối với đồng loại của y”.

Ý tưởng của Phúc âm là nhằm giải bài toán của người giàu và nghèo, điều hòa giữa họ với nhau, và thiết lập ‘Hòa bình trên trái đất’.

Ông đã “trả lại” số tài sản của ông, như ông nói, đơn giản là vì nó thuộc về cộng đồng, mà ông chỉ là người được ủy thác để quản lý, và có nhiệm vụ làm lợi nhiều nhất cho nhiều người. Cách làm của, như ông nói, ông không phải là “cào bằng”, và do đó không phá hủy nền văn minh đang có, mà giúp cho nó tiến hóa lên bậc thang cao hơn.

Các nhà giàu có phương Tây, và một số phương Đông, đã vượt khỏi vòng họ hàng chật hẹp, tinh thần kinship được lập trình trong homo sapiens để tồn tại bao đời, không trao những khối tiền khổng lồ của họ cho dòng họ, mà tái sử dụng (recycle) chúng cho xã hội, tạo ra cơ hội, công bằng và tiến bộ cho đời sau.

Đó là một cuộc cách mạng đạo đức.

Họ nghĩ xa hơn, trái tim rộng lớn hơn. Họ có thể là những kẻ làm ăn “đẫm máu” trên thương trường, nhưng rất nhân ái đối với xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đời sau.

Họ làm điều đó mà không chờ đợi một ân huệ này từ trên, họ đơn giản làm là vì nhu cầu của trái tim.

Họ không mất đi cái ngã, ngược lại cái ngã của họ có thể rất mạnh, nhưng họ còn có trái tim nhân ái để tạo hài hòa với xã hội.

Tôi kêu gọi các nhà giàu Việt Nam hãy mở rộng trái tim để đón nhận loại hình hoạt động nhân ái cao cả và hiệu quả này, hãy can đảm dấn thân để giúp đất nước phát triển nhanh hơn, tránh lãng phí đồng tiền, cũng như kêu gọi các nhà làm luật hãy cùng với họ phát triển khung luật pháp thuận lợi để khai thông dòng chảy nhân ái mạnh mẽ tiềm tàng trong xã hội, để nâng cao đạo đức, đề cao tinh thần trách nhiệm, và để kết nối người Việt Nam với nhau.

Ngoài doanh nhân Phạm Văn Bên, tôi có nêu tấm gương của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, là những tấm gương nhân ái rất đáng ngưỡng mộ.

Hai vợ chồng Leland Stanford sau khi xây dựng Đại học Stanford để tưởng nhớ người con trai duy nhất của mình không may mất lúc 15 tuổi vì tai nạn trong chuyến đi châu Âu đã thốt lên “giờ đây những đứa con của California cũng là những đứa con của chúng tôi.”

Cao cả làm sao! Chúng tôi cũng rất muốn nghe quý vị giàu có Việt Nam nói “giờ đây những đứa con của Việt Nam cũng là những đứa con của chúng tôi”.

Mơ ước làm sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét