NLĐO - Hương gọi điện khóc kể với tôi trong 2 tuần cô nằm bệnh viện, ngoài tôi là sếp trực tiếp thì chỉ có chị chủ tịch Công đoàn vô thăm.
Đồng nghiệp trong phòng và công ty không ai quan tâm. Cả mấy chị bạn ở chung phòng trọ cũng chỉ gọi điện thoại hỏi thăm tình hình chứ không hề bước chân vào bệnh viện thăm nom. “Mọi người thật tệ. Dĩ nhiên là em không nói chị. Em ốm nặng chứ đâu phải cảm mạo thông thường mà chẳng có lấy một lời thăm hỏi. Chị chủ tịch Công đoàn vô thăm cũng chỉ là theo quy định chứ chẳng phải yêu quý gì mình mà vô thăm” - Hương nghẹn ngào.
Thấy Hương vẫn còn mệt nên tôi không nỡ nói ra sự thật rằng điều mà cô nhận được hôm nay chính là hậu quả của cách suy nghĩ, cách sống của Hương suốt thời gian qua. Từ quê vào TP HCM làm việc đã 7 năm, Hương chỉ làm duy nhất ở một công ty. Cô chăm chỉ như một chú ong, suốt ngày chỉ biết công việc. Công ty tổ chức đi chơi, Hương cũng ít tham gia. Trong tổ anh chị em có chuyện này nọ, kêu Hương đóng góp thì cô nói “thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”. Thậm chí công ty vận động đóng góp giúp đồng bào bị bão lụt hay giúp anh chị em đồng nghiệp bị bệnh hiểm nghèo, Hương cũng tìm đủ cách để không tham gia hoặc đóng góp rất ít cùng những lời nói khó nghe. Riết rồi mọi người gần như quên bẵng sự có mặt của Hương.
Ở công ty thì vậy, ở nhà trọ Hương cũng không khá hơn. Hồng Loan, cô bạn ở chung phòng với Hương, giải thích lý do khi không vào bệnh viện thăm Hương: “Con Hương sống ích kỷ lắm, chỉ biết mỗi bản thân mình chứ chẳng biết đến ai. Em ở chung phòng mà chưa bao giờ ăn được của nó trái chuối, ly chè. Nói ra thì nó bảo hồn ai nấy giữ, nó không muốn mắc nợ ai, cũng không muốn ai mắc nợ mình. Giờ nó bệnh, thật sự em cũng muốn vô thăm nhưng nghĩ lại thấy thôi kệ, để cho nó biết hậu quả của cách sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân”.
Tôi không đồng ý với Hồng Loan nhưng hoàn toàn thông cảm với suy nghĩ ấy. Là sếp trực tiếp của Hương, có lần tôi đã nói với cô về việc phải hòa đồng với mọi người trong bộ phận, trong công ty và ngoài xã hội, Hương chỉ cười: “Mỗi người có cách sống riêng, em không muốn rập khuôn theo người khác”. Vài lần như vậy, tôi cũng nản, không nói nữa.
Hậu quả là bây giờ trong cơn bạo bệnh, Hương cô đơn, thui thủi một mình trong bệnh viện. Có lẽ cô đã thấm thía cái giá phải trả nên mới gọi điện tâm sự với tôi. Tuy vậy, tôi vẫn không tin Hương có thể thay đổi một sớm một chiều bởi “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét