LĐO - Nhiều cô gái đã rất khổ sở khi được “trời ban” cho trên người nhiều lông hơn bình thường. Tự tin, mặc cảm, thậm chí bị người yêu ruồng bỏ… chỉ vì những định kiến cổ hủ về rậm lông. Cuống cuồng tìm mọi biện pháp để “thủ tiêu” đám lông vô tổ chức, chị em lại hứng chịu thêm hậu quả tai hại cho sức khỏe.
“Biết nó rậm lông mà cứ đâm đầu vào là sao!?”
Huy Quang (25 tuổi, ở Hà Nội) đã có công việc khá ổn định tại một công ty xây dựng lớn. Với vẻ ngoài điển trai, Quang đã trúng “tiếng sét ái tình” với cô nàng cùng cơ quan. Nhìn hình thức bên ngoài, em duyên dáng và năng động. Duy chỉ có điều em hơi rậm lông so với những bạn gái khác. Quang kể: Khi mới yêu, mỗi lần gặp tôi, em cũng rất tự ti. Em tâm sự rằng, em mắc chứng rậm lông từ lúc dậy thì. Vì tự ti với chính mình nên em chẳng dám nhận lời yêu ai cũng như để mắt đến ai. Cho tới khi gặp tôi thì em lại muốn mở lòng. Tôi đã an ủi em và nói điều này không quan trọng, quan trọng là tôi yêu em vì con người em. Song mọi chuyện chẳng xuôi chèo mát mái như tôi tưởng. Mỗi lần rủ em đi chơi cùng, trước mặt, các bạn vẫn giữ phép lịch sự không nói gì. Song khi không có mặt em, lũ bạn đều bảo “giải tán” ngay cô gái này đi, rậm lông thế kia thì “mọc sừng” sớm vì: “Con gái rậm lông thường có nhu cầu sinh lý rất cao”.
Tôi bỏ qua mọi lời đàm tiếu của lũ bạn, đưa em về nhà ra mắt bố mẹ. Lúc xắn tay áo lên phụ giúp mẹ tôi làm cơm, mẹ tôi đã giật mình nhìn kỹ và phát hiện cô ấy ngoài lông mép rậm rạp thì lông tay, lông chân cũng tốt um. Sau lần đó, mẹ đã mắng tôi té tát: “Biết nó rậm lông như vậy mà cứ đâm vào là sao?”. Vặn hỏi mẹ vì sao thì bà nói đàn bà rậm lông “chuyện ấy” vô độ, con đáp ứng được không. Tôi vẫn cho rằng, chỉ vì rậm lông mà phán xét và kết tội thì oan cho em quá nên tôi không có ý định từ bỏ em. Nhưng em ngầm hiểu được những gì đang xảy ra nên đã nói lời chia tay với tôi và ra nước ngoài du học. Tôi đã cố níu kéo, nhưng với sự mặc cảm em đã dứt áo ra đi. Tôi đã buồn một thời gian dài và nghĩ rằng: Kể cả em có nhu cầu cao thật đi chăng nữa thì cũng đâu có gì xấu. Em chỉ có nhu cầu cao với chồng em sau này thôi thì cũng đâu có tội gì… Nhưng tôi đã không thể vượt qua những định kiến ấy!?
Nỗi đau không nói nên lời
Hết nhổ, cạo, lột... để loại bỏ những sợi lông vừa cứng, dài, đen như đàn ông, nhưng sau đó chị em sẽ phải đón chào thêm đợt lông mới mọc kinh hoàng hơn. Đấy là nỗi đau mà nhiều chị em mắc chứng rậm lông phải đối mặt. Da trắng, dáng cao, xinh xắn, nhưng cô sinh viên Thủy Tiên (Hà Nội) lại rất mặc cảm bởi cánh tay, chân mọc đầy lông. Để che giấu “tội lỗi”, Tiên tìm hiểu đủ cách “thủ tiêu” chúng. Từ việc dùng dao cạo, đến việc chịu đau chảy nước mắt để waxing "đám cỏ dại", nhưng sau đó những sợi lông mới mọc lên nhanh hơn, đen hơn, cứng hơn. Vùng bikini sau 2 lần wax, những sợi lông mọc ra tốt tua tủa. Đám lông chưa được triệt tiêu thì da cũng bắt đầu “biểu tình”, đâu có lỗ chân lông, ở đó là một nốt sần đỏ đau nhức nhối.
Quá hoảng sợ với làn da tan hoang của mình, Tiên đi khám và được bác sĩ phán: Viêm nang lông. Mặc dù uống kháng sinh, bôi thuốc nhưng không thể cứu vãn, làn da nơi cánh tay, chân trở nên sần sùi, những sợi lông đen cứng vẫn cứ tua tủa mọc lên. Thủy Tiên đã tìm đến một giáo sư (GS) chuyên ngành nội tiết để quyết tìm cho ra nguyên nhân. Sau khi thăm khám, cô hiểu ra rằng mình đang dư thừa testosterone (1 loại hoóc môn sinh dục nam). Và Tiên đã cất bỏ mọi ưu phiền khi vị GS đó an ủi, “rậm lông là chồng được nhờ”, không có gì phải buồn, lông phụ nữ được coi như “điềm lành” cho những người đàn ông đấy! Tiên tâm sự: "Tôi đã “không đau vì quá đau” nữa. Tôi không còn chú tâm tới nỗi khổ vi-ô-lông nữa. Có lông tay, chân hay không không thành vấn đề. Tôi đã học được cách hài lòng với những gì mình đang có. Thời hiện đại mà đàn ông còn có suy nghĩ thiển cận về chuyện rậm lông thì không đáng để chọn làm chồng…".
Có đúng phụ nữ rậm lông mạnh mẽ “chuyện ấy”?
Thực sự, phụ nữ mắc chứng rậm lông có phải là đối thủ đáng gờm trong chuyện “giường chiếu” hay không? Theo một chuyên gia về sức khỏe sinh sản, điều này chưa có cơ sở vì cũng có thể có nhiều người mắc chứng rậm lông nhưng nhu cầu trong chuyện “phòng the” của họ cũng bình thường như bao người khác. Không phải tất cả các phụ nữ mắc chứng rậm lông đều có khả năng “phòng the tuyệt đỉnh”, họ có thể chỉ dễ dàng đạt được “khoái cảm” trong cuộc “giao ban” hơn những phụ nữ khác chứ không phải có nhu cầu “chăn gối” cao hơn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân rậm lông thường không đến từ... sợi lông mà do nội tiết tố nam testosterone trong cơ thể chị em quá cao. Do không hiểu biết mà chị em đã sử dụng mọi biện pháp để triệt tiêu đám lông và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
BV Da liễu T.Ư đã từng phải chữa trị cho nhiều phụ nữ bị viêm da, viêm nang lông do cạo lông bằng dao cạo nhiều lưỡi và cạo lông không đúng cách. Có bệnh nhân bị chàm do dị ứng hóa chất dùng để cạo lông dẫn tới da bị mẩn đỏ, xù xì và ảnh hưởng thẩm mỹ rất nhiều. Theo lời khuyên của các bác sĩ: Chị em rậm lông cần đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân. Tùy vào mỗi nguyên nhân gây rậm lông mà có cách chữa trị khác nhau. Cách chữa trị đó có thể triệt để được hiện tượng rậm lông hoặc hạn chế phần nào sự phát triển thái quá.
***
Phụ nữ mắc chứng nhiều lông thường có ria mép tương đối sẫm, lông chân lông tay nhiều. Lông ở cơ quan sinh dục mọc lên cả vùng dưới rốn. Kèm theo các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, giọng nói khàn và những đặc trưng nam tính khác thì cần phải đi khám chuyên khoa nội tiết và phụ khoa xem có bị mắc bệnh về nội tiết, buồng trứng đa nang, u buồng trứng, u hoặc phì tuyến thượng thận hay không. Nếu có bệnh, sau khi điều trị những bệnh đó thì chứng rậm lông có thể được chữa khỏi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 99% phụ nữ mắc chứng rậm lông không có những bệnh tật gì liên quan đến toàn thân mà chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhiều người đã dùng các biện pháp như nhổ, cạo, cắt lông... chỉ có tác dụng làm sạch lông nhất thời mà không thể phá được mao nang ở dưới da, kết quả là càng nhổ lông thì lông càng nhiều, thậm chí còn gây viêm da. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp triệt lông khác nhau, nhưng mỗi phương pháp đều có những hạn chế nhất định, do vậy, chị em chọn phương pháp nào cũng cần tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét