Khám Phá - Sự bần cùng có thể biến bất cứ ai trở thành đạo tặc, và xã hội thì hình như đang tạo điều kiện cho sự bần cùng mỗi ngày thêm sinh sôi nảy nở.
Bà Nguyễn Thị Đèo, 61 tuổi, đang đêm bịt mặt, mang dao đột nhập tư gia cướp tài sản. Một câu chuyện xã hội bi hài, cho thấy sự giàu có ở Việt Nam đã không còn an toàn khi ý tưởng trộm cướp có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào, và ở bất cứ ai.
Sự bi hài của câu chuyện này nằm ở chỗ kẻ cướp không giống như kẻ cướp truyền thống. Đó là một bà già không sức khỏe, không kỹ năng (mang búa đinh đi phá két), không tổ chức, không kế hoạch (đột nhập tư gia mà không chuẩn bị phương án đào thoát).
Đi ăn cướp, có lẽ đó chỉ là một ý tưởng bùng phát từ bức bách vật chất và lệch lạc tinh thần của một người phụ nữ nghèo khó và đơn độc.
Như mọi người đàn bà khác trên thế gian này, bà Đèo không sinh ra để trở thành kẻ cướp. Bà già đã sống gần hết cuộc đời mình với thân phận của một con người lần hồi mưu sinh mỗi ngày, mỗi tháng.
Ở tuổi 61, lẽ ra bà đã có thể nghỉ hưu và an hưởng tuổi già, nếu như trước đó bà đã có một công việc để hưởng lương hưu, nếu như bà đã từng có một công việc để tích lũy vật chất, nếu như bà đã có thể đầu tư cho con cái như một thứ bảo hiểm truyền thống.
Lẽ ra là thế, nhưng bà Đèo đã đi qua 60 năm của cuộc đời bằng một quá trình lao động phi tích lũy, với những công việc chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Khi khả năng lao động mất dần thì sự bần cùng là điều không thể tránh khỏi đối với những người như người đàn bà ấy. Và khi đã bần cùng, người ta cần những sự ràng buộc để không thành đạo tặc.
Bà Đèo không bị ràng buộc bởi luật pháp. Bà bình tĩnh, thản nhiên thừa nhận mọi hành vi của mình khi bị bắt và đối diện với những người thừa hành luật pháp. Bởi sự trừng phạt của pháp luật, có lẽ cũng không tệ hơn cuộc sống hiện tại của bà.
Bà Đèo không bị ràng buộc bởi nỗi sợ về những điều bất trắc rủi ro. Một bà già không đủ sức lực để đào thoát nhưng sẵn sàng trèo tường đột nhập nhà người ta thì nỗi sợ đã bị lấn át bởi kết quả mong muốn.
Bà Đèo không bị ràng buộc bởi danh dự. Những chuỗi ngày làm giúp việc gia đình, bị sai bảo, mắng mỏ thường xuyên bởi những gia chủ trẻ trung và giàu có (nạn nhân, chủ cũ của bà sinh năm 1995) đã khiến những cảm xúc về danh dự của bà trở nên tê liệt.
Thứ duy nhất có thể ràng buộc những con người như bà Đèo để không thành đạo tặc là những ý niệm về nhân quả như “ở hiền gặp lành” mà thôi.
Bà Đèo 61 tuổi, chưa tiền án tiền sự tức là đã có 61 năm “ở hiền”, và sự tồn tại của bà trên cõi đời này là khoảng cách về đời sống mỗi ngày một xa với những người thường gặp. Nên cái ý niệm “ở hiền gặp lành” không chỉ là mơ hồ, mà thậm chí đã trở thành một điều mỉa mai.
Bà Đèo 61 tuổi mang dao đi ăn cướp. Quần lụa, áo bà ba bịt mặt, tay búa, tay dao. Đó có thể là một hình ảnh hài hước khi ta vẽ lại chân dung của một tên cướp. Nhưng sau nụ cười sẽ là sự bất an khi chúng ta hình dung về một cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ cướp.
Sự bần cùng là một sự thật khi những người nông dân mất đất chưa sẵn sàng để làm công nhân, hoặc dù đã sẵn sàng thì cơ hội cũng vô cùng mong manh bởi chỉ một năm qua đã có cả trăm ngàn doanh nghiệp biến mất, đồng nghĩa với hàng triệu người lao động mất đi việc làm.
Sự bần cùng cũng là một sự thật khi những ngư dân phải tiêu hủy thuyền mủng truyền thống, bị đe dọa mất cả bãi biển để mưu sinh mà chưa biết lên bờ để làm gì.
Sự bần cùng hiện diện khắp nơi trong khi hàng rào để ngăn người ta trở thành đạo tặc mỗi ngày một mỏng manh bởi bất công oan ức. Đó là lý do để những khu dân cư cao cấp, với tường rào bảo vệ và đội ngũ an ninh chuyên nghiệp bán chạy ở khắp nơi.
Nhưng bên ngoài những khu đô thị an toàn đó thì sao? Và bên trong hàng rào ấy luôn cần những người giúp việc như bà Đèo, hoặc như bà nhưng khỏe mạnh hơn, và kỹ năng ăn cướp không chỉ là bài học từ phim truyền hình như người đàn bà ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét