(QNO) Chà là - một loại cây mình gai, thuộc họ cau, chủ yếu sống ở vùng đồi, núi trọc, mọc lúp xúp xen kẽ với các loại cỏ dại. Hằng năm, cứ đến độ đầu tháng 3 âm lịch trở đi là bắt đầu mùa chà là chín. Trái chà là ra từng chùm, một cây có từ 3 đến 10 chùm và khác nhau về màu sắc. Có cây màu xanh, có cây màu vàng hoặc màu tím đỏ... nhưng khi chín quả đều có cùng một màu đen. Quả chín có vị ngọt, trẻ con rất thích.
Hồi nhỏ, bọn tôi cứ sau mỗi chiều mưa dông, sáng mai thế nào cũng rủ nhau đi hái chà là. Do sống ở vùng đồi núi trọc thiếu nước lâu ngày, gặp mưa dông nên quả chín hàng loạt có vị ngọt, thơm. Nếu không gặp mưa quả vẫn chín nhưng chỉ lác đác, xốp, ít ngọt. Dụng cụ hái chà là là một cái rổ nhựa nhỏ và một cái cây. Cây dùng để đập trái và rổ dùng để hứng trái. Hiện nay, do tình trạng xâm phạm đất rừng làm nương rẫy, thêm vào đó là nạn cháy rừng nên số diện tích tự nhiên sinh sống của chà là có phần bị thu hẹp, nhưng không vì thế mà cây chà là bị tuyệt chủng. Hằng năm cứ từ độ đầu tháng 3 kéo dài đến đầu tháng 5 âm lịch, bọn trẻ con thường rủ nhau đi hái chà là về ăn. Mẹ tôi kể, ngày trước, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, chà là là một thứ quả giúp cho nhiều người ăn chữa đói. Có thể ăn chà là khi quả còn non và chín. Lúc non hái về luộc lấy hạt hoặc phơi khô giã, lọc lấy hạt ghế vào cơm. Quả chín ngoài việc ăn tươi thì có thể phơi khô rồi giã lọc lấy tinh bột để thay thế đường... Cũng vì thế mà đến nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
“Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét