Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

‘Ba mẹ ơi hãy cho con chút nắng!’

Trần Tươi thực hiện - Thế Giới Tiếp Thị

Cái được của người cha trẻ là tạo được niềm vui bất tận cho con, bởi lẽ cậu bé vô cùng hào hứng chơi cùng bố, cậu chạy đi nhặt bóng không mệt mỏi và luôn mỉm cười mỗi khi có bóng trên tay.

Trong một lần ra công viên Hoàng Văn Thụ đọc sách, tôi tình cờ bắt gặp một ông bố trẻ cùng đứa con trai (chưa đầy ba tuổi) đang nô đùa dưới tiết trời nắng trưa Sài Gòn, dưới sự động viên của bố, cậu bé vẫn cởi trần và chạy lon ton khắp nơi để tìm trái bóng mà bố cậu vừa ném ra xa. Bố ném bóng, con lượm bóng.

Trò chơi chỉ có thế, nhưng mỗi lần người bố ném xa hơn và tránh những nơi có bóng cây.

Người cha nói với tôi rằng, anh muốn con trai có thể chất tốt, sức đề kháng cao, đồng thời cũng là một cậu trai năng động, có thể thích nghi với mọi môi trường khắc nghiệt (bao gồm thời tiết và môi trường làm việc) lúc trưởng thành.

Tôi để ý nhiều ánh mắt ái ngại gửi đến cậu bé, ánh mắt không bằng lòng gửi đến người bố. Họ cảm thấy xót xa, họ lo sợ cậu bé sẽ bệnh.

Quả thật cậu bé có gầy guộc hơn so với những đứa bé cùng tuổi nhưng những bước chạy vô cùng cứng cáp, da thịt cũng không nhão nhoẹt như những người lười vận động.

Cái được của người cha trẻ là tạo được niềm vui bất tận cho con, bởi lẽ cậu bé vô cùng hào hứng chơi cùng bố, cậu chạy đi nhặt bóng không mệt mỏi và luôn mỉm cười mỗi khi có bóng trên tay.

Tâm lý của người lớn là lo sợ cái nắng, nhưng suy nghĩ của cậu lại tập trung vào trò chơi và hài lòng trước những tiếng vỗ tay và động viên của người cha mỗi khi cậu chiến thắng.

Để hiểu thêm tâm lý của những ông bố bà mẹ trẻ sẽ phản ứng thế nào khi nghe câu chuyện này, tôi đã có vài cuộc nói chuyện và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Nguyễn Thanh Hà, nội trợ, Tân Bình

– Đời sống thể chất của con được chị quan tâm thế nào?

– Bé nhà được năm tuổi, mỗi tuần một lần tôi đưa bé ra công viên chơi đùa sau những ngày học ở trường mầm non. Bé hiếu động vì thế bé cứ chạy nhảy suốt khi được ra công viên.

Tôi không bao giờ can thiệp vào trò chơi của con. Bé có thể chơi bất cứ trò gì bé thích nhưng phải trong tầm kiểm soát của mình. Có nghĩa là trò chơi đó đủ độ an toàn và bất cứ lúc nào mình cũng phải nhìn thấy bé.

– Chị nghĩ thế nào nếu chị cho bé chơi đùa dưới cái nắng giữa trưa?

– Chị không lo ngại con sẽ bị nắng hay sợ dơ gì nhưng cái nắng giữa trưa sẽ không tốt cho sức khoẻ, chính vì thế chị không bao giờ để bé nô đùa dưới trời nắng như vậy. Có thể những người cha mẹ khác cho con chơi như vậy với một mục đích gì đó nhưng được cái này sẽ mất cái khác thôi.

Tô Văn Hoa, công ty tổ chức sự kiện, Luỹ Bán Bích, Tân Phú 

– Tôi thấy cách anh dạy con vận động rất hay, anh để con nghịch cát và ngồi dưới nắng như vậy mặc dù bé rất nhỏ?

– Bé mới 20 tháng tuổi và bé rất sợ đi trên cát vì cát mềm khiến bé cảm thấy không an toàn khi bước đi, vì thế tôi cho bé chơi với cát để tập cho bé quen dần.

Vợ chồng tôi có chung quan điểm dạy con là cho bé tiếp xúc với môi trường tự nhiên càng nhiều càng tốt. Nắng, gió, bẩn hay lạnh cũng không sao đâu.

Có tiếp xúc như vậy bé mới có sức đề kháng cao.

– Anh có nghĩ rằng nhiều bố mẹ vẫn bao bọc con, không để con làm bất cứ việc gì bởi vì tâm lý lo sợ con không an toàn?

– Vẫn còn nhiều ba mẹ Việt suy nghĩ như vậy. Nhưng trong giai đoạn này, người trẻ đã có sự tiếp xúc văn hoá nên cách dạy con cũng hiện đại hơn rất nhiều. Họ dạy con tự chủ và tự lập theo cách này hay cách khác.

Con còn rất nhỏ nhưng tôi luôn để con tự lập trong cách con chơi. Tôi không bao giờ bảo con chơi cái này, đừng chơi cái kia, chơi cách này đúng hơn cách kia. Con khám phá đồ chơi theo cách riêng chính vì thế tôi luôn khuyến khích con chứ không bao giờ áp đặt quan điểm của mình lên con.

Thái Hoàng Anh, Trường Sơn, Tân Bình

– Chị có thường cho bé ra công viên chơi hay cho bé tiếp xúc với môi trường thiên nhiên?

Thường thì một tuần bé ra công viên một lần. Bé mới ba tuổi thôi nên hiếu động và tò mò lắm. Nhưng ông xã mình lại không thích thường xuyên đưa con ra đây chơi vì cuối tuần công viên đông lắm, mấy anh chị lớn giành chơi hết, bé không có chỗ để chơi.

Thể chất của bé cũng yếu nên vợ chồng mình cũng không thích con nghịch cát bẩn nhiều đâu.

– Nếu chị cứ để bé trong nhà không được vận động thì thể chất của bé cũng không thể tốt hơn?

– Thay vì chơi ở công viên, tôi đưa bé đến các khu vui chơi, bé có thể chơi ném bóng, lái xe hoặc bất cứ trò chơi gì bé thích. Bé được vận động thoải mái trong sức khoẻ bé cho phép.

Đành rằng ra công viên là tốt nhưng không an toàn lắm đâu. Người tốt kẻ xấu lẫn lộn, rồi những đồ chơi ở đó ai bảo đảm là chúng không gãy hoặc vỡ khi các con đang chơi.

Nói vậy thôi chứ mình cũng sẽ cố gắng để con có những trải nghiệm với thiên nhiên trong những lần đi biển hay leo núi khi con lớn thêm vài tuổi nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét