(ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Nga - chủ của Tập đoàn BRG, đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất TG, từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam...
Tháp truyền hình của Việt Nam cao và đắt nhất thế giới
Dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG sẽ có tổng mức đầu tư lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Dự án được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14ha tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây thành phố Hà Nội . Dự kiến khi hoàn thành, tháp truyền hình của Việt Nam xây dựng tại Hà Nội sẽ có chiều cao 636m, cao hơn 2m so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Skytree được xây dựng vào năm 2011 với chiều cao 634m.
Dự án bao gồm khối tháp (cao 636m) và khối đế tháp, ngoài ra có khối phụ trợ bao gồm cả các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ , vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp này. Được biết, 900 triệu USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
Trước đó, hồi cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với phương án này của VTV, đồng thời giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam xác định cụ thể ranh giới và thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ tỷ lệ 1/500 về chức năng, cơ cấu sử dụng đất tại vị trí được lựa chọn, phù hợp với nội dung đầu tư và đặc thù Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật . VTV chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện lập phương án kiến trúc cho Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đại diện của VTV cho biết, tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.
Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.
Theo trang great-tower.com, chi phí để xây mỗi 1m của Tokyo Skytree, tháp truyền hình cao và đắt nhất thế giới hiện tại là 1,29 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với con số dự tính xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam (2,35 triệu USD).
Như vậy, tòa tháp truyền hình sắp được xây không chỉ có danh hiệu cao nhất, mà sẽ có thêm danh hiệu đắt nhất thế giới.
Dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2020.
Tiết lộ về nữ đại gia bỏ tiền đầu tư xây tháp truyền hình
Bà Nguyễn Thị Nga là chủ của Tập đoàn BRG, đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng tháp truyền hình.
Bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955 tại Hà Nội), bà đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), sau đó bà đã học kinh tế ở nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật, Úc…
Theo thông tin trên website, tập đoàn BRG (BRG Group) của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính - Ngân hàng và sân Gôn với các công ty thành viên và các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế, mà tiêu biểu là Sân gôn Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân gôn BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân gôn Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đây cũng là tập đoàn thâu tóm nhiều dự án bất động sản "khủng" trong cả nước. Khách sạn Hilton Hanoi Opera Hà Nội, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ... cũng thuộc Tập đoàn này. Tính đến tháng 6 năm 2015, tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam, nhờ cổ phần lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản và kinh doanh bán lẻ. Từng có chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu công khai tài sản và cổ phiếu, có thể nữ đại gia Nguyễn Thị Nga sẽ là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (tập đoàn Vingroup). Bên cạnh khối tài sản bất động sản "khổng lồ", bà chủ tập đoàn BRG kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng và bán lẻ.
Sau khi rời ngân hàng Techcombank, bà Nguyễn Thị Nga trở thành chủ tịch của ngân hàng SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD.
Trong lĩnh vực bán lẻ, nữ đại gia này còn là Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam từ năm 2009. Năm 2013, những doanh nghiệp này đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét