Dân Trí - Sự tăng trưởng bùng nổ đã khiến quy mô thị trường chứng khoán tăng hàng chục tỷ USD trong một thời gian ngắn. Nó khiến nhiều doanh nhân giàu lên nhanh chóng. Nữ đại gia bí ẩn tại Quốc Cường Gia Lai thậm chí “quên” túi tiền cổ phiếu trị giá cả triệu USD.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục là nhóm nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng và bán lẻ.
Thị trường chứng kiến cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long lập đỉnh mới nhờ giá thép thế giới tiếp tục đi lên. Trong khi đó, nhu cầu thép cho xây dựng trong nước vẫn rất lớn. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3.
Với việc cổ phiếu HPG lập đỉnh mới, ông Trần Đình Long cũng giàu kỷ lục với túi tiền đạt trên 650 triệu USD. Ông Long xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, chỉ thua ông Trịnh Văn Quyết, Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Cổ phiếu VIC của Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng lập kỷ lục cao mọi thời đại mới. Nó giúp ông Vượng có túi tiền đạt gần 37,1 ngàn tỷ đồng (1,63 tỷ USD). Hai tập đoàn nước ngoài Warburg Pincus và Credit Suisse cho đến nay đã đầu tư 300 triệu USD và chính thức sở hữu 20,2% cổ phần phổ thông của Vincom Retail, mảng bán lẻ của Vingroup.
Rất nhiều cổ phiếu ngành BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng khác cũng có giao dịch và diễn biến giá tích cực như: Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ, Thép Nam Kim (NKG), thép POM, Việt Ý (VIS)… Các cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC), Nhà Từ Liêm (NTL), Đất Xanh (DXG)… đều đang diễn biến tích cực.
Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ như Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài hay Phú Quý (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung… cũng tiếp tục tăng lên những đỉnh cao mới nhờ kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 3.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu nóng tăng mạnh trong thời gian trước đó đang chịu áp lực giảm khi mùa công bố kết quả kih doanh quý 3 đang đến gần. Nhóm cổ phiếu liên quan tới FLC bị bán mạnh như: KLF, FIT, HAI….
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai (nhà ông Nguyễn Quốc Cường - Cường Đôla) tiếp tục giảm và hiện tại còn 16.500 đồng/cp, sau khi tăng 6-7 lần hồi tháng 6-7 có lúc lên tới gần 30 ngàn đồng/cp.
Cổ phiếu nhà ông Cường Đôla thêm 1 lần nữa dính sai phạm liên quan tới việc công bố thông tin. Thêm 1 lần nữa, QCG đính chính thông tin do lỗi đánh máy. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai đã có công văn giải trình và điều chỉnh cập nhật thông tin về cổ phần sở hữu của cá nhân liên quan đến Thành viên HĐQT công ty: bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái ông Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT công ty.
Trước đó, trong các báo cáo giao dịch trước đó đều thể hiện bà Yến chỉ còn 50 ngàn cổ phiếu QCG. Bà Yến đã “quên” 1,5 triệu cổ phiếu QCG, trị giá hàng chục tỷ đồng. Với thông tin QCG mới công bố, nhiều khả năng bà Hoàng Yến sẽ phải báo cáo lại số cổ phần của mình.
Dù không nắm chức vụ nào tại QCG, bà Lại Thị Hoàng Yến là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn này. Nữ đại gia sinh năm 1986 này hào phóng cho QCG vay hàng trăm tỷ đồng không lãi suất, không tài sản đảm bảo… Nhiều cá nhân khác cũng đã và đang cho QCG vay hàng ngàn tỷ đồng.
Sự sôi động của thị trường chứng khoán cùng với sự gia tăng trở lại của nhiều cổ phiếu khiến nhiều doanh nhân giàu có nhanh chóng. Lợi ích của họ tại các doanh nghiệp có lẽ là rất lớn.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Sức cầu của khối ngoại và triển vọng tốt của các doanh nghiệp đầu ngành đang nâng đỡ thanh khoản và thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vẫn đang kìm hãm trường tăng mạnh.
Tính từ đầu năm tới nay, quy mô vốn trên 3 sàn chứng khoán đã tăng thêm gần 70% lên trên 120 tỷ USD. Riêng trên 2 sàn HOSE và HNX, quy mô đã chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu có quy mô vốn tăng mạnh như Vinamilk (VNM) tăng gần 19% lên 9,5 tỷ USD. Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng đạt 2,6 tỷ USD…
Thị trường chứng khoán được xem còn cơ hội tăng trưởng tiếp còn do tăng trưởng kinh tế quý 3 vừa công bố khá tích cực, giảm bớt đi lo ngại về khả năng chùng lại do thiếu động lực khai thác dầu thô. Sự cải thiện nhanh chóng về vị thế của Việt Nam trong danh sách cạnh tranh toàn cầu (tăng 5 năm so với 2016) cũng mang đến tâm lý tích cực hơn trên TTCK…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, VN-index giảm 0,4 điểm xuống 804,42 điểm; HNX-Index tăng 0,23 điểm lên 107,66 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 54,39 điểm. Thanh khoản đạt 209 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 3,7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét