TTO - Sáng 8-11, lần đầu tiên kể từ năm 1990, giấc mơ đằng đẵng về một chính quyền dân sự của người dân Myanmar đang có cơ hội trở thành sự thật.
Để đi đến cột mốc này, dân tộc Myanmar đã trải qua một cuộc tranh đấu dài và khó khăn.
Theo CS Monitor, trong hơn ba năm qua, cộng đồng thế giới đã bày tỏ không ít lạc quan trước sự thay đổi của Myanmar do chính sách mở cửa. Các hoạt động kinh tế nhộn nhịp có thể thấy rõ ở các đô thị lớn như Yangon.
Từ năm 2011, chính phủ bán quân sự của Tổng thống Thein Sein đã tiến hành hàng loạt cải cách chính trị và đặt những viên gạch đầu tiên cho phát triển kinh tế. Tù chính trị được trả tự do, tình trạng kiểm soát thông tin trở nên dễ thở hơn…
Cựu đại sứ Úc tại Myanmar Trevor Wilson nhận định quá trình chuyển đổi chính trị tại Myanmar là một hiện tượng bất thường: nó tự xảy ra mà không có lực lượng bên ngoài nào can thiệp hay thúc đẩy. Bản thân quá trình này, dù có hay không cuộc bầu cử để hợp thức hóa, đạt được tính chính danh nhờ sự ủng hộ chính trị rộng rãi.
Một đặc thù khác chuyển đổi chính trị tại Myanmar là trên nguyên tắc, nó được cho phép và ủng hộ bởi quân đội. Lực lượng này không chỉ có khả năng thúc đẩy tiến trình dân chủ tiếp tục, họ còn có thể ngăn chặn nó hoàn toàn.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, bắt đầu nới lỏng cấm vận đối với Myanmar. Làn sóng đầu tư bắt đầu chảy vào quốc gia nghèo Đông Nam Á lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Cách đây không lâu, Phó cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Mỹ Ben Rhodes đưa ra thông điệp rằng cuộc bầu cử ngày 8-11 tại Myanmar sẽ là cột mốc quyết định khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó gồm việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận.
Nếu tiến trình dân chủ của Myanmar tiếp tục chuyển động, Mỹ thậm chí sẽ cân nhắc khả năng ủng hộ và thúc đẩy hơn nữa đầu tư tại Myanmar.
Trước sự kiện lịch sử, Channel News Asia cho biết hàng trăm công dân Myanmar đang sống tại Singapore sẽ bay về nước để tự tay bỏ lá phiếu. Tuy họ có thể bỏ phiếu tại Singapore cùng hàng ngàn người khác nhưng những người này muốn tận mắt trông thấy những thay đổi đất nước mình đang trải qua.
“Tôi muốn cùng người dân chứng kiến những ngày này. Với tôi nó hơn cả hành động bỏ phiếu. Tôi mong đất nước mình có được sự đoàn kết và nền dân chủ thật sự”, Myintzu Zaw, một người Myanmar sống tha hương ở Singapore 8 năm, bày tỏ.
Điều này cũng được cựu đại sứ Wilson chia sẻ, ông bày tỏ hy vọng tiến trình dân chủ của Myanmar sẽ tiếp tục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét