Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Bức họa thần bí

FB Vinhhuy Lê

Truyện ngắn

Tây Môn Khánh về huyện Dương Cốc đã hơn tuần nay. Hắn chỉ ghé qua nhà cũ thăm hỏi song thân vài câu chiếu lệ, còn thì mỗi sớm tinh mơ lại ra chỗ lão Vương Râu Xồm trên chợ huyện để uống trà, mãi đến tối mịt mới về.

Vương Râu Xồm còn hỗn danh Lão Hồ Ly, là chủ hiệu buôn đồ cổ khét tiếng cả miền Tề, Lỗ. Lão là tay lừa đảo chuyên nghiệp, từng làm nhiều kẻ chơi cổ ngoạn tay mơ học đòi phải tán gia bại sản. Nhưng bù lại, hễ ai có nhu cầu muốn tìm món cổ vật nào, dù quý hiếm đến đâu, lão đều đáp ứng được, miễn là khách có con mắt xanh phân biệt chân giả.

Như đã nói, Tây Môn đại quan nhân đến chỗ lão Vương là để uống trà, không phải để mua đồ cổ. Trà phòng ở mé sau nhà, trên gác hai, có cửa sổ nhìn ra sông. Lão Vương bận rộn với việc chăm chút lau chùi cổ vật, thường chỉ mỗi mình Tây Môn Khánh thưởng trà hiu hiu ngắm cảnh.

Trà phòng nhỏ hẹp bày biện giản tiện, chỉ mỗi bộ bàn ghế, bên song cửa có tấm riềm trúc nâng lên hạ xuống tùy theo bóng nắng xiên vào. Vật trang trí duy nhất trong phòng là bức đan thanh thủy mặc treo ở tường đối diện cửa sổ. Tranh vẽ một bạch y tố nữ ngồi bên dòng nước dưới bóng cành trúc la đà, đang nhón tay thả chiếc khăn đùa nghịch làm bóng nước dập dờn. Đại dâm tặc kiêm đệ nhất tài chủ tỉnh Sơn Đông đến đây thật ra không phải ngắm cảnh, cũng chẳng để uống trà, mà là vì bức họa đó.

Tình cờ tuần trước ghé mua chiếc quạt phỉ thúy có thủ bút Vương Hy Chi, hắn được lão Vương mời lên đây uống trà, và bị bức tranh mê hoặc. Ngồi nhìn ra sông, hắn cảm nhận rõ ràng bức tranh phía sau lưng đang có những cử động âm thầm. Giật mình ngoái lại, chú mục nhìn kỹ mỗi chi tiết trên từng ngón tay, sợi tóc, thậm chí trên từng nếp áo gợi cảm của thiếu nữ trong tranh, thì lại chẳng thấy gì chuyển dịch. Tưởng mình hoa mắt, nhưng cứ hễ quay đi thì hắn lại cảm thấy rõ ràng có sự chuyển động mơ hồ trong bức tranh kia.

Bực dọc vì sự ma mị của bức họa, Tây Môn Khánh khảo giá định mua, đặng mang luôn về nhà, rảnh rỗi sẽ thẩm định cho rõ nguồn cơn quái dị. Nhưng lão Vương nhất định không bán:

- Bẩm Tây Môn đại quan nhân, trong nhà lão đây bất cứ thứ gì quan nhân muốn, lão đều có thể bán, kể cả hầu thiếp hoặc con gái lão, song họa phẩm này thì không được. Nó là vật hộ mệnh gia truyền của dòng họ, nhờ nó mang vận may đến cho, tôi mới có được cái rạng rỡ phong quang hiện giờ.

Chẳng còn cách nào khác, Tây Môn Khánh lại phải ngày ngày chầu chực đến đây châm trà ngắm cảnh, và tìm lời giải đáp cho sự chuyển động mà mắt thường không thể nhìn ra trong bức họa.

Cài chặt cửa phòng, hạ tấm riềm ngoài song thấp xuống, Tây Môn Khánh quay lại kéo ghế ngồi đối diện với tố nữ trong tranh. Chỉ quen ngắm những tranh nữ nhân lõa thể diễn tả phòng trung thuật trong Ngọc nữ Tâm kinh, thế mà đại dâm tặc giờ đây lại tỉ mẩn, hết đo từng nếp nhăn trên xống áo thiếu nữ, lại đo từng nét môi đầu mày đến từng sợi tóc của nàng. Những đường nét này hắn đã thuộc làu, đến nỗi không cần phải móc ra mảnh giấy trên đó hắn đã ghi lại từng cự ly kích cỡ trên tranh. Như kẻ tâm thần bệnh hoạn, hắn dùng lóng tay lẫn cán quạt đo lên thân thiếu nữ từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Cả canh giờ trôi qua vẫn không phát hiện có gì khác lạ, hắn thở dài nhìn lướt toàn thể bức tranh lần cuối. Đứng dậy định gọi hầu đồng pha bình trà mới thì hắn bỗng sững sờ suýt đánh rơi chiếc quạt ngọc. Là đã có sự quái dị xảy ra: cái đầu gối của cô gái trong tranh.

Rõ ràng hôm qua thiếu nữ ngồi bên bờ nước, hai chân khép xuôi hờ hững, đầu gối nàng chạm bên mớn nước. Giờ thì gối ấy không xê dịch, nhưng nước đã dâng lên ngập hơn nửa gối rồi!

Khám phá được huyền cơ tạo hóa của bức họa, tim hắn đập vỡ tung lồng ngực, vừa sung sướng vừa kinh hoàng. Hôm nay ngày rằm, thủy triều đang dâng cao. Tay họa sĩ đạo gia nào, pháp thuật thần bí kinh thiên gì, mà dòng nước trong bức họa cũng duềnh lên theo nhịp thủy triều?

Cẩn thận nhúng móng tay hớt giọt trà đánh dấu vào sau lưng bức họa, ngay chỗ ngang bằng mực nước, hắn xuống nhà rủ lão Vương ra Phấn Hương lầu đại náo các ca nhi, để tự tán thưởng pháp nhãn tinh tường của mình.

Hai hôm sau, ngày mười bảy, chính lúc mực nước dâng lên đỉnh điểm, tận mắt nhìn thấy hai gối và cả chiếc khăn tay của bạch y thiếu nữ chìm trong làn nước, hắn bắt đầu "thương thảo" với Vương Râu Xồm để mua bức tranh.

Nhận hai trăm lạng vàng, số ngân lượng đủ mua một chức thị lang trong triều, mà Lão Hồ Ly cứ mếu máo nước mắt lưng tròng...

Đêm ấy, Tây Môn Khánh háo hức trông trời mau sáng.

Rạng sáng hôm sau, trước khi trở lại lỵ sở ở Thanh Hà huyện, Tây Môn Khánh lâng lâng rót chung trà ngắm bức tranh thêm lượt nữa. Bỗng hắn dụi mắt kinh ngạc, trà nóng đổ vào mình cũng không hay. Chuyện gì xảy ra vậy? Hôm nay thủy triều đã hạ, cớ sao đầu gối thiếu nữ trong tranh còn chưa lộ ra?

Lật mặt sau bức tranh, tận mắt kiểm lại dấu trà hôm nọ làm dấu vẫn y nguyên, Tây Môn Khánh ngồi thừ ra, khắp mình lạnh toát vì nỗi nhục bị lừa.
***

Đẩy bắn lão Vương đang vòng tay chắn lối, Tây Môn Khánh bước hai bậc một lên thẳng trà phòng. Bên trong, trên bức tường đối diện cửa sổ nhìn ra sông treo một bức đan thanh thủy mặc, vẽ bạch y thiếu nữ ngồi bên dòng nước, y hệt bức tranh đang nằm trong ống tay áo hắn; chỉ khác ở chỗ nước đã rút đi, để lộ gối và khăn của thiếu nữ.

Tây Môn Khánh quay lại nhìn Vương Râu Xồm, giọng hắn lạc hẳn đi:

- Thế là thế nào? Sao lão lại có thêm bức này?

Lão hồ ly xoa khẽ hàm râu, khúm núm cười nhẹ:

- Bẩm Tây Môn đại quan nhân, lão phu quên nói rõ: là tiền nhân họ Vương truyền lại tổng cộng 30 bức đan thanh bạch y tố nữ, để lần lượt thay nhau treo suốt tháng, theo đúng nhịp thủy triều.
***

Chàng Tây Môn lại phải bỏ thêm hơn trăm lạng vàng mua hết các bức họa còn lại của Vương Râu Xồm, để phi tang nỗi nhục bị lừa.

Đã phường tục tử thì cứ thoải mái buông lung theo bản tánh ô trọc cho thỏa chí, chớ khá đèo bòng học đòi ra vẻ đú đởn quan tâm vị thế nước non cao thấp, à ha!

TV - 25/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét