Quả thật chúng ta lắm chuyện theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khác với người Mỹ những nơi hội họp hay làm việc của họ thật yên lặng. Họ chăm chú làm việc hay lắng nghe người khác nói, không muốn nghe họ cũng giữ yên lặng để người khác nghe.
Nếu vào thư viện hay vào phòng mạch của các Bác sĩ Mỹ chúng ta thấy họ giữ yên lặng gần như tuyệt đối. Cần nói với nhau điều gì, người ta nói rất nhỏ đủ nghe để không làm phiền người khác. Còn người Việt chúng ta chỗ nào tụ tập độ năm, bảy người trở lên là ồn ào rồi.
Điều đáng ngạc nhiên là đến sở làm, đến những nơi người Mỹ làm việc phần lớn chúng ta biết giữ im lặng nhưng ở những cơ sở hay nơi làm việc của người Việt thì chúng ta lại theo thói quen cũ cười cười, nói nói rất huyên náo.
Tết Nguyên Đán năm 2006 cộng đồng người Việt ở chỗ tôi tổ chức Hội Chợ được ông Thị Trưỏng thành phố tới thăm. Ông đọc diễn văn chào mừng nhưng trên khán đài ông nói một thì ở dưới đồng bào nói mười, rất ồn ào chẳng ai thèm nghe, thèm biết ông ấy nói gì. Chúng ta quá ư vô ý và không một chút lịch sự với khách. Đến phần văn nghệ, nữ danh ca Mai Lệ Huyền có giọng hát mạnh và truyền cảm như vậy mà cũng không át được số khách dự đang huyên náo ở phía dưới.
Cái lắm chuyện thứ hai mới thực là lắm chuyện. Nó luôn luôn gây phiền toái cho người khác, đó là đi soi mói chuyện của người rồi đem loan truyền khắp nơi. Ở bên nhà công việc này dành cho những người rảnh rỗi chuyên đi “ngồi lê đôi mách”. Ra ngoại quốc dù làm ăn vất vả người ta vẫn không quên được cái tính ấy: thích nói và thích nghe chuyện xấu của người khác. Nhà này có đứa con hư hỏng sì ke ma túy, nhà kia vợ chồng xích mích... chỉ một thời gian ngắn mọi người trong sở đều biết, rồi mọi người trong thành phố đều biết.
Ai không có ưu điểm, khuyết điểm; nhà nào không có chuyện tốt chuyện xấu. Nếu chúng ta đem chuyện tốt đẹp, may mắn của người khác nói để nghe, để mừng cho nhau, để tìm cách học hỏi, bắt chước không nói làm gì nhưng lại lôi những điều bất hạnh, những điều xấu của người khác rồi thêm bớt loan truyền để dè bửu, đàm tiếu. Hình như chúng ta hẹp hòi, kém thông cảm nên thay vì chia xẻ, xót thương chúng ta lại vô tình nghiệt ngã đem ra phơi bày làm người ta thêm đau buồn, tủi hổ.
Ông cha chúng ta nói "đầu cầu nào không có con chó chết ", ngụ ý chẳng ai tốt đẹp hoàn toàn:
Chân mình dính đất bèm bèm,
Lại đi đốt đuốc tìm xem chân người.
(Ca dao)
Ngày nay đời sống khác đi nhưng không có nhà nào không có thùng rác mùi rất khó chịu phải đem đổ đi mỗi ngày!
Vì tính lắm chuyện của người mình, một số người Việt sợ ở gần hay giao tiếp với người Việt. Những người này một phần có lý nhưng một phần mắc cái tính thông thường sẵn có của chúng ta, đó là tính tự cao tự đại coi mình thuộc thành phần ưu tú, cao quý nên xa lánh nhóm người mà họ cho là ô hợp, thấp kém. Thế nhưng đôi khi giao tiếp với người quen họ lại đem nhà, đem xe, đem con cái, bằng cấp... ra khoe và không quên chê bai, đàm tiếu người khác hết lời. Tưởng sao, như vậy mèo vẫn hoàn mèo.
Cái "lắm chuyện" thứ ba mới thực đáng nói. Nó làm cho chúng ta tủi hổ khi cùng nhau sống ở xứ người và làm cho các sắc dân khác khinh bỉ, đánh giá thấp tất cả người Việt chúng ta. Hầu hết chúng ta đi lánh nạn với 2 bàn tay trắng: của cải, tiến bạc, học hành, kiến thức, địa vị... đều đã vứt bỏ khi đến xứ người. Người ít học cũng như người có học, dân cũng như quan, lính cũng như xếp của lính hầu hết đều kiếm những công việc lao động trong các nhà máy để làm lấy tiền sinh sống và nuôi gia đình. Nhưng ở nơi nào có đông công nhân người Việt là nơi ấy có những việc đáng buồn, đáng xấu hổ xẩy ra (chúng tôi không vơ đũa cả nắm vì có rất nhiều người có tư cách, có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau). Chúng tôi chỉ đề cập đến một số nhỏ tất cả độ trên mười phần trăm. Cái thành phần đáng buồn này “xuất thân” thuộc đủ tầng lớp: không có học, có học; lính, quan; dân, quan... vẫn giữ nguyên tác phong cũ quen có ở bên nhà.
Nếu làm việc cho chủ Việt, những người này tìm mọi cách luồn lọt, xu nịnh và khi đã được chủ tin cậy thì tỏ ra hách dịch, phách lối. Ai chống đối hoặc không ưa ai họ tìm cách đặt diều, bịa chuyện để làm hại. Nếu làm cho chủ Mỹ họ tìm cách xum xoe biếu xén để mong sớm được vô permanent (vào ngạch, vào biên chế) hay được lên lương. Cách thức này hình như ít có hiệu quả đối với cấp chỉ huy người Mỹ nên nhiều người tỏ ra cay cú khi không được thoả mãn. Nên một cách thức khác những người này hay dùng là đi tâu, đi báo, bịa chuyện hoặc nhận làm ăng ten chỉ điểm. Nhưng qua ý kiến chung thì chúng ta, nhất là các bà các cô, không nên sợ loại người này vì người Mỹ, và người Âu châu nói chung người ta không nhẹ dạ, cả tin như các ông chủ người Việt. Họ phải thu thập có đủ bằng chứng khách quan trước khi có quyết định.
Cái nạn gây gổ chửi bới, kéo bè kéo cánh trong sở làm cũng rất thường xẩy ra, nhất là cái nạn xô đẩy,giành giựt công việc của nhau (trong các ngàng làm màn cửa, may khoán, bóng đèn...) làm người ngoại quốc chê cười.
Như chúng tôi đã nói ở trên, loại người này không nhiều nhưng lại làm người ngoại quốc chú ý và làm mang tiếng người Việt chúng ta. Chúng tôi thử estimate (ước lượng) những con số sau đây:
- Hay nghe và đem chuyện của người khác ra nói (ngồi lê đôi mách): 8% (dân số)
- Hay cãi cọ: 4%
- Xu nịnh, luồn cúi: 2%
- Kéo bè kéo cánh: 3%
- Đâm bị thóc chọc bị gạo: 1%
Không biết đến bao giờ những người bà con của chúng ta mới trút bỏ được những cái cố tật đáng buồn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét