VNN - Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng phụ nữ Việt hoàn toàn có thể là một bộ trưởng của bất kỳ một bộ nào trong chính phủ.
Trong một buổi tọa đàm gần đây trên Tuần Việt Nam, câu nói của bà Đỗ Thùy Dương “Tôi thương đàn ông VN khi mà xã hội đặt ra cho họ nhiều trách nhiệm, nhiều kỳ vọng quá” khiến nam giới chúng ta phải suy nghĩ.
Cái thương ở đây ngoài ý nghĩa cảm thông cho những vất vả lo toan còn hàm ý rằng đàn ông Việt chúng ta đang tự giữ cho mình sự độc tôn trong một số lĩnh vực đặc biệt là chính trị hay kinh tế để rồi ôm lấy quá nhiều trách nhiệm và vai trò – đôi khi hơi quá sức, mà cứ nghĩ rằng phải là đàn ông thì mới làm tốt.
So với một số nước có văn hóa tương đồng trong khu vực, có thể nói Việt Nam tương đối cởi mở về vấn đề Phụ nữ tham gia chính trị. Ngay từ thời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông khi thân chinh đi bình định phương Nam đã trao quyền điều hành đất nước cho Nguyên Phi Ỷ Lan (và thực tế Bà Nguyên Phi đã làm rất tốt).
Thậm chí chúng ta còn có hẳn một nhà Vua là nữ giới, tuy thời gian trị vì ngắn ngủi – Lý Chiêu Hoàng. Từ thời Hậu Lê về sau, do anh hưởng của Nho giáo mạnh dần nên vai trò của phụ nữ dần bị coi nhẹ, tuy nhiên các giai thoại cùng sự yêu mến của dân chúng gắn liền với ba nữ sĩ trong hơn 200 năm trở lại đây bao gồm Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm ít nhiều minh chứng cho sự khách quan của người Việt trong việc nhìn nhận tài năng của phụ nữ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước, câu hỏi về các đức tính cao đẹp của phụ nữ rất hay được dùng, trong đó lòng bao dung, tính hy sinh và nhường nhịn luôn được nhắc đến. Có lẽ đàn ông Việt vốn đã nhìn thấy điểm yếu của mình từ rất lâu rồi nên đã cố gắng tìm hiểu và phong tặng phụ nữ Việt những danh hiệu ai cũng biết là đúng nhưng bây giờ được nâng tầm khiến cho những người phụ nữ thấy họ có trách nhiệm phải duy trì các tố chất này và nhờ đó đàn ông được thoải mái độc tôn trong nhiều lĩnh vực.
Việc trói buộc người phụ nữ với các danh phận và đức tính cao quý kia đã phần nào có tác dụng khi xã hội còn lạc hậu hay ít có thông tin. Khi được cởi trói khỏi các thiết chế xã hội làng xã, rồi đi ra bên ngoài, thực tế đã chứng mình rằng một khi có được các cơ hội về tiếp cận thông tin, nền tảng giáo dục, chăm sóc y tế tốt bình đẳng với nam giới thì phụ nữ Việt cũng có thể thành công không kém và thậm chí nhiều người còn vượt xa.
Nếu chúng ta nhìn vào những thành tích mang tính ganh đua như thể thao thì có thể thấy là phụ nữ Việt có thành tích vượt trội. Đặc biệt trong môn bóng đá, ở tầm quốc gia, mặc dù bóng đá nam luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư cùng các phần thưởng “khủng” nhưng thành tích chưa bao giờ đạt được như nữ đã từng có.
Đặc biệt khi người Việt sinh sống ở nước ngoài thì (theo quan sát của người viết) sự thành công của phụ nữ Việt với vai trò “dân biểu” cao hơn rất nhiều so với nam giới. Ở những tổ chức quốc tế, nơi các vị trị công việc được tuyển dụng công khai và minh bạch thì sự thành công của phụ nữ Việt không hề kém so với nam giới nếu không muốn nói tốt hơn rất nhiều.
Trói buộc người phụ nữ với các danh phận “mỹ miều” này vẫn còn có nhiều tác dụng đến tận ngày hôm nay khi vẫn còn rất nhiều phụ nữ (đặc biệt là ở nông thôn) tự nguyện gắn mình với các danh phận này và họ sẽ rất lấy làm hãnh diện khi chịu thiệt thòi chút ít để (những) người đàn ông của họ được vui, được nở mày nở mặt. Nhưng cũng chính sự cam chịu và tính hy sinh của nhiều phụ nữ cũng đã làm cho một số đàn ông nhìn nhận vấn đề một cách lệch lạc và từ đó gia tăng nạn bạo hành trên cơ sở giới cũng như tính gia trưởng vẫn còn ngự trị trong rất nhiều ngõ ngách của xã hội chúng ta.
Nam giới chúng ta do nhận được nhiều ưu đãi của xã hội từ sự hy sinh của người phụ nữ bằng nhiều cách đã có nhiều thời gian và cơ hội hơn để tham gia các hoạt động chính trị. Do luôn đóng vai trò là “nhà bếp” là “giường ngủ” nên phần lớn phụ nữ không cảm thấy mặn mà với việc tham chính.
Khi đã không quan tâm đến lĩnh vực nào đó thì các kỹ năng liên quan sẽ không được phát triển hoặc không cần phát triển và chính điều này dần dần dẫn đến cách nghĩ của đàn ông là phụ nữ không giỏi trong tham chính hoặc nếu có thì cũng là số ít. Cách nghĩ này khiến nhiều người đàn ông luôn phải cố vừa để chứng tỏ bản lĩnh vừa để muốn chứng minh rằng nếu đàn ông làm cố cũng tốt hơn phụ nữ và họ quả là đơn độc khi những người phụ nữ bên cạnh không hiểu và không giúp ích được gì cho họ trong lĩnh vực chính trị(?) - có lẽ đây bà Đỗ Thùy Dương nói thương đàn ông Việt Nam chính là “thương” cái tâm lý này của họ (?)
Ơn giời là nhờ sự cam chịu của phụ nữ mà đàn ông Việt vẫn còn giữ được cho mình ít nhiều vị thế và sự độc tôn – nhất là trong chính trị. Để chứng tỏ người Việt luôn tiên phong trong các phong trào tiến bộ, nhất là về bình quyền nam nữ, nhiều người đã đưa ra các chỉ tiêu và cam kết thực hiện cơ cấu cho Phụ nữ tham gia chính trị tại các cấp khác nhau. Về bản chất đây chính là một tiêu chí không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam – nơi người phụ nữ chưa (hoặc không) muốn tham chính chứ không phải khả năng tham chính của họ chỉ có vậy.
Thay đổi một cái gì đó được đa số cộng đồng thừa nhận là một nhiệm vụ khó khăn. Thay đổi cách nhìn nhận về tham chính của người phụ nữ lại càng nan giải hơn. Đã đến lúc vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ cần chứng tỏ nhiều hơn trong đấu tranh và vận động để tạo ra môi trường minh bạch và cởi mở hơn cho người phụ nữ.
Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng phụ nữ Việt hoàn toàn có thể là một Bà/Cô bộ trưởng của bất kỳ một bộ nào trong chính phủ. Thậm chí còn là những bộ trưởng tốt hơn nhiều nếu họ muốn phát huy khả năng tiềm ẩn.
8/3 xin được kêu gọi những người phụ nữ Việt hãy vì tình thương với nam giới mà... tham chính nhiều hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét