Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Người ghen ghét đố kị sẽ không làm được việc lớn

Lan Anh

VNN - "Với những người hẹp hòi thì trước sau tập thể cũng nhìn thấy và người ta sẽ xa lánh. Thế giới còn nhiều việc để làm và thỏa sức sáng tạo, mỗi người có một thế mạnh riêng", nghệ sĩ piano Nguyễn Thị Châu Giang nói.

Nguyễn Thị Châu Giang chia sẻ:

Mỗi công dân khi ra nước ngoài là một đại sứ. Người đại sứ đó nên để lại những ấn tượng tốt đẹp qua cách sống, làm việc và đặc biệt là cách đối xử với bạn bè nước ngoài. Rằng tôi là người đáng tin cậy… Phải thể hiện qua việc làm chứ chỉ nói suông  thì lâu dần sẽ không được tôn trọng. Người đại sứ đó còn mang trong mình trách nhiệm quảng bá cái đẹp về con người, đất nước, văn hóa nghệ thật và tất cả những thành tựu mà đất nước họ đạt được.

Nhiều người Việt đã sống và thành đạt ở nước ngoài đều đã làm được điều đó. Nhiều người Việt đã trở thành luật sư, bác sĩ, tham gia chính trường. Họ là những người đã mang lại niềm tự hào cho đất nước, và cũng là tấm gương để nhiều người học theo.

Là một phụ nữ trẻ đa tài, sống lâu năm ở Mỹ, chị có thể chia sẻ những ấn tượng sâu đậm của mình về những giá trị văn hóa của đất nước này? Điều gì khiến chị thấy mình đã tiếp nhận và học hỏi được? 

Xin cảm ơn về điều đánh giá này. Tôi chỉ thấy mình luôn hào hứng với công việc, lúc nào cũng bận rộn và mỗi khi lao động nghệ thuật mới thấy mình đang được thực sự sống.

Tôi đã sống hơn 22 năm ở NewYork. Có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều với giới thượng lưu Mỹ, mà theo tôi phần lớn là do nghề nghiệp vì tôi hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Nhưng bạn bè của tôi rất đa dạng, từ thượng lưu đến những người giản dị, bình thường nhất bởi điều quan trọng nhất trong mọi quan hệ là sự chân thành.

Có một đặc điểm lớn ở giới thượng lưu Mỹ đó là họ rất lắng nghe và quan sát. Họ có trí nhớ tốt, họ nhớ những gì mình nói và quan sát những hành động mình làm.

Họ có lòng hảo tâm mến khách, cởi mở và hay giúp đỡ người khác, làm được điều gì là làm ngay và không chờ đợi. Vì vậy khi sống ở New York lâu có thể bạn sẽ tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ những điều đó.

Thêm nữa, họ rất thích học hỏi lắng nghe và tìm tòi những điều mới mẻ từ văn hóa, nghệ thuật, thời trang, khoa học…. Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời, cũng có những người từ hai bàn tay trắng đi lên, nhưng tất cả họ đều là những người đọc nhiều, xem nhiều và nghiên cứu rất nhiều.

Đặc biệt, họ rất coi trọng tài năng và hoàn toàn khuyến khích bạn làm những việc có ích cho xã hội. Họ làm việc với tinh thần tập thể cao, lắng nghe nhiều sáng kiến mới.

Đã có những người Việt Nam rất thành công trong nuớc nhưng khi đi ra nước ngoài họ dường như là một con người hoàn toàn khác với những gì họ đã thể hiện trong  môi trường cũ, có vẻ thiếu tự tin hơn rất nhiều. Theo chị vì sao lại như vậy?

Thiếu tự tin ở môi trường mới phần lớn là do ngôn ngữ bất đồng, chưa tự tin với vốn từ mình có.

Thiếu tự tin cũng có thể do cách giao tiếp của mình chưa hoàn hảo, từ tác phong đi lại đến  ăn uống. Các bạn trẻ VN khi đi ra nước ngoài  nên học cách dùng dao đĩa, ăn uống đến tác phong giao tiếp chuẩn mực để khi được mời đến những buổi tiệc sang trọng  không bị ngỡ ngàng.

Giới thượng lưu nói riêng và người Mỹ nói chung không thích bị bạn làm xấu hổ trước mặt bạn bè của họ bằng những cử chỉ nhỏ như việc ăn uống, không tạo tiếng động khi nhai đồ ăn, nói quá to trước đám đông hoặc quá tự nhiên bỗ bã…

Không có gì phải thiếu tự tin hay choáng ngợp trước họ bởi họ giàu về vật chất thì mình có thể giàu về tinh thần, tâm hồn, sự hiểu biết và trí tưởng tượng phong phú. Họ sẽ lắng nghe những gì bạn biết, chỉ sợ bạn không chịu khó đọc sách báo và tìm hiểu nhiều về lịch sử, thời sự cũng như những điều đang xảy ra trên thế giới.

Chị nghĩ sao về nhiều trường hợp người Việt khi bước ra thế giới rất khó hòa nhập với cuộc sống mới. Nguyên nhân vì đâu, thưa chị?

Có thể bởi vì họ chưa vận dụng tối đa óc sáng tạo. Theo tôi, cần tạo ra một cộng đồng giúp các bạn trẻ hoặc người Việt mới sang nước ngoài sinh sống dễ hòa nhập hơn. Chẳng hạn họ sẽ được sự hỗ trợ của các văn phòng nhà nước Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, các bạn trẻ ai có sáng kiến hay nguyện vọng có thể liên lạc với mình qua mục contact của website ChauGiangThiNguyen.com, mình sẽ trực tiếp trả lời, hi vọng sẽ giúp đỡ tháo gỡ những vướng mắc nhu cầu cho họ trước khi sang học hoặc đang sinh sống và làm việc ở Mỹ.

Từng trải nghiệm hai nền văn hóa, hai lối sống, hai môi trường khác nhau, chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng,  ở Mỹ hay những nước văn minh thường hay có văn hóa xây dựng, trân trọng và khuyến khích truyền cảm hứng để mọi người làm việc tốt. Nếu ai làm chưa tốt thì luôn nhận được sự khuyến khích động viên, còn nếu đã làm tốt rồi thì được khen ngợi trọng thị, không có sự đố kị hẹp hòi, dìm hàng nhau, đây là điều mà VN vẫn chưa có được?

Mỹ có chính sách tốt trong việc thu hút người tài để giữ lại. Với những người hẹp hòi thì trước sau tập thể cũng nhìn thấy và người ta sẽ xa lánh. Thế giới còn nhiều việc để làm và thỏa sức sáng tạo, mỗi người có một thế mạnh riêng.

Những người hay ghen ghét đố kị sẽ chẳng làm dược việc gì vĩ đại. Hai điều này không đi liền với nhau. Nhất là với giới nghệ sĩ, tâm hồn lúc nào cũng phải đẹp và thanh thản, trước khi muốn làm nghệ sĩ thì cần làm người và biết hướng thiện.

Chị đã trải qua tương đối nhiều sóng gió trên đất khách. Chị có thể chia sẻ gì thêm về những trải nghiệm trong cuộc sống suốt hơn 20 năm ở New York?

Sống hết mình và đừng bao giờ lo là sẽ thành công hay có tạo được tên tuổi hay không…mà hãy cứ chăm chỉ làm đi đã rồi sẽ nhận lại được kết quả. Nhiều người cho rằng, tâm lí người VN là sợ sự mạo hiểm, không dám thử nghiệm, sợ sự thất bại… Sự thất bại lớn nhất là không bao giờ thử.

Lúc nào cũng phải tìm thứ mình yêu thích và sống hết mình với nó. Điều gì mà mình đam mê và dành thật nhiều tình yêu vào nó thì người khác sẽ cảm nhận được tình cảm đó của bạn trong công việc cũng như các tác phẩm của bạn, và nó sẽ khiến cho người ta thấy vui và hào hứng. Do vậy, chỉ sợ nhất là sống không có đam mê. Luôn tìm cho mình một đam mê và đi sâu vào nó.

Có một chi tiết nhỏ thường các bạn trẻ không để ý đó là thiệp cám ơn. Với các bạn sinh viên VN khi ra nước ngoài nên mang theo nhiều thiệp cảm ơn. Thiệp cảm ơn vô cùng quan trọng bởi vì cuộc sống ở Mỹ nói chung và New York nói riêng vô cùng bận rộn thế nhưng có một người giàu tình cảm, tử tế dành thời gian cầm bút để viết một lời cảm ơn, và khi mình viết, là lúc mình dành tình cảm cho người đó, mọi người sẽ ghi nhận. Đặc biệt, phải cảm ơn ngay lập tức sau khi nhận được sự giúp đỡ.

Thêm nữa, việc sống có trước có sau vô cùng quan trọng, kể cả với những người không có chức vụ gì, chỉ là người bình thường nhưng nếu cứ có trước có sau với họ thì y như rằng sẽ mở ra được những điều tốt đẹp cho mình.

Ngoài công việc thường ngày là nghệ sĩ piano và vẽ tranh, chị có thể chia sẻ những dự định, khát vọng của chị trong vai trò như chị nói lúc đầu, là "mỗi người hãy là một đại sứ" cho đất nước mình?

Để xích lại gần nhau bằng văn hóa, chúng ta có thể nghĩ đến năm 1972, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông gặp Tổng thống Mỹ Richard Nixon, qua đó ta có thể thấy văn hóa quan trọng trong tiến triển kinh tế và hòa bình như thế nào.

Hy vọng trong tương lai gần nhất, tôi có thể cùng với các tổ chức nhà nước cũng như cá nhân làm được những việc có ích. Qua các hoạt động tổ chức events “International Friends of Vietnam” mà tôi đang sáng lập, tôi muốn giới thiệu văn hóa ẩm thực, thời trang, âm nhạc và nghệ thuật VN với các bạn Mỹ và quốc tế tại NewYork.

Trong thời gian dự triển lãm tranh và biểu diễn tại Vương quốc Bahrain năm ngoái, tôi học được một điều là Bahrain đã cử các tài năng trẻ ra nước ngoài để giao lưu và kết bạn với các nước châu Âu, Mỹ để mang những tinh hoa về giới thiệu quảng bá cho đất nước họ. Họ hoạt động rất mạnh trong việc mời những người thành đạt về đất nước họ để trò chuyện với sinh viên, học sinh.

Làm bạn với Mỹ chúng ta có thể tiếp nhận tinh hoa  của nhiều nước trên thế giới mà Mỹ đã tích lũy được sau vài thể kỉ gần đây, từ đó rút ra được những bài học quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét