VNN - Tôi vẫn phục người miền Tây Nam bộ nghĩ ra cái lễ "thú phạt", đó chính là một con đường hẹp nhưng dẫn đến hạnh phúc và chỉ dành cho những tình yêu thực sự!
Cách đây chừng 30 năm, ở miền Tây Nam Bộ, chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” còn khá phổ biến. Ngay cả hiện nay, tại vùng đất của những dòng kinh dày đặc bóng dừa, thì chuyện trai gái lớn lên, đến tuổi trưởng thành, được (bị) làm mai- coi mặt- cưới, nghĩa là không cần tình yêu trước khi thành vợ chồng vẫn còn xảy ra.
Dù rằng ngày nay thanh niên đã được toàn quyền tự do tìm hiểu, yêu đương trước khi cưới, dù sau đó họ có sống với nhau bền vững như cha mẹ ông bà mình hay không thì chưa chắc.
Nhớ lại thời trước, trai gái lớn lên, nhất nhất phải nghe lời cha mẹ đi lấy vợ lấy chồng nơi gia đình đã định, dù rằng có khi cái mối duyên ấy là do hai người cha nổi hứng hứa gả con cho nhau trong một... cuộc nhậu!
Tuổi thanh niên tôi sống lâu dài ở trung tâm đồng bằng này và từng chứng kiến rất nhiều nước mắt của những cô gái phải nghe lời cha mẹ đi làm vợ một người mình không yêu, thậm chí chưa từng quen biết. Thường thì bi kịch rơi vào các cô gái, bởi các chàng trai khó bị ép uổng hơn, và những chàng trai lấy vợ sắp đặt thường nhút nhát, hoặc hời hợt và khi coi mắt, thấy cô gái xinh đẹp thì dễ gật đầu.
Thế nhưng ngay cả từ những năm tháng rất xa xưa, không phải mọi con đường tình yêu đều bị chắn lối. Nếu những cặp đôi đã hẹn hò nhau, đã có một tình yêu đủ lớn thì họ sẽ được ban cho một ân huệ thông thoáng đến bất ngờ. Đó là sẽ thành vợ chồng mà không cần đám cưới, chỉ cần một cái lễ đơn sơ, gọi là lễ thú phạt!
Tôi cũng đã không ít lần được dự cái lễ hơi bi hài này. Đó thường là khi một đám cưới do mai mối sắp tiến hành, có khi ngay trước đêm tân hôn, cô dâu, do đã nặng lòng với một chàng trai khác, đã tìm cách bỏ trốn đến một nơi bí mật nào đó với người mình yêu. Vậy là cuộc hôn nhân sắp đặt kia tan vỡ. Tất nhiên nhà gái phải "đền bù" cho nhà trai, phải chịu nhiều điều tiếng, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua...
Sau đó thường thì cái cặp đôi đã dắt nhau đi kia sẽ âm thầm về nhà chàng trai, đánh tiếng và khi được đồng ý (cho có lệ chứ gần như chắc chắn), nhà trai sẽ đem "lễ vật" tối thiểu là “một cặp vịt” và “đôi bông” sang nhà gái, một bữa rượu đơn sơ sẽ được tổ chức giới thiệu họ hàng ruột thịt, và nhận sui gia.
Đó là lễ "thú phạt". Có lẽ các vị hồi xưa ghép từ "thú" là đàn ông lấy vợ với chữ "phạt" của hình phạt, nghĩa là phạt vì đã... lấy vợ... trái phép!?
Vậy là xong! Họ chính thức trở thành vợ chồng, tuy cô gái có phần thiệt thòi vì không có đám cưới, rước dâu... nhưng bù lại họ sẽ được chung sống cùng nhau suốt đời thay vì phải cam chịu với một người xa lạ!
Tình yêu hay bất cứ mong ước tốt đẹp nào dù có khi rất nhiều rào cản nhưng vẫn còn có lối thoát, nếu chúng ta có đủ lòng niềm tin và chút lòng dũng cảm!
Cũng vì vậy, tôi vẫn phục người miền Tây nam bộ nghĩ ra cái lễ "thú phạt", đó chính là một con đường hẹp nhưng dẫn đến hạnh phúc và chỉ dành cho những tình yêu thực sự!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét