(TBKTSG) - Hàng xóm của tôi là cô Hoa. Cô trồng nhiều cây xanh trước nhà và mỗi sáng, mỗi chiều, cô ra tưới nước, vun xới, thay đất cho nó, nhặt bỏ từng chiếc lá vàng và quét cái sân sạch bóng.
Cô rất cưng ba con chó Nhật đã già yếu lọm khọm, chúng ho khúc khắc cả ngày nên cứ trưa là cô thả chúng ra phơi nắng trước hiên cho ấm, mắng mỏ chúng như con.
Tôi vốn thích cây xanh và chó, nên khỏi phải nói, tôi mến cô ngay. Đi làm về mà gặp cô đang chăm cây trước cửa, thể nào tôi cũng dừng lại nói chuyện vài phút. Chỉ vài phút thôi vì suốt ngày dài “cày bừa” về đến nhà đã mệt bở hơi tai, tôi chỉ muốn nhanh chóng tắm rửa, thay bộ đồ rộng, ăn tối và giải trí, đọc sách một chút, dành cho mình ít thời gian hoàn toàn riêng tư trước khi ngủ.
Một sáng Chủ nhật nọ, như mọi ngày nghỉ khác tôi vẫn còn sung sướng nằm lê la trên giường đọc sách thì nghe đều đều tiếng cầu kinh ngay bên cạnh nhà. Lắng nghe một lúc nhận ra câu “cầu cho linh hồn Maria...” tôi phát hoảng, vội vã chạy xuống thì hỡi ơi, một nhóm người lạ mặt đang đứng đọc kinh cầu nguyện trước nhà cô. Trong nhà đã dựng bàn thờ, và ảnh cô trên đó.
Hóa ra, khuya hôm trước cô Hoa của tôi bị mệt, con trai duy nhất của cô đưa đi cấp cứu, nhưng đến mờ sáng cô đã xuôi tay nhắm mắt. Anh ấy đã đưa thẳng quan tài vào nhà tang lễ của nhà thờ. Người thân vào chia buồn trong đó. Còn ngôi nhà im ỉm khóa cửa nên cả xóm hầu như chẳng ai hay biết. Tôi lại càng vô tình hơn vì mấy ngày bận bịu sáng đi tối mới về. Còn những người hôm nay đến cầu kinh là bạn hữu của cô trong nhà thờ.
Và... vậy đó, chỉ mới vài ngày không gặp, người hàng xóm thân mến của tôi đã vĩnh viễn không còn gặp được nữa. Một con người buông tay rời cõi, nhẹ tênh, chóng vánh, gọn gàng hơn cả chiếc lá rời cành.
Và rồi tôi tiếc những khi vội vàng nói chuyện với cô rồi rút vào thế giới riêng của mình. Tôi tiếc cô cũng dè dặt nên chỉ mở cánh cửa nửa vời để hàng xóm nửa muốn nửa ngại sang chơi trong những hôm bỗng thèm người trò chuyện. Tôi tiếc đã không chủ động mở rộng cánh cửa đó trước, vì người thành thị thường quen xã giao nên khó ai chịu cởi lòng. Tôi tiếc...
Và tôi nghĩ ô kìa, tại sao chúng ta dễ dàng rơi nước mắt trước một cảnh đời tội nghiệp trên truyền hình mà không dám can thiệp trước em bé bị đánh bầm dập ngay trong xóm? Tại sao chúng ta run rẩy với những dòng chữ trong quyển sách nào đó mà không dám mở vòng tay ôm lấy chính người thân? Tại sao chúng ta thường ngần ngại và kiềm chế cảm xúc với láng giềng, bạn bè, người yêu, con cái, vợ chồng, cha mẹ... nhưng khi có một mình trước màn ảnh nhỏ chúng ta khóc sưng cả mắt?
Có thể là vì đời sống thật quanh ta có quá nhiều sự lừa lọc dối trá, có sự lừa lọc cũ như cổ tích, có sự lừa lọc mới phát minh ra, có sự lừa lọc ngang nhiên và trơ tráo, có sự lừa lọc lót kỹ và thắt nơ với lụa màu và hộp xốp... Chúng ta gặp quá nhiều em bé bị cha mẹ chăn dắt ăn xin, quá nhiều ông già mếu máo xin tiền mua vé về quê vì mới bị trộm móc hết túi, quá nhiều bà mẹ nước mắt ngắn dài “đang nuôi con chạy thận” hay “bị ung thư”... nên chúng ta đâm ra sợ. Sợ cảm xúc của mình bị phản bội, sợ lòng tin còn sót lại chút này lại bị vãi theo chiều gió, nên thôi, an toàn nhất là gói kỹ nó lại, giấu sâu nó đi, và chỉ khi yên tâm trong bốn bức tường nhà mình, cực kỳ an toàn ngồi trước cái ti vi hay một bài báo - đối diện với những số phận đã được người có chuyên môn chọn lọc và thẩm định, chúng ta mới yên tâm thả nó ra. Ôi con người - chúng ta mong manh làm sao!
Nên khi có những người thét lên và sụp đổ vì niềm tin của họ đã bị truyền thông “phản bội”, tôi hiểu đó là tiếng họ khóc cho sự cạn lòng, nghi ngờ, đầy cảnh giác mà hàng ngày chúng ta đối xử với nhau. Để cuối cùng cũng chính chúng ta lãnh về sự khô héo và lạnh cóng tận trong đáy lòng.
Vì chúng ta nào có dám thương nhau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét