Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

“Trầm cảm sau sinh”, những nỗi đau người mẹ

Bích Diệp

(Dân trí) - Biến động tâm lý sau sinh là có thật và đã đến lúc xã hội phải nhìn thẳng vào điều này, để biết chia sẻ hơn với những người phụ nữ quanh mình. Họ đã rất kiên cường, dũng cảm vượt qua bao đau đớn mới sinh hạ được một con người, và họ cũng vô cùng yếu đuối, cần được chở che, tôn trọng trong quá trình hồi phục.

Một cháu bé 33 ngày tuổi bị sát hại bởi chính mẹ đẻ của mình – đây có lẽ là câu chuyện xót xa, thương tâm nhất xảy ra trong tuần qua.

Vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng theo nhiều phán đoán thì người mẹ có thể bị mắc chứng trầm cảm nặng sau sinh. Với việc thông tin này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội có thể thấy, đây không chỉ là một vụ án mạng gây chấn động đơn thuần mà còn gắn với những vấn đề mang tính xã hội, có ảnh hưởng đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Cá nhân tôi cũng là một người mẹ từng trải qua hành trình sinh nở khó khăn và nuôi con vất vả, nên có lẽ, tôi có những mối đồng cảm nhất định với những người mẹ khác, kể cả những người mẹ có cơ hội được nuôi con nhưng chẳng may lại không được đảm nhiệm thiên chức ấy.

Tôi vẫn còn nhớ như in thời gian sinh nở, cũng đã từng chống chọi với những phút giây hiểm nguy rồi mới vượt cạn thành công, mới được mẹ tròn con vuông như mong đợi. Tiếp sau đó là những chuỗi dài lê thê tưởng chừng bất tận của 1 tháng liền kiêng cữ, ngày đêm không còn phân biệt vì phải thức ngủ chập chờn…

Chăm một đứa trẻ lớn lên không bao giờ là đơn giản, nhất là trong những năm tháng đầu đời. Đã có rất nhiều phụ nữ không chịu nổi áp lực khi tiếp nhận sinh linh bé bỏng ấy, cuộc sống của họ đảo lộn hoàn toàn cả về tâm sinh lý. Họ trở thành một con người khác, yếu đuối, nhạy cảm, chán ghét nhiều thứ và cảm thấy gánh nặng như đang phải mang cả thế giới trên vai mình.

Rất nhiều người “buồn bã sau sinh”, một số khác “trầm cảm” và nặng hơn là “loạn thần”, nghĩa là họ mất hoàn toàn sự tự chủ trong suy nghĩ, ghét bản thân, thậm chí ghét luôn cả con mình, có thể làm đau con dù sau đó tự biết đó là tội lỗi. Ở trường hợp sau, đó là bệnh lý. Mà bệnh lý, hẳn nhiên có nguyên nhân, có khởi nguồn.

Tôi không phải là bác sĩ cũng không là chuyên gia tâm lý. Nhưng là một phụ nữ, một người mẹ, tôi nghĩ sẽ không người mẹ nào đủ nhẫn tâm và sự độc ác để giết chính con đẻ của mình một cách có chủ ý. Người ta bảo rằng, đến cả hổ còn không ăn thịt con bao giờ, huống hồ một con người. Nên dù có trăm nghìn khả năng có thể xảy ra, tôi vẫn muốn dành niềm tin tuyệt đối vào lương tri, vào tình mẫu – tử.

Tôi luôn muốn hướng đến ý nghĩ rằng người mẹ đó đã phải chịu áp lực quá nhiều dẫn đến sang chấn tâm lý rồi mới để xảy ra hành động phi nhân tính, ngàn lần đáng tiếc là giết chết con mình. Bởi với phụ nữ nói chung, sinh nở luôn là hạnh phúc lớn lao và khát khao đầy bản năng.

Rứt ruột sinh con ra, là một phần máu thịt của mình, nên việc chăm con, thương yêu con cái… luôn được coi là một phần hiển nhiên của cuộc sống. Nhưng có lẽ, cũng chính vì sự hiển nhiên đó, nên xã hội đã trao quá nhiều trách nhiệm cho người mẹ: mẹ phải ăn nhiều mới là thương con, chỉ được ăn độc những món lợi sữa; những ai không có sữa, sữa không đủ dưỡng chất khiến con thấp còi, không bụ bẫm bị quy là ích kỷ, vô trách nhiệm, không yêu con...

Cho nên bà mẹ nào sau sinh cũng sợ giao tiếp, sợ bị so sánh, sợ phải nghe những lời chê bai, những câu thăm hỏi tưởng vô thưởng vô phạt như “cháu nặng bao cân”, “cháu giống nội hay giống ngoại”? Và nếu chẳng may khi người mẹ không được những thành viên còn lại trong gia đình cảm thông, chia sẻ, đỡ đần… họ sẽ rơi vào cùng cực cô đơn và hình thành rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, muốn phản kháng và chống trả.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, chuyện mẹ giết con nhỏ sau khi sinh là một trường hợp rất hy hữu, ít xảy ra. Tuy nhiên, sự việc có tính chất cảnh tỉnh khi trước nay, ai cũng hiểu nỗi gian truân “9 tháng 10 ngày mang nặng, đẻ đau” của người phụ nữ, nhưng những vấn đề về sau không phải ai cũng nghĩ đến.

Biến động tâm lý sau sinh là có thật và đã đến lúc xã hội phải nhìn thẳng vào điều này, để biết chia sẻ hơn với những người phụ nữ quanh mình. Họ đã rất kiên cường, dũng cảm vượt qua bao đau đớn mới sinh hạ được một con người, và họ cũng vô cùng yếu đuối, cần được chở che, tôn trọng trong quá trình hồi phục.

“Trai vượt bể có bầu, có bạn – Gái vượt cạn chỉ có một mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét