Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Nữ nhà báo bị cấm xuất cảnh: Không biết hết lệnh chưa?

Minh Thái

Đất Việt - Cho đến nay, nhà báo Dương Thị Hằng Nga vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh.

Không biết lệnh cấm xuất cảnh thế nào

Liên quan đến việc nhà báo Dương Thị Hằng Nga, Trưởng Văn phòng đại diện tạp chí Giao thông Vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nắng, bị Công an TP Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng, ngày 3/11, bà Nga đã trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này.

Theo bà Nga, bà vẫn không biết thời hạn cấm xuất cảnh mà Công an TP Đà Nẵng áp dụng đối với bà đã kết thúc hay chưa bởi từ trước đến nay bà chưa hề nhận được bất cứ thông báo nào của Công an TP Đà Nẵng liên quan đến việc xuất cảnh.

Bà Nga cho biết, thời điểm bà biết bị cấm xuất cảnh là ngày 5/8 tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất khi đang làm thủ tục đi Myanmar. Trước đó bà đã mua tour du lịch hơn 60 triệu đồng đi Myanmar (ngày 5/8), Đài Loan (ngày 11/8) và Bắc Kinh (ngày 2/9) và được cơ quan đồng ý.

"Khi nghe công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất nói tôi bị cấm xuất cảnh, tôi rất ngạc nhiên và bức xúc. Tôi có hỏi công an cửa khẩu rằng vì sao bị cấm? thì họ nói họ chỉ thực thi nhiệm vụ, còn cơ quan ra lệnh cấm là Công an TP Đà Nẵng.

Tôi lại hỏi lệnh cấm bắt đầu từ ngày nào? Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cho biết bắt đầu từ ngày 8/6. Còn về thời điểm lệnh cấm chấm dứt, công an cửa khẩu nói rằng chưa thấy có thời hạn.

Thế nhưng, vừa rồi trả lời báo chí, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng lại nói lệnh cấm xuất cảnh đối với tôi áp dụng từ ngày 1/6-1/9. Trong suốt thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng không hề thông báo cho tôi về lệnh cấm xuất cảnh và đến tận bây giờ tôi cũng không biết lệnh cấm đó như thế nào", nhà báo Dương Thị Hằng Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, sau sự việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà đã chờ 3 tuần để xem Công an TP Đà Nẵng có gửi thông báo hay mời bà lên làm việc hay không nhưng không hề có và đến thời điểm này cũng không. Sau đó bà gửi khiếu nại lên Thủ tướng; Bộ trưởng các bộ: Công an, Thông tin - Truyền Thông, Giao thông vận tải; Hội nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng Đà Nẵng.

Nhà báo Dương Thị Hằng Nga nhắc lại 8 bài báo có nội dung chống tiêu cực mà bà viết trước đó về dự án khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng do ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng 79 làm chủ đầu tư.

"Liên quan đến loạt bài này, lúc đầu ông Vũ kiện tôi ra TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Tòa kêu lên 3 lần để hòa giải và thu thập chứng cứ, lần nào tôi cũng có mặt nhưng nguyên đơn vắng mặt. Tòa sau đó đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện vì không có căn cứ.

Ông Vũ có thể kiện tôi ra tòa vì đây là việc dân sự. Nhưng song song với đó, ông Vũ lại gửi đơn tới Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng khiếu nại tôi dùng quyền năng nhà báo xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân.

Vào tháng 6/2017, gia đình tôi đang rất căng thẳng vì cha chồng tôi ung thư dạ dày giai đoạn 3, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) phẫu thuật. Cơ quan An ninh điều tra gửi 6-7 giấy triệu tập yêu cầu tôi về Đà Nẵng truy xét theo đơn khiếu kiện của ông Vũ, thậm chí còn đến tận giường bệnh để điều tra, xét hỏi.

Nếu Công an TP Đà Nẵng nói trong văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam rằng tôi gọi điện mời họ vào và điều tra viên chỉ thăm hỏi, động viên người ốm chứ không làm việc thì tôi xin nói rằng, tôi không mời, nhất là trong lúc hoàn cảnh gia đình tôi đang túng quẫn như thế. Họ cũng không biết ông cụ nhà tôi là ai mà lặn lội từ Đà Nẵng vào TP.HCM hỏi thăm.

Tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ một vụ việc nhưng nhiều cơ quan cùng giải quyết. Mặt khác, là việc dân sự nhưng Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng lại hình sự hóa, gây ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của tôi", nhà báo Dương Thị Hằng Nga bức xúc.

Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nhà báo Dương Thị Hằng Nga yêu cầu Công an Đà Nẵng công khai xin lỗi và bồi thường cho bà tổn thất về vật chất, tinh thần, uy tín và danh dự.

Chuyên gia luật lên tiếng

Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 1/11, Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết, Cơ quan An ninh điều tra từ tháng 9/2017 đã tạm dừng việc điều tra, xác minh tội phạm liên quan bà Dương Thị Hằng Nga. Tuy nhiên, nếu sau này phát sinh tình tiết mới, thu thập được tài liệu sẽ phục hồi điều tra.

Ông Liên cũng cho biết Công an TP Đà Nẵng có báo cáo đăng ký "chưa được xuất cảnh" đối với bà Nga từ ngày 1/6 đến 1/9/2017.

Đại tá Liên cho rằng việc chưa cho xuất cảnh là có căn cứ, đúng quy định và theo quy định, cơ quan điều tra có thể không thông tin cho người bị điều tra nếu có lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra.

Trong khi đó, trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Ngày 5/5, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến nhà báo Hằng Nga. Theo quy định tại Điều 103 BLTTHS 2003 thì thời hạn để xử lý đơn tố giác tội phạm là không quá hai tháng. Như vậy, tính đến ngày 5/8 (ngày bà Nga làm thủ tục xuất cảnh) đã là ba tháng, quá thời hạn xác minh.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định hoạt động điều tra được thực hiện kể từ khi tiếp nhận xử lý tin tố giác tội phạm. Ở giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xác minh thông tin tố giác, khi nào kết quả cho thấy có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án. Từ lúc khởi tố vụ án thì các hoạt động điều tra tội phạm mới được tiến hành.

Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VKSND Tối cao (về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố) cũng thể hiện giai đoạn này chỉ là kiểm tra và xác minh, không quy định việc điều tra.

LS Hoan nói: “Việc công an chưa khởi tố vụ án nhưng lại ngăn chặn việc xuất cảnh của nhà báo Hằng Nga là chưa đúng. Có thể các cơ quan bảo vệ pháp luật không ngăn chặn thì sợ bỏ lọt tội phạm, mà ngăn chặn thì không đúng với nguyên tắc suy đoán vô tội”.

TS Cao Vũ Minh, Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM thì cho rằng, Công an TP Đà Nẵng không gửi thông báo cấm xuất cảnh cho nhà báo Hằng Nga với lý do áp dụng khoản 3 Điều 22 Nghị định 136/2007 (Cơ quan nào ra quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông tin bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh) là chưa đúng.

Vì quan hệ giữa bà Nga và tòa soạn tạp chí Giao Thông Vận Tải với nơi tố cáo không liên quan đến lý do an ninh nên không thể vin vào cớ này không gửi thông báo cấm xuất cảnh.

Còn nếu không gửi vì lý do đảm bảo cho công tác bí mật điều tra tội phạm thì càng không thỏa đáng vì như đã phân tích, bà Nga chưa bị khởi tố để dẫn đến giai đoạn bị điều tra tội phạm. Mặt khác, đối tượng bị cấm xuất cảnh không chỉ là người có dấu hiệu phạm tội đang bị điều tra mà còn là người liên quan, người làm chứng, người có nghĩa vụ thi hành án... Họ phải được thông báo quyết định chặn xuất cảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét