(TBKTSG Online) - Trong bức thư gửi những người ủng hộ ngày 13-4, bà Hillary Clinton bày tỏ lo ngại về việc giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn của Mỹ được trả lương quá cao so với những người lao động bình thường.
Bà Clinton khẳng định trong khi nhiều gia đình tại Mỹ phải vật lộn vì những khó khăn về tài chính thì một CEO kiếm được số tiền trung bình gấp 300 lần một người lao động. Sự chênh lệch về mức thu nhập giữa các CEO và người lao động Mỹ leo thang nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Năm 1965, một CEO kiếm được trung bình gấp 20 lần một người lao động bình thường, khoảng cách này vào năm 2013 tăng lên gần 300 lần.
Chiến dịch tranh cử: đảm bảo an ninh kinh tế cho tầng lớp trung lưu
Ngày 12-4, bà Clinton - ứng cử viên Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ - chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống năm 2016. Chiến dịch tranh cử của bà nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh kinh tế cho tầng lớp trung lưu, tạo cơ hội cho các gia đình người lao động. Đây cũng sẽ là chủ đề nổi bật trong chương trình vận động tranh cử tổng thống của bà.
Theo bà Clinton, tình trạng bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng và tiền lương của người lao động tăng chậm. Bà kêu gọi trả lương công bằng cho phụ nữ, tăng lương tối thiểu, tăng cường quản lý và sửa đổi thuế doanh nghiệp.
Sự bất bình đẳng về thu nhập cũng là chủ đề chính trong cương lĩnh tranh cử của Đảng Dân chủ nhiều năm qua. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama cũng từng đề cập đến vấn đề này nhưng tránh không đụng đến các CEO.
Năm 2009, ông Obama từng chỉ trích “những con mèo béo ụ” (từ dùng để chỉ các chủ ngân hàng trên phố Wall) vì đã nhận những khoản tiền kếch xù trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Mỹ từ năm 2007-2009, trong khi nhiều người dân Mỹ phải sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, khi vấp phải nhiều lời chỉ trích của Đảng Cộng hòa, ông Obama bào chữa rằng ông không phải là người “chống lại các doanh nhân”.
Theo các chuyên gia, việc khéo léo cân bằng giữa những chính sách dân túy và tránh phật lòng những nhà tài trợ giàu có trên phố Wall sẽ là thách thức hàng đầu mà bà Clinton phải đối mặt, giống như ông Obama trước kia. Hiện nay, nhiều lãnh đạo các tập đoàn tài chính tại phố Wall đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng với bà Clinton.
Bà Clinton có bao nhiêu cơ hội làm chủ Nhà Trắng?
Ngay sau khi chính thức thông báo tranh cử tổng thống Mỹ, bà Clinton đã lập tức bắt đầu cuộc hành trình đường bộ từ New York đến điểm vận động tranh cử đầu tiên ở bang Iowa. CNN đưa tin tối ngày 12-4 (giờ địa phương), bà Clinton được nhìn thấy đang trò chuyện với mọi người tại một trạm xăng ở bang Pennsylvania.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của CNN/ORC International cho thấy bà Clinton đang dẫn trước đối thủ tiềm năng nhất là Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Về cơ bản, có thể nói bà Clinton ra tranh cử tổng thống Mỹ lần này có nhiều thuận lợi hơn tám năm trước, dù thách thức không phải ít.
Thuận lợi lớn và quyết định nhất là nội bộ đảng Dân chủ dường như có sự nhất trí ngầm tập trung hậu thuẫn cho bà Clinton chứ không tranh giành quyền được đảng đề cử, trong khi nội bộ đảng Cộng hòa rạn nứt.
Thuận lợi quan trọng không kém là sau giai đoạn làm ngoại trưởng, bà đã nổi danh khắp nước Mỹ và thế giới chứ không chỉ đơn thuần là thượng nghị sĩ và cựu đệ nhất phu nhân như năm 2007-2008. Hơn nữa, bà được xem là trung dung chứ không lệch tả hay thiên hữu trong đảng và được công nhận có khả năng hợp tác với các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong quốc hội cũng như với giới kinh tế.
Một lợi thế nữa chính là bà là phụ nữ, lại coi trọng tầng lớp trung lưu và điều kiện sống của các gia đình trong xã hội nên được đông đảo cử tri mong chờ.
Bên cạnh đó, bà Clinton còn được giúp sức bởi đội ngũ vận động tranh cử giàu kinh nghiệm và có tầm ảnh hưởng lớn, trong đó có chủ tịch chiến dịch tranh cử John Podesta, người từng là Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama.
Khó khăn lớn đối với bà Clinton là huy động tiền vận động tranh cử sẽ rất tốn kém, cũng như việc chưa khi nào đại diện của đảng Dân chủ cầm quyền ba nhiệm kỳ liên tục kể từ năm 1951 và là chưa biết liệu nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống hay chưa.
Bà cũng đang phải bận rộn giải quyết vụ bê bối sử dụng email cá nhân để giải quyết việc công thay vì email do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp. Phe Cộng hòa cho rằng việc bà Clinton sử dụng email cá nhân thay vì địa chỉ email chính phủ để điều hành công việc trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao có thể đã vi phạm luật liên bang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét