Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Chủ tiệm nail người Việt nói về vụ Anh bắt nhập cư lậu

BBC - Gần 100 người làm việc trong các tiệm làm móng tay, đa phần là người Việt, đã bị bắt vì tình nghi nhập cư trái phép trong một Chiến dịch truy quét nhằm hạn chế nhập cư bất hợp pháp của Chính phủ Anh hồi tháng 12.

BBC Tiếng Việt phỏng vấn một số chủ tiệm nail người Việt ở London sau sự việc này.

Luật pháp nghiêm minh

Ông Tuấn (không phải tên thật), một người mở dịch vụ làm đẹp, sơn sửa móng tay ở London đã hơn 18 năm, cho biết cách đây khoảng hai tuần, người của Cục di trú Anh đã đến thăm tiệm của ông.

Bốn nhân viên có mặt ở tiệm hôm đó đều có giấy tờ đầy đủ và không ai bị bắt. Ông nói mình là một trong những chủ tiệm may mắn vì tất cả các nhân viên đều có giấy tờ hợp pháp.

"Chính phủ Anh đã đặt ra luật pháp rồi, nếu mình không tôn trọng luật pháp của người ta mà cố tình nhận vào thì mình phải chịu sự trừng phạt của luật pháp thôi", ông cho biết.

Nhưng ông cũng nói thêm, không phải tiệm nào cũng may mắn thuê được người có giấy tờ hợp pháp. Những người có giấy tờ không nhiều mà tiệm nail thì lại nhiều.

Ông Quốc (không phải tên thật), một người trước đây đã từng làm trong nghề nail, nói: "Luật pháp nước Anh là nghiêm minh. Chuyện bắt giữ những người không có giấy tờ hợp pháp là đúng có gì mà thắc mắc."

"Nô lệ thời hiện đại"?

Trả lời câu hỏi của BBC về một số ý kiến cho rằng có những người làm thuê trong các tiệm móng chân móng tay là nạn nhân của "nô lệ thời hiện đại", ông Tuấn cho rằng điều này là "không chính xác".

"Các chủ tiệm Việt Nam không ép buộc ai làm việc hay bóc lột sức lao động của ai cả. Các nhân viên đến làm đều có hợp đồng hoặc có sự thỏa thuận. Nếu người ta hài lòng thì người ta mới làm, còn nếu không thì họ cũng bỏ luôn. Nói chủ tiệm bóc lột sức lao động của những người không giấy tờ là không đúng."

Nếu ở Việt Nam mà đi làm "nô lệ" được 400-500 bảng một tuần thì chắc nhiều người cũng muốn làm "nô lệ", ông Tuấn đùa.


Theo ông, chiến dịch truy quét này nói chung sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh của các tiệm nail. Các chủ tiệm không dám nhận những người không có giấy tờ hợp pháp mặc dù họ có tay nghề cao.

Đối với những người làm công từ Việt Nam sang, nếu không có giấy tờ hợp pháp thì họ sẽ không được đi làm và không được hưởng chế độ trợ cấp gì của chính phủ.

Theo ông Tuấn, "nhiều người phải chuyển sang con đường trộm cắp để kiếm sống, làm tăng thêm tệ nạn ở nước Anh này".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét