Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Mở chiếc hộp "gia tài" của mẹ già, con trai khóc lặng người

Ngân Hà

SOHA - Người mẹ già có nhiều biểu hiện không bình thường khiến vợ chồng con trai quyết định sẽ đưa bà vào viện dưỡng lão. Thế nhưng, thấy đồ vật đựng trong chiếc hộp của mẹ, cậu con trai đã phải hối hận.

Chiếc hộp đã khiến cậu con trai từ bỏ ý định đưa mẹ vào viện dưỡng lão

Trong một gia đình nọ, người mẹ thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy con trai hoặc con dâu, bà chỉ khẽ cười.

Vợ anh phàn nàn: "Em sợ cái cảnh này quá!"

Thậm chí có những đêm, vợ anh dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy một cái bóng đen đen trong phòng khách, cô sợ đến nỗi hồn bay phách lạc.

Quay về phòng, vợ anh giận dỗi: "Ngày nào cũng như thế này thì làm sao mà sống nổi đây". 

Nói xong, cô khuyên anh: "Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu".

Anh nhớ lại, từ nhỏ anh đã mồ côi cha, chỉ có mẹ một mình tần tảo nuôi anh nên người. Anh nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi bước nữa, nhưng mẹ nhất quyết cự tuyệt, mẹ sợ rằng lấy người khác rồi anh sẽ chịu ấm ức.

Mẹ hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi anh, một đời ngậm đắng nuốt cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ cũng nuôi anh học đến đại học,dạy anh thành người. Đến nay mẹ vẫn chưa được hưởng ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà anh lại nhẫn tâm để mẹ vào viện dưỡng lão sao?

Vợ anh thấy chồng không nói gì thì tỏ ra không hài lòng và quay mặt đi.

Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Đáng lẽ cơm đã chín, bà lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Lần khác, mẹ ra ngoài,khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.

Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm anh cũng bắt đầu dao động. Anh nghĩ: "Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…".

Hôm đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, anh bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.

Mẹ lặng thinh, không nói lời nào, đứng lên thu dọn, đồ đạc được chuẩn bị cũng rất đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho nhỏ. Mẹ ôm chặt nó vào lòng.

Sau khi mắc bệnh, cái gì mẹ cũng quên. Chỉ có chiếc hộp sắt là không lúc nào bà quên mang theo bên mình.Không ai biết bên trong chiếc hộp là gì, chỉ thấy bà luôn coi nó như một bảo vật.

Người con dâu chắc mẩm: "Cả đời người, ai chả có một bảo vật, hay chút tiền vàng trong tay. Trong chiếc hộp của mẹ chắc chắn là những thứ đó".

Đến đêm khi mẹ đã ngủ say, anh và vợ mới nhẹ nhàng mở hộp ra,bất chợt anh nhìn thấy vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, họ cũng không đưa mẹ đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau họ cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy nghi lại thời gian anh thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. 

Ở quê anh có một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không được phép vứt đi mất,nếu không đứa trẻ đó sẽ bị chết yểu.

Đừng vô tâm với cha mẹ thêm một giây nào nữa

Nhịp sống hối hả với rất nhiều nỗi bận tâm khiến con cái chúng ta đôi khi ngày càng trở nên vô tâm với cha mẹ. Bạn có dám chắc rằng mình đã đối xử tốt với mẹ mình chưa?

Vợ chồng người con trai trong câu chuyện này chẳng phải ai khác mà chính là hình ảnh của mỗi chúng ta. Cái kết của câu chuyện trên sẽ khiến nhiều người xúc động,và quan quan trọng hơn cả, nói khiến bạn không thể vô tâm với cha mẹ thêm một giây nào nữa.

Không phải riêng ai mà tất cả chúng ta đều có những lúc vô tâm với mẹ - người mà mình mắc nợ nhất trên đời như thế. Để rồi tới lúc hiểu ra thì mẹ đã phải trải qua không ít nỗi đau lòng vì chính đứa con thương yêu  .

Người mẹ già trong câu chuyện trên dù chồng mất sớm nhưng vẫn một mình tần tảo nuôi con nên người, không đi bước nữa để lo cho con.

Thế nhưng khi đã có gia đình, vợ anh cảm thấy mẹ già như một gánh nặng, như chính câu nói: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày".

Những câu chuyện tương tự như trên đang ngày càng nhiều lên, liệu có khiến nhiều người giật mình nhìn lại bổn phận làm con của mình?

Hồi nhỏ, bạn luôn bên cha mẹ, một phút không rời. Lớn hơn một chút, bạn bỗng cảm thấy họ không hề hiểu bạn. Lớn hơn nữa, côngviệc ngày càng bận rộn, nỗi lo cơm áo gạo tiền, rồi gia đình, con cái khiến bạn ngày càng có ít thời gian cho cha mẹ. 

Thậm chí nếu ở xa, thỉnh thoảng gọi điện về cũng chỉ hỏi thăm đấng sinh thành được dăm ba câu.

Khi còn nhỏ, trái tim bạn bé lắm, nhưng đong đầy hình ảnh về cha mẹ. Trưởng thành, trái tim bạn theo đó cũng lớn dần, nhưng cha mẹ chỉ còn được xếp vào một góc nhỏ hẹp,trầm lặng, thay vào đó là tình yêu, gia đình, sự nghiệp, con cái của bạn...

Nhiều người cứ vô tư mặc thời gian đang dần lấy đi nét thanh xuân của bố mẹ, ham vui bạn bè, chật vật lo cho đời sống cơm áo gạo tiền mà quên mất ở nhà bố mẹ đang dần giàđi từng giây từng phút.

Và chúng ta cuối cùng cũng thấm thía được tất thảy những cảm giác mà cha mẹ từng trải qua, sự trưởng thành, độc lập của con cái, vươn xa ra khỏi vòng tay bao bọc, chở che của cha mẹ, bởi "có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ".

Chỉ muốn nói rằng, nếu như còn kịp, hãy đừng quên đối tốt với cha mẹ mỗi ngày, đừng quên nói với họ rằng bạn yêu họ. Ở bên cạnh và chăm sóc họ,chính là lời cảm ơn tuyệt vời nhất dành cho cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét