TT - Ngoài vấn đề điều trị thì việc ăn uống của bệnh nhân nằm viện rất quan trọng.
Đa số bệnh nhân không ăn uống đủ nhu cầu do nhiều nguyên nhân: giảm khẩu vị, mệt mỏi, khó tiêu, thức ăn không hợp khẩu vị, ảnh hưởng của bệnh lý và cả việc
điều trị bệnh.
Ngược lại, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng đều tăng do tăng chuyển hóa khi bệnh. Hậu quả là suy dinh dưỡng bệnh viện. Suy dinh dưỡng bệnh viện không chỉ biểu hiện bằng gầy ốm.
Ngay cả ở bệnh nhân có cân nặng bình thường nhưng sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, không thể ăn uống trong thời gian dài cũng được chẩn đoán là suy dinh dưỡng khi đang nằm viện.
Để người bệnh có được bữa ăn ngon, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, người chăm sóc cần lưu ý một số vấn đề.
Suy dinh dưỡng bệnh viện ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, chậm lành vết thương, tăng nguy cơ loét tì đè, tăng biến chứng trong quá trình điều trị, tăng chi phí điều trị, tăng thời gian nằm viện, giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong. Dinh dưỡng hợp lý là biện pháp hữu hiệu kiểm soát suy dinh dưỡng bệnh viện
1. Kiểm soát thời gian
lưu trữ thức ăn chín
Thức ăn nấu chín chỉ được giữ ở nhiệt độ thường không quá hai giờ. Điều này quan trọng đối với thức ăn nấu từ nhà mang vào và thức ăn thừa của bữa trước. Thức ăn để quá hai giờ ở nhiệt độ thường sẽ tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi sinh phát triển.
Thức ăn mang từ nhà vào thường phù hợp khẩu vị bệnh nhân và giàu dinh dưỡng nhưng lưu ý là phải mang vào gần sát bữa ăn bệnh nhân. Thức ăn thừa phải được dùng trong vòng hai giờ, nếu quá thời gian trên thì nên bỏ đi nếu không bảo quản được trong tủ lạnh.
Thực phẩm phục vụ của khoa dinh dưỡng và chế biến tại bệnh viện hoặc mua tại căngtin bệnh viện sẽ đảm bảo yếu tố thời gian này.
2. Chia nhỏ bữa ăn
Đa số bệnh nhân không ăn hết khẩu phần thông thường do nhiều nguyên nhân như đã nêu trên. Do đó khẩu phần ăn của bệnh nhân nên có số lượng nhỏ vừa sức với khả năng của bệnh nhân.
Ngoài ba bữa chính nên cung cấp thêm 2-3 bữa phụ cho bệnh nhân. Như vậy bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu hơn là phải ăn ba bữa chính như thông thường. Thức ăn phụ nên là những thức ăn đóng gói sẵn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Chú ý nhiệt độ
của thức ăn
Bệnh nhân nằm viện thường mệt mỏi và giảm khẩu vị. Do đó các biện pháp tăng cường khẩu vị của món ăn cũng hết sức quan trọng. Trong đó, nhiệt độ của món ăn đóng vai trò quan trọng. Bữa cơm chính hay các món nước nên giữ nhiệt độ ấm khi dọn cho bệnh nhân dùng.
Ngược lại, nếu có điều kiện, bệnh nhân uống sữa hay các thức uống giàu dinh dưỡng khác ở dạng ướp lạnh lại giúp tăng khẩu vị và dùng hết suất. Nghiên cứu cho thấy với nhiệt độ phù hợp, lượng thực phẩm được tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Với thức ăn mua bên ngoài thường để trong hộp nhựa hay bao nilông, người nhà nên dọn ra chén, tô, đĩa phù hợp, giúp kích thích vị giác của bệnh nhân. Nếu có bàn ăn trong phòng bệnh thì nên cho người bệnh ăn tại bàn sẽ tốt hơn ăn tại giường bệnh.
Nếu bệnh nhân đi lại được, có thể đưa bệnh nhân ra căngtin bệnh viện dùng bữa, tốt hơn việc mua đem vào giường bệnh vì có thể giúp người bệnh chủ động chọn món ưa thích khi nhìn thấy trực tiếp món ăn, thức ăn còn nóng...
4. Chọn lựa thức ăn
giàu năng lượng
và giàu đạm
Bệnh nhân nằm viện thường có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng, đặc biệt là chất đạm. Do đó lưu ý cung cấp cho bệnh nhân thực phẩm giàu năng lượng và đạm ở cả bữa chính và bữa phụ.
Chất đạm có trong thịt, cá, trứng, tôm, cua. Chất đạm trong bữa phụ bao gồm đậu hạt, sữa và chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua. Để người bệnh ăn hết phần chất đạm, nên chế biến phù hợp: cắt nhỏ, gỡ xương,
hầm mềm...
Khi đi thăm bệnh cũng nên lưu ý chọn lựa thực phẩm giàu năng lượng và đạm. Nên biếu tặng thực phẩm có đóng gói, bao bì, bảo quản lâu được ở nhiệt độ thường. Ngoài ra cần hỏi trước người nhà bệnh nhân xem bệnh nhân có kiêng ăn món gì và thích ăn món gì để mua cho phù hợp.
Ăn uống phù hợp và đủ chất dinh dưỡng là phương pháp tự nhiên, hiệu quả hơn nhiều so với việc truyền dịch và góp phần mau khỏi bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trong quá trình nằm viện.
Những thực phẩm giàu năng lượng
Ngoài bữa chính, người nhà có thể lưu ý cho người bệnh dùng một số thực phẩm giàu năng lượng như: nước cam vắt có đường, nước dừa, nước ngọt lon, nước yến, bánh ngọt và trái cây các loại.
Ngoài ra còn có một số thực phẩm giàu đạm như: sữa tươi hộp giấy, sữa đậu nành hộp giấy, đậu phộng rang, hạt điều, sữa chua, phô mai, váng sữa, xúc xích ăn liền, trứng luộc, giò chả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét