Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Mẹ Việt ơi sao cứ tự đày đọa thế?

Thu Hà (Mẹ Xu-Sim)

VNN - “Chỉ khi chính bản thân tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc thì tôi mới có thể mang tự do và hạnh phúc tới cho con mình!”, nhà báo Thu Hà (mẹ Xu-Sim).

Tôi là một bà mẹ, cũng như hàng triệu bà mẹ khác, tôi luôn mong muốn dành những thứ tốt nhất cho con mình.

Ngày xưa, tôi sẵn sàng đi chợ thật sớm, mướt mải để tìm mua cho được khúc cá ngon nhất, lùng sục trên mạng cả buổi để tìm hiểu về những loại sữa, sữa chua, váng sữa tốt nhất, sẵn sàng làm những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất một cách công phu cho con. Tôi cũng không quản khó khăn để tìm trường tốt, lớp tốt cho con học.

Bạn bè tôi cũng thế. Tôi có người bạn cũng mới sinh em bé, nước rửa bình sữa cho con là loại chuyên dụng nhập khẩu; quần áo con giặt riêng trong chiếc máy giặt mini bằng loại bột giặt đồ dành cho trẻ em; nước xả vải cũng là loại riêng dành cho trẻ em. Tất cả bao quanh bé là những đồ dùng tốt nhất, còn ba mẹ thì sao cũng đươc. Thậm chí, tắm cho con cũng phải bằng nước uống tinh khiết thùng 20l, hoặc nếu hôm nào không đi mua được thì phải là nước sôi để nguội vừa âm ấm.

Có những nhãn hàng nói với tôi, họ chỉ có thể bán được hàng khi tăng giá bán, thậm chí tăng gấp nhiều lần giá trị thật của nó. Nghịch lý là những mặt hàng dành cho trẻ em, có khi phải nâng giá lên thì mới có người mua. Bởi vì ba mẹ luôn tâm niệm rằng dành cho con những thứ tốt nhất. Và thứ tốt nhất thường hay bị đánh đồng với những thứ đắt tiền nhất.

Vài năm gần đây Sài Gòn và Hà Nội còn mở ra nhiều những học viện những khóa học giáo dục sớm từ 0 tuổi, học phí mỗi buổi học tới cả triệu đồng.

Các chương trình, các phương pháp dạy trẻ nở rộ. Cái nào cũng được khẳng định là rất tốt hoặc tốt nhất. Có những quan điểm còn trái ngược nhau, cãi nhau ì xèo. Bên nào cũng có nhiều luận điểm luận cứ đều rất hùng hồn và đanh thép. Các sách dạy con theo kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Pháp, kiểu Mỹ… thường nằm trong top bestseller (bán chạy nhất) của các nhà sách.

Và thêm nữa thói quen can thiệp sâu vào nhà người khác của ông bà, hàng xóm, bạn bè… làm các bà mẹ xoay như chong chóng. Không biết đường nào mà lần nữa!

Có thật là chúng ta cần điều đó không?

Chúng ta luôn cố giành lấy thật nhiều, cố kiểm soát mọi thứ. Và càng cố thì càng tuyệt vọng. Không thể nào kiểm soát tất cả mọi thứ được, vì cuộc sống vốn là như vậy, đầy bất ngờ, đầy những thử thách, và thậm chí đầy bất công. Con chúng ta sẽ phải liên tục ngã, đứng dậy, thất bại, thất vọng, rồi lại hi vọng và đi tiếp.

Tôi tin là cách nuôi dạy con tốt nhất là giữ sự cân bằng với tự nhiên. Mẹ càng giữ được bình an thì con càng vững chãi. Trong cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” tôi đã kể về những giải pháp tôi đã làm để đạt được đích đến là con tôi tự lập và tôi tự do hơn.

Thế giới bên ngoài thế nào? Ồn ào, biến động, bất ngờ, đầy cạm bẫy, luôn cần giúp đỡ, luôn cần bạn bè,… thì hãy dạy con những điều đó. Không phải là tiếng Anh, không phải được đọc sớm hơn bạn bè vài năm bởi dùng flashcard. Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là con chúng ta phải biết mình là ai, mình muốn trở thành ai, và dù chuyện gì xảy ra thì tốt nhất là con vẫn giữ được niềm vui sống. 

Thế nên, theo tôi việc dạy con càng gần với bình thường càng tốt. Bình thường như cuộc sống thật. Việc nuôi và dạy con càng tiện lợi cho cha mẹ, và nhất là mẹ, thì càng tốt. Bởi vì người mẹ sẽ phải đi một quãng đường rất dài, 18 năm, hoặc có thể hơn nữa. Chỉ khi người mẹ thoải mái, tự do thì mới có thể đi dài như thế. Sức bền là quan trọng nhất.

Cũng có nhiều thứ tốt hơn, ví dụ ở một khu dân cư an ninh hơn, văn  minh hơn, học tại một  ngôi trường cao cấp hơn, tham gia những khóa học xịn hơn, đi du lịch nhiều hơn… Nhưng sức tôi chỉ có hạn, nên tôi chọn những thứ phù  hợp nhất cho mình lúc này, không quá rướn, không quá gồng. Không mang cảm giác trách nhiệm một cách thái quá. Bởi chính tôi sẽ ảnh hưởng lên con tôi nhiều nhất.

Thế giới thay đổi rất nhanh và không thể đoán trước mười lăm năm nữa sẽ ra sao. Do đó, đạt thành tích quá sớm ngay lúc này cũng chẳng để làm gì, thậm chí có khi còn hại cho cuộc đời dài của con sau này. Chúng ta đã nhìn thấy những tấm gương sớm nở chóng tàn. Đường học dài hơn cả đường chạy marathon, có lẽ không cần tăng tốc và đạt cup ở ngay chặng đầu tiên làm gì.

Tôi tin rằng khi mình càng bao bọc, con mình càng yếu đuối, càng vụng dại. Khi tôi càng cố gắng cầu toàn, con tôi càng bị áp lực. Và có một điều chắc chắn: không có đứa con nào hạnh phúc bên một bà mẹ bất hạnh.

Vì vậy, bây giờ, tôi đang nuôi con sao cho chính mình cảm thấy thật tự do và hạnh phúc. “Bạn không thể cho ai cái mà bạn không có!”. Chỉ khi chính bản thân tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc thì tôi mới có thể mang tự do và hạnh phúc tới cho con mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét