Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Tiên học lễ, hậu học… vấn

Hồ Trần/Thế Giới Tiếp Thị

TTTG - Đối với trẻ em và học sinh ngay từ những ngày đầu hình thành ý thức, tư duy… chúng ta cần khuyến khích chúng đặt câu hỏi cho mọi chuyện.

Nếu tra trên Google với từ khoá “học để làm gì?”, chúng ta sẽ nhận được vô số những bài viết ở hàng ngàn trang mạng khác nhau với các giải đáp thông thường như học để làm việc, để trưởng thành, để hạnh phúc…

Vì sao “Học để hỏi”?

Tham gia thỉnh giảng cho sinh viên báo chí trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn suốt ba năm nay, một nhà báo kỳ cựu đã rất thất vọng nói với tôi: “Sinh viên không hề biết hỏi. Năm nay, tôi vô lớp im lặng hết 15 phút, chỉ nhìn họ và không nói gì cả. Sinh viên rất hoang mang.

Sau đó tôi đứng lên đứng giữa lối đi của hai hàng ghế hai bên và nói: Nếu hôm nay không có ai hỏi gì, tôi sẽ cho các bạn nghỉ luôn hết khoá học và cho đề để các bạn về nhà làm.

Phải đến gần 5 phút sau đó mới có một cánh tay rụt rè giơ lên hỏi: “Thưa thầy, hôm nay thầy giảng về đề tài gì?”– lúc đó tôi mới bắt đầu lớp học.

Tôi không hiểu sao, họ đã là sinh viên, lại học khoa báo chí mà tại sao họ không biết hỏi? Ai đã khiến cho họ trở nên thụ động như thế?”

Chúng ta ai cũng nghĩ, học sinh đi học phải nghe lời thầy cô, về nhà phải nghe lời ông bà cha mẹ… dạy trẻ “biết vâng lời” mới trở thành trẻ ngoan. Nhưng chúng ta không biết mình đã vô tình giết chết sự hoài nghi của một con người.

Đó là đức tính duy nhất giúp cho con người phát triển bằng sự tò mò, trí phán đoán và có những dự báo sâu xa để đề phòng những rủi ro xảy đến, mở rộng những chân trời mới và giải phóng con người phần nào đó được tự do, thoát khỏi sự hữu hạn của thân phận gắn với định mệnh hay số mệnh khi ta không thể lý giải được những gì phi lý mà ta chưa chiêm nghiệm ra.

Vì thế, đối với trẻ em và học sinh ngay từ những ngày đầu hình thành ý thức, tư duy… chúng ta cần khuyến khích chúng đặt câu hỏi cho mọi chuyện.

Cho đến nay, hầu hết người lớn đều coi thường những câu hỏi của trẻ con, cho rằng chúng mơ mộng, viển vông và cũng có khi họ chẳng trả lời được nên tìm cách lơ đi, xúi chúng làm việc khác hoặc xua chúng ra để chúng ta có thể rảnh tay.

Nhưng tất cả những điều đó, kỳ thực rất nguy hại cho bộ não trẻ thơ, khiến chúng bị bào mòn, chai lỳ và ngu ngốc.

Tại Trường Đức Trí (TPHCM), vào lúc 8h sáng ngày 24/4 sẽ tổ chức một buổi nói chuyện do thầy Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu triết học và là người đã và đang thực hiện tủ sách Triết học cho các lứa tuổi.

Thầy sẽ trao đổi với phụ huynh và các học sinh về việc: Học để hỏi – Hỏi để trưởng thành ý thức và tư duy.

Hy vọng phụ huynh và các em học sinh đến tham dự sẽ không phải hối tiếc vì đã bỏ qua chủ đề thiết thực này và cũng được gặp một diễn giả hết sức thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét