MTG - “Người ta thấy má đã 82 tuổi, yếu không đi nổi mà cứ ngồi dang nắng ở vỉa hè kiếm sống, họ xót xa, đi tìm hai thằng con của má, chửi tụi nó bất hiếu. Má vô phước, con cái không biết thương mẹ, đành chịu, không oán trách ai”, bà Trần Thị Vân rưng rưng đôi mắt mờ đục.
82 tuổi đơn độc mưu sinh giữa Sài Gòn
Khu vực vỉa hè, đối diện lăng Ông (Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh), mấy chục năm nay hình thành một “chợ trời” nhỏ. Người ta bày bán chim, chó mèo, điện thoại, loa cũ… cho người qua đường.
Thỉnh thoảng có xe của cảnh sát trật tự chạy ngang, những mảnh đời lấy lề đường mưu sinh nháo nhác, gom đồ chạy tán loạn. Chỉ duy nhất bà Trần Thị Vân vẫn ngồi bình thản bên tủ thuốc và bàn vé số của mình.
“Má già rồi, chân yếu, không chạy nổi như mấy người kia, đành ngồi im. Công an họ thấy má lớn tuổi, không nỡ đuổi, còn hỏi má sao già rồi, không ở nhà cho con cháu nuôi, ra đây buôn bán làm gì”, bà Vân cười móm mém.
Từ Huế lưu lạc vào Sài Gòn, trải qua bao sóng gió cuộc đời suốt hơn nửa thế kỷ, mọi thứ thay đổi nhưng bà Vân vẫn còn giữ chất giọng trọ trẹ đặc trưng. Ở khu vực này người ta quen gọi bà Vân là "má Huế".
Bà Vân nhớ lại hoàn cảnh lưu lạc vào Nam của mình năm 1960: "Năm đó, má mới 28 tuổi, đang mang bầu đứa con thứ 2 thì chồng bị bệnh mà mất đột ngột. Ổng mất được 20 ngày thì má sanh con. Lũ lụt mất mùa, đói quá, má bồng thằng con mới sanh, dẫn theo thằng lớn nữa, cuốn gói vào Sài Gòn tìm đường sinh sống".
"Má ở xã Quảng Ngạn, huyện Hương Điền. Muốn đi đến đó phải qua chợ Sịa, chợ Đò, bến Trụ... Quê má đẹp lắm, nằm bên đầm phá Tam Giang mênh mông nước, gió lộng quanh năm. Mấy chục năm nay, bận mưu sinh, má chưa bao giờ được về. Năm nay má thấy mình yếu rồi, chắc không còn cơ hội để về thăm cố hương, mồ mả ông bà nữa", bà Vân nói buồn.
Những ngày mới vào Sài Gòn, bà Vân làm nghề bán vé số dạo. Thân cò lặn lội nuôi hai con nhỏ khôn lớn, bà cũng dành dụm mua được căn nhà tuềnh toàng trong một xóm nghèo nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, gần cầu Bông. Thời đó, nhà đất không đắt đỏ như bây giờ và bờ kênh Nhiêu Lộc nước vẫn còn đen ngòm, hôi thối, không trong xanh như bây giờ.
Sau này, xóm nghèo lụp xụp mà bà đã gắn bó hết thời con gái bị giải tỏa theo chủ trương UBND thành phố, bà được bố trí ở tạm tại một chung cư bình dân gần cầu Chu Văn An.
Con cái không ngó ngàng lúc mẹ tuổi xế chiều
Bà Vân trải lòng: "Má có hai đứa con trai. Nuôi tụi nó khôn lớn, chúng lấy vợ rồi lo cho vợ con, không ngó ngàng gì đến má. Người ta thấy má đã 82 tuổi, yếu không đi nổi mà cứ ngồi dang nắng ở vỉa hè kiếm sống, họ xót xa, đi tìm hai thằng con của má, chửi tụi nó bất hiếu. Má vô phước, con cái không biết thương mẹ, đành chịu, không oán trách ai. Má có con, có cháu, chắt... đùm đề, nhưng cũng như không”.
Đơn độc giữa Sài Gòn, mỗi ngày bà Vân phải kêu một ông xe ôm chở từ nhà ra vỉa hè gần khu lăng Ông-Bà Chiểu từ 5 giờ sáng để mưu sinh. Đến 22 giờ đêm thì ông này đến đón về. Cả đi và về, bà trả 60.000 đồng. Coi như gần hết nửa "nồi cơm" kiếm được.
Theo lời tâm sự buồn của bà Vân: Người con trai lớn năm nay đã 58 tuổi, nhưng đã có đến... 5 đời vợ. Hiện giờ anh ta lưu lạc tận Long Xuyên, An Giang, làm phụ hồ kiếm sống. Thỉnh thoảng anh này "kẹt", tìm về nhà xin tiền mẹ. Có người mẹ nào không thương con, bà cũng phải móc tiền dành dụm ra đưa. Bà Vân thở dài: "Nghe nói nó đang ở với con nhỏ nào ở dưới đó. Nhậu nhẹt, không lo làm ăn, cũng bị con này bỏ rồi".
Đứa con trai kế nó làm công nhân may, tiền không đủ nuôi vợ nuôi con, mượn nợ nần người thân, bà cũng phải cắn răng móc túi tiền dành dụm được ra trả. Bà Vân tâm sự: "Vừa rồi, thằng này bị người đời chửi bất hiếu, nó xấu hổ, dẫn vợ con về sống chung với má. Má mừng, nhưng từ trước giờ má tự lo, má quen rồi. Cuộc sống của má cũng không thay đổi. Hằng ngày má vẫn kêu xe ôm chở ra đây buôn bán. Má thấy nó đang ngủ hay bận đưa con đi học, má không dám nhờ nó chở".
"Sau này má không ngọ nguậy nổi, không kiếm sống được nữa, má cũng không vô viện dưỡng lão đâu. Vô đó, mình còn sức quét được cái sân, ăn cơm mới không ngại. Nằm một chỗ chờ cơm, chắc má không cam lòng. Năm nay nữa, đã 49 năm má lăn lộn ở cái vỉa hè này. Lớn tuổi rồi, má phát bệnh tùm lum, hay bị khó thở, chân đứng một hồi là bị sưng lên, đau buốt... Má không biết ngồi đây nổi đến năm sau không nữa", bà rầu rĩ một hồi.
"Chó cắn áo rách"
Mò mẫm sức già cạn kiệt để mưu sinh nhưng giữa Sài Gòn vàng thau, tốt xấu lẫn lộn... bà Vân vẫn không yên thân.
Bà Vân kể: "Để có tiền mua hàng bán tết năm nay, má vay của con nhỏ bán chim 10 triệu, con nhỏ bán thỏ 10 triệu và một người quen 10 triệu nữa. Má bỏ vô tủ thuốc, khóa lại. Vậy mà...".
Bà Vân chỉ tay về phía tiệm cơm bình dân gần đó, nói tiếp: "Suốt 3 năm nay, mỗi đêm má gửi tủ thuốc tại đó. Đêm khuya, thằng chủ quán cạy tủ kiếm thuốc hút. Bình thường nó được lắm nhưng khi thấy tiền nên nổi lòng tham, lấy hết trơn. Má báo công an, họ xuống điều tra, nó nhận lấy 30 triệu của má.
Nó khóc quá trời, bảo là do kẹt tiền nên mới bấm bụng lấy tiền của bà già. Thấy nó tội nghiệp, má năn nỉ công an đừng bắt, để nó kiếm tiền trả lại. Hôm mùng 6 tết, nó có đưa cho má hai cây thuốc lá, kêu má bán lấy tiền xài. Ai dè, nó trốn đi luôn tới nay. Chủ nhà mới lấy nhà lại, cho người khác thuê mở quán cơm bình dân đó".
Hằng ngày bà Vân phải trích tiền lời ít ỏi của một ngày lao động để "góp" cho những chủ nợ. Theo lời bà, tiền lời bán từng cái card điện thoại, gói thuốc được đếm bằng tiền lẻ, còn nợ là con số chẵn khổng lồ, không biết đến bao giờ bà mới "mãn nợ".
Đó không phải một lần bà bị kẻ xấu cướp "nồi cơm". Một lần khác, bà vừa mới bỏ ra 4,5 triệu đồng lấy thuốc lá về bán. Loay hoay dọn tủ ra, tuổi già chậm chạp, mắt mờ, quay qua quay lại, túi thuốc lá đã không cánh mà bay.
Bà Vân nói: "Má nghi ngờ ông chạy xe ôm gần đó. Ổng lại đây, đậu xe đón khách chỉ một tuần và biến mất dạng ngay trong ngày túi thuốc lá của má bị mất. Mắt má mờ, không nhìn thấy số xe, chứ không là nó không có đường trốn".
Năm kia, bà bị một thanh niên choai choai, chạy xe máy ngang, vờ mua vé số, giật xấp vé số mà bà vừa lấy "gối đầu" của đại lý về, chuẩn bị bày ra bán, tổng cộng hết 2,5 triệu đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét