MTG - Ngày 19.4, nhật báo Financial Times đăng tải bài viết Vietnam: Profitable return của ký giả Michael Peel (tạm dịch: Việt Nam: ích lợi của sự trở về), trích dẫn tâm sự của nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong những ngày đầu “phân vân trở lại Việt Nam”.
Bài viết nhận định rằng, Kỳ Duyên trong vai trò đồng MC của chương trình Paris By Night không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ hay Pháp mà ngay chính trong nước (Việt Nam), cô cũng trở nên quá thân thuộc.
Cách đây 40 năm, Kỳ Duyên chỉ là một cô bé, theo cha rời khỏi Sài Gòn trong những ngày chuẩn bị chuyển giao chế độ. Financial Times nhận định rằng, gia đình Kỳ Duyên thuộc diện nhạy cảm chính trị nhất.
Cha cô là ông Nguyễn Cao Kỳ, phi công lái máy bay chiến đấu, nguyên cựu thủ tướng Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hậu thuẫn. Ông Kỳ đã thoát khỏi Sài Gòn bằng cách lái trực thăng ra biển đậu trên chiến hạm Mỹ. Phải mất gần 30 năm sau, ông mới có dịp quay trở lại Việt Nam, và khuyến khích con gái cùng trở lại.
“Cha bảo tôi rằng – con nên trở về Việt Nam. Đó là nơi của tương lai, vì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển” – tờ báo dẫn lời Kỳ Duyên trả lời phỏng vấn trong một nhà hàng ven sông Sài Gòn.
“Nhưng tôi không biết phải bắt đầu về như thế nào. Tôi không còn người bạn nào ở Việt Nam cả” – Kỳ Duyên cho biết.
Khi Việt Nam chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, 30.4.1975, Kỳ Duyên tự xem mình là một trong những “trẻ em chiến tranh” trở về, với những câu chuyện về sự thay đổi của đất nước.
Nhiều người trở về, cầm lái chiếc Honda trong một thị trường rộng lớn 90 triệu dân, theo Financial Times, đã nghĩ ra không ích ý tưởng cho công việc làm ăn, kiếm tiền.
“Trước khi tôi về nước, nhiều người bảo tôi rằng mày mà muốn làm ăn ở đó thế nào cũng bị nhà cầm quyền cấm”, - ông Sieng Van Tran, một doanh nhân công nghệ sống ở Anh hơn 30 năm hồi tưởng. “Nhưng thực sự là khi chính quyền biết anh đến đây để làm ăn, họ luôn để anh thoải mái”.
Cụm từ Việt kiều trở thành một phần của nền kinh tế mở kể từ khi bắt đầu từ thập niên 1980 và tiến mạnh khi Mỹ chấm dứt cấm vận Việt Nam năm 1994.
Cùng trở về là Henry Nguyen, con trai của một quan chức chế độ sài Gòn, chưa đến 2 tuổi khi phải cùng gia đình rời Sài Gòn đến Virginia định cư. Nguyễn hiện đang điều hành IDG Việt Nam và năm ngoái đã thành công khi đưa McDonald về TPHCM.
Nguyễn cho biết ông “tò mò nhiều hơn là nghi ngờ” khi về VN lần đầu tiên năm 2001, vấp phải rào cản lớn trước khi trở thành doanh nhân nổi tiếng. “Tôi lớn lên, rất ít nói tiếng Việt” – Nguyễn nói. “Điều tôi ân hận nhất, và thậm chí xấu hổ, là khi lần đầu trở về VN rất khó khăn vì tiếng Việt của tôi gần như là con số 0” – doanh nhân tốt nghiệp Harvard cho biết.
Thế nhưng, với những show diễn trên Paris By Night, Kỳ Duyên được biết đến rất nhiều và đó chính là điều giúp cô có ngày trở về dễ dàng. Thoạt đầu, cô vẫn sống phần lớn thời gian bên Mỹ. Và luôn có những người nhắc nhở Kỳ Duyên rằng: trước đây Paris By Night cũng đã có những show làm phật lòng Hà Nội.
Nhưng, 40 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, những thay đổi lớn và, như Financial Times nhận định, những cơ hội lớn đã lôi kéo Kỳ Duyên trở lại Sài Gòn. “Trong khi ở Mỹ mọi chuyện đã đâu vào đấy rồi thì Việt Nam vẫn còn khát khao nhiều thứ lắm” – Kỳ Duyên cho biết. “Từ đó tôi bắt đầu trở về VN thường xuyên hơn. Tôi nhìn quanh thị trường ở đây, sự tăng trưởng và tôi nghĩ: Wow, có rất nhiều tiềm năng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét