Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Không ghen không phải đàn bà!

THANH HẢI

PNO - Hồi nhỏ khi xem bức tranh Đông Hồ nổi tiếng "Đánh ghen", chỉ có khái niệm giản đơn trong đầu: À, ghen là thế. Là những gì thuộc về tay chân, mồm miệng. Là chiếc kéo trong tay người vợ, là hình ảnh người chồng chăm chăm bảo vệ cho ả nhân tình, là ả nhân tình nép vào người đàn ông ấy.

Câu chuyện thứ nhất: Một chiều yên bình, khu xóm nhỏ bỗng dưng ồn ào khi một phụ nữ trẻ lạ mặt chặn đường hành hung một cô gái ở trọ trong xóm. Chị ta lôi cái kéo từ trong túi xách mang bên vai ra, túm lấy tóc cô gái kia cắt cái xoẹt. Ai nấy bàng hoàng chưa kịp can ngăn hay hiểu ra chuyện gì thì chị ta vừa vứt nắm tóc trong tay xuống đất, vừa hét “Mày tránh xa chồng tao nghe chưa!”. Những người đàn bà đi cùng cũng chửi rủa vang dội, trong đó có cả mẹ chồng của chị ta. 

Bà không làm gì cô gái, nhưng lời lẽ rất gay gắt, đại ý là cảnh cáo cô ta rằng con trai bà đã có vợ con đề huề, và “vợ nó đây, cô đừng phá hoại gia đình con tôi”. Ai cũng thấy, người mẹ đã tỏ rõ lập trường là đứng hẳn về phía con dâu, nhưng có người cũng tinh ý nhận ra bà đã nắm tay con dâu lại khi chị định đánh cô gái, sau khi cắt phăng mái tóc của cô ta. Phải chăng, dù thấu hiểu nỗi đau của người vợ bị chồng lừa dối, bà cũng dành chút cảm thông cho cô gái kia.

Sáng hôm sau, nhìn cô gái ấy cúi gằm mặt dắt xe ra khỏi nhà trọ, mái tóc chỗ ngắn chỗ dài nham nhở khó coi… bất giác chạnh lòng nghĩ rằng sẽ có một người mẹ đau lòng lắm nếu biết rằng mái tóc dài mượt mà bà hằng nâng niu, thương mến đã bị xén đi tàn nhẫn như thế. Chắc hẳn bất cứ người mẹ nào có con gái cũng từng răn dạy con về bài học đoan chính, thủy chung và ước mơ con mình sẽ lấy được tấm chồng tử tế và ăn đời ở kiếp với nhau. Chắc chẳng có bà mẹ nào dạy con mình phản bội hay chen chân phá vỡ hạnh phúc nhà người. Cô ta đáng trách, chẳng ai phủ nhận điều đó, nhưng ẩn sâu trong lòng mỗi người chứng kiến câu chuyện, hẳn cũng có xót xa thương cảm.

Câu chuyện thứ hai: Một người đàn bà khác lại có kiểu ghen rất thâm trầm, tế nhị. Nhận “hung tin” chồng có bồ, dù đau đớn tưởng chết được, nhưng cô vẫn rất nhẹ nhàng đằm thắm. Cô chẳng hề lôi kéo đồng minh hay nói xấu chồng với bất cứ ai. Một mình cô đến quán nước nơi chồng cô và người phụ nữ kia hẹn hò, đợi họ gọi nước xong xuôi thì cô bước đến trong lúc họ đang tay đan tay, nhẹ nhàng nói với chồng: “Em nghĩ chúng ta cần nói chuyện, em sẽ về nhà trước đợi anh”. Tất nhiên, người chồng lập tức nối gót theo sau vợ và sau đó ông đã rất ăn năn, không bao giờ tái phạm nữa.

Câu chuyện thứ ba: Một người bạn kể tôi nghe câu chuyện của bà ngoại bạn. Biết rõ chồng đã có người đàn bà khác, bà lặng lẽ dắt con bỏ đi xứ khác, một mình nuôi con. Thời đó phương tiện liên lạc và đi lại không dễ dàng như bây giờ nên đến khi ông tìm thấy bà thì tóc bà đã bạc trắng, tóc ông cũng chẳng còn sợi đen nào. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bà vẫn không tha thứ cho ông. Dù bà biết, ông cũng còn tử tế chứ chưa đến mức vui mừng khi vợ con bỏ đi và tạo lập gia đình mới, lẽ ra ông đã sung sướng tận hưởng tự do chứ chẳng chịu bỏ công đi tìm bà cả đời như thế. Qua đó mới thấy được nỗi ghen của đàn bà còn sâu hơn cả biển đông.

Câu chuyện thứ tư: Một người đàn bà vừa hân hoan đón chồng trở về hẳn sau một thời gian dài đi học xa nhà thì cũng là lúc hay tin chồng đã kịp lập phòng nhì. Chị buộc chồng phải lựa chọn giữa gia đình và người tình, chồng chị đã chọn gia đình. Sau khi về tỉnh nhà, anh cũng đã cắt đứt liên hệ với người đàn bà kia, nhưng nỗi đau một lần bị lừa dối không hề tắt trong tâm trí người vợ. Chị hận vì mình đã hy sinh cho chồng, quán xuyến trong ngoài, chăm lo cho cha mẹ chồng chu đáo, con ốm đau tự thân xoay sở, làm lụng vất vả để chu cấp cho chồng ăn học, một lòng một dạ chung thủy với chồng… để rồi anh sinh tâm phản bội.

Sau khi chồng ổn định việc làm, chị cũng thu vén lại công việc để không vất vả ngược xuôi theo từng chặng buôn chuyến nữa mà để chồng gánh vác chi tiêu chủ yếu của gia đình. Chỉ thời gian ngắn sau chị lại mang thai đứa thứ hai, lần này chị sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thằng bé không chỉ là cháu đích tôn của nhà anh mà còn của cả họ nên được quý hơn vàng. Anh càng yêu quý vợ hơn và công việc làm ăn ngày càng phất lên nên anh mang tiền về cho chị ngày một nhiều. Chị đã chia sẻ bí mật khủng khiếp của mình với những người thân thiết: Đó là lần duy nhất trong đời chị cắm sừng chồng, chỉ để có con với người đàn ông khác - người mà chị chẳng chút tình cảm gì. Chị khéo léo dọn sạch mọi chứng cứ và những gì có liên quan. Chị cười khẩy: Chị muốn gì ư? Chị chỉ muốn 1 điều đơn giản: bắt anh nuôi con của kẻ khác. Đó là đòn ghen của chị.

Câu chuyện thứ năm: Là câu chuyện “ghen ngược” của người phụ nữ dan díu với chồng người khác rồi còn cấm đoán người chồng về nhà, và mạnh dạn đến gặp người vợ bảo hãy ly hôn đi, nếu không thì đừng trách. Mà có lẽ, câu chuyện này cũng chẳng phải quá xa lạ khi có rất nhiều người vợ đã rơi vào hoàn cảnh này. Nếu những người vợ, người chồng có cái quyền “ghen hợp pháp”, thì những kẻ thứ ba cũng có thể “ghen bất hợp pháp” như thế.

Lời kết: Ghen có khi chỉ là những hành động và trạng thái tâm lý đơn giản, nhưng cũng có thể là một chuỗi hành vi phức tạp. Và ghen không chỉ được coi là biểu hiện mà còn là “văn hóa”. Trên thực tế, dù là người học thức hay giới bình dân thì chẳng ai chấp nhận được việc san sẻ tình cảm. Có người còn thẳng thắn: Thà là mất cả cái nhà, chứ quyết không chia sẻ cái giường. Tất nhiên, ghen không là thuộc tính của riêng ai. Dù là giới tính nào, ở địa vị đẳng cấp nào, lứa tuổi nào… thì người ta vẫn yêu và ghen. Thế nhưng nói đến ghen, nhiều người thường nghĩ đến đàn bà. Điều đó cũng đúng một phần, có thể vì “ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, hay bởi đàn bà thường có khuynh hướng chung thủy hơn nên căm ghét sự phản bội. 

Khi nào trái đất vẫn còn quay, khi đó con người vẫn yêu và ghen. Tuy nhiên, trong mối quan hệ vợ chồng, nếu mỗi người đều cư xử đúng mực và “ngay hàng thẳng lối” thì khó mà xảy ra những điều đáng tiếc... để ghen chỉ như chút gió thổi mát cho cuộc hôn nhân đang độ oi nồng, để sau cơn ghen người ta vẫn say đắm yêu nhau mà không có những ám ảnh, đau thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét