Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Thế giới người đồng tính nữ ở việt Nam

Hải Ninh - RFA

Khác với những người đồng tính nam trong xã hội Việt Nam, giới đồng tính nữ không vấp phải quá nhiều trở ngại cũng như định kiến của xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều điều để những người trong giới LGBTQ (gọi tắt của những người đồng giới, song giới, chuyển giới) có được những quyền bình đẳng cơ bản. Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Hải Ninh sẽ tìm hiểu về thế giới của những người nữ đồng tính ở Việt Nam.

Hoang mang khi có những tình cảm khác lạ và mạnh mẽ với một bạn gái học cùng trường trung học cơ sở ở Sài Gòn, Lam Nguyên đành trút hết tâm sự vào một cuốn nhật ký. Nguyên cho biết, nhật ký này ghi lại những cảm xúc với người bạn gái, và cũng phải dài tới khoảng hai chục trang.

Vào thời điểm đó, phong trào LGBTQ ở Việt Nam còn chưa được biết đến, Lam Nguyên bối rối không hiểu chuyện gì đã xảy ra với bản thân. Tuy nhiên, với bản tính mạnh mẽ, cô không dày vò, day dứt bản thân quá nhiều. Lam Nguyên tâm sự:

Lam Nguyên: Em nghĩ là em đã may mắn hơn nhiều người ở chỗ là em không quá dằn vặt bản thân và sau một khoảng thời gian ngắn là em đã dễ dàng chấp nhận là bản thân mình là như vậy. Em cũng chấp nhận tình cảm của mình thôi, mặc dù chưa nói cho ai biết, đến tận bây giờ em vẫn chưa công khai xu hướng tình dục của bản thân.

Nguyên, năm nay 28 tuổi, cho biết kể từ đó đến nay, cô cũng đã trải qua nhiều mối tình. Mối tình sâu đậm nhất là khi đang ở Anh du học. Cô cho hay người yêu lý tưởng của cô phải là một cô gái nữ tính và phải hiểu biết.

Cũng giống như Nguyên, Hải Yến, 32 tuổi, cảm thấy bản thân có những tình cảm khác biệt với các bạn gái đồng giới từ nhỏ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, cô không biết gọi tên điều đó là gì, chỉ biết mơ hồ rằng nó không phải là tình bạn thân bình thường. Vào thời điểm đó, báo chí ở Việt Nam không hề nhắc đến những người thuộc giới LGBTQ, thậm chí, không hề có hạng mục nào, tên gọi nào dành cho những người thuộc giới này.

Đến khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội và ra trường đi làm, Hải Yến mới bắt đầu biết tới những thông tin liên quan tới người đồng tính. Cô bắt đầu gia nhập các diễn đàn dành cho người đồng giới giống như cô. Hải Yến kể:

Hải Yến: Lúc bấy giờ em mới sửng sốt nhận ra là không chỉ có riêng mình mới có những cảm xúc nó đặc biệt, nó khác với các bạn nữ khác đến vậy, có khá nhiều người giống mình., họ cũng rung động trước những người cùng giới là nữ, hoặc họ cảm thấy họ băn khoăn họ không biết là ai, nếu họ chấp nhận họ là họ yêu một người cùng giới với mình thì họ có chia sẽ điều đó ra bên ngoại hay là không, và nó đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân mình và em thấy rất nhiều người cũng đặt những câu hỏi như vậy.

Giờ đây, Hải Yến đang làm việc cho một trung tâm thúc đẩy quyền của những người thuộc giới LGBTQ, có tên là ICS. Trung tâm này có 7 nhân viên làm việc toàn thời gian, và 50 cộng tác viên. Phần lớn nhân viên của trung tâm này là người thuộc giới LGBTQ.

Theo ước tính, khoảng 3-5% dân số trưởng thành là thuộc giới LGBTQ. Như vậy, Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người là người đồng tính hoặc lưỡng tính. Một khảo sát không chính thức thì người đồng tính có mặt ở khắp mọi nơi, có người làm nhà nước, tư nhân, thậm chí công an, tư pháp hay buôn bán. Tuy nhiên, việc công khai xu hướng tinh dục của bản thân họ vẫn là vấn đề mà nhiều người phải cân nhắc.

Công khai

Công khai xu hướng tính dục, hay còn gọi là coming out, là một thời điểm quan trọng của bất cứ một người nào thuộc giới LGBTQ. Theo nghiên cứu của Viện iSEE vào năm 2009, ở Việt Nam chỉ có khoảng 2% người đồng tính là hoàn toàn công khai, và 5% là gần như công khai về xu hướng tình dục của bản thân. Nghiên cứu cũng cho hay 25% sống lúc thì bí mật, lúc thì công khai. 35% thì gần như bí mật và 33% thì hoàn toàn bí mật.

Hải Yến cho biết cô giấu bố mẹ suốt tám năm trời. Giữa cô và bố mẹ luôn có một bức tường chia cách do bí mật mà cô cứ mãi giấu kín. Cô đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống, nơi mà cô nói đủ xa gia đình để có thể sống thật với bản thân. Sài Gòn cũng được cho là nơi cởi mở hơn các tỉnh thành phía Bắc. Nhiều bạn đồng tính nữ cũng di chuyển vào nơi đây.

Yến cho biết bố mẹ và họ hàng liên tục làm mối cho người nọ, người kia. Tuy nhiên, cô chỉ thoái thác, nói rằng chưa tới lúc. Có những lúc tên của cô xuất hiện trên các bài báo nói về người đồng giới, Yến phải nói dối, rằng cô không liên quan tới những người thuộc giới thứ ba.

Cuối cùng, vào năm 2012, cô quyết định nói thật hết với gia đình. Mẹ của cô ban đầu rất hoang mang, nhưng bố của Yến lại rất cởi mở. Yến kể:

Hải Yến: Sau nhiều năm khi mà đã nói chuyện với bố mẹ mình thì cái cảm giác bức tường mà do mình tạo ra nó không còn cần thiết nữa, bố mẹ và con cái có thể trao đổi thông tin hàng ngày với nhau, nhắn tin cũng được.

Sự kiện coming out của Hải Yến suôn sẻ hơn những người khác. Có nhiều người thì không được may mắn như vậy.

Xuân Mai, 24 tuổi, sinh viên năm cuối một trường đại học ở Sài Gòn cho biết dù sau một năm, mẹ cô vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận con gái là người đồng tính. Mẹ cô ban đầu cho rằng cô nên đi tu, hoặc đi bác sĩ tâm lý. Bà đổ lỗi rằng do gia đình quá khắt khe, không cho Mai tiếp xúc với con trai nhiều nên hiểu lầm tình cảm với bạn gái là tình yêu. Sau một năm, Mai cho hay ba mẹ cô vẫn chưa sẵn sàng tiết lộ thông tin về xu hướng tình dục của con gái cho bất kỳ ai khác. Mai kể:

Xuân Mai: Mẹ em thì thỉnh thoảng cứ nói là phải sinh con, mẹ em không nói lấy chồng và nói phải lập gia đình, mẹ em nói có con thôi chứ không nói thẳng ra là phải có chồng.

Lam Nguyên được nhắc đến từ đầu bài viết thì vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện “coming out" với gia đình. Cô sợ rằng nó sẽ tạo ra một cú sốc cho ba mẹ cô trong khi ba cô lại bị bệnh tim. Lam Nguyên thổ lộ rằng rất may cho cô vẻ ngoài của cô vẫn có chút nữ tính, và rằng cô liên tục được khen là “có cá tính".

Quyền LGBTQ

Những người hoạt động vì quyền bình đẳng của giới LGBTQ cho rằng người đồng tính nữ gặp nhiều may mắn hơn đồng tính nam trong xã hội Việt Nam. Một nguyên nhân của điều này là do xã hội Việt Nam không đặt nặng trọng trách gánh vác lên vai người nữ. Những người đồng tính nam, nếu cư xử như con gái, rất khó được chấp nhận vì họ có trách nhiệm phải “nối dõi tông đường".

Giới LGBTQ ở Việt Nam nói chung cũng như những người nữ đồng tính nói riêng cũng gặp thuận lợi hơn những người ở nước khác do Việt Nam không quá nặng về tôn giáo. Vì thế, họ không bị tấn công hoặc đàn áp như tại một số quốc gia khác trên thế giới. Theo một nghiên cứu của iSEE vào năm 2011, phần lớn người được hỏi ủng hộ việc người đồng giới được kết hôn.

Tuy nhiên, thuận lợi như vậy không có nghĩa là người nữ đồng tính không bị kỳ thị. Chẳng hạn như Hải Yến, cô đã phải chuyển vào Sài Gòn sinh sống vì cho rằng ở quê nhà của cô, Hải Dương, cũng như các tỉnh miền bắc vẫn còn nặng tư tưởng phân biệt. Dù vào tới tận Sài Gòn, mỗi khi Hải Yến cùng bạn gái hẹn hò, họ vẫn bắt gặp được những ánh nhìn không mấy thân thiện.

Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có nhiều bước cải tiến trong việc công nhận các mối quan hệ đồng tính. Theo đó, luật Việt Nam không cấm các cặp đồng tính sinh sống với nhau. Tuy nhiên, theo Yến nói, để người đồng tính có những quyền cơ bản như được kết hôn với người họ yêu thương, quá trình này sẽ còn phải mất tới 15-20 năm nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét