Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Huỳnh Thị Huyền Như nhận mình là “siêu lừa”

Việt Đức

VOV - Làm ăn bết bát thua lỗ trên thị trường bất động sản, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 8/2, TAND TP.HCM quyết định đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, cựu Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, cựu cán bộ Văn phòng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là giai đoạn hai của vụ án “siêu lừa” Huyền Như chiếm đoạt hàng ngàn tỷ được TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) hủy một phần bản án trước đó trong đại án lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng để điều tra hành vi có hay không tội Tham ô tài sản của Huyền Như đối với 1.085 tỷ đồng của 5 công ty: Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại An Lộc.

Khoảng 3 năm điều tra lại vụ án, quan điểm của cơ quan công tố tối cao vẫn xác định, Huyền Như và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dẫn dụ “con mồi” bằng siêu lãi suất

Năm 2010, các khoản đầu tư của Huỳnh Thị Huyền Như vào bất động sản tại một số tỉnh miền Nam thất bại nặng nề. Làm ăn bết bát, thua lỗ nặng nề trên thị trường bất động sản, Huyền Như rơi vào túng quẫn với những khoản nợ lãi suất cao, không có khả năng thanh toán.

Là cán bộ ngân hàng, Huyền Như biết một số công ty, ngân hàng có nhu cầu gửi tiền. Thời điểm đó, dù Vietinbank không có nhu cầu huy động vốn, Huyền Như vẫn đứng ra với tư cách cá nhân để tìm đối tác gửi tiền vào ngân hàng. “Có những đối tác bị cáo chủ động liên lạc, có đối tác tự tìm đến bị cáo”, Huyền Như khai.

Cũng theo lời Huyền Như, việc huy động tiền gửi chỉ là cái cớ, mục đích thật của việc mời các công ty gửi tiền là nhằm chiếm đoạt tiền để thanh toán các khoản nợ của cá nhân.

Bởi vậy, ngay từ khi tiếp xúc với Công ty Hưng Yên, Huyền Như đã dùng cái tên giả là “Quyên” để giao dịch. Như nhận mình là nhân viên của Võ Anh Tuấn.

Để huy động được tiền gửi của công ty này, Huyền Như đưa ra mức lãi suất vượt trần quy định của NHNN với mức lãi suất từ 18%-22%/năm tùy vào số tiền gửi.

Khi đối tác gật đầu với mức lãi suất khủng vượt trần (quy định của NHNN thời điểm đó là 14%), việc còn lại của Huyền Như là làm giả hợp đồng tiền gửi, giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, làm giả con dấu, làm giả lệnh chi và nuốt gọn số tiền hàng trăm tỷ đồng. Đối với Công ty Hưng Yên, Huyền Như chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.

Với 4 công ty: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại An Lộc cũng bằng thủ đoạn huy động vượt trần lãi suất, Huyền Như đã nuốt gọn hàng trăm tỷ đồng. Tổng số tiền Huyền Như chiếm đoạt là 1.085 tỷ đồng.

Lót tay cho môi giới tiền tỷ

Trong vụ án Huyền Thị Huyền Như, cho thấy để huy động được số tiền gửi lớn, ngoài việc chi tiền cho chủ sở hữu nguồn tiền thì người môi giới cũng được chi phần trăm cho số tiền gửi. Số tiền gửi càng lớn, tiền môi giới nhận được càng “khủng”.

Điển hình như trường hợp của Huỳnh Thị Bảo Ngọc – cựu cán bộ Ngân hàng ACB. Khi gửi tiền của ACB vào ngân hàng theo lời dẫn dụ của Huyền Như đã được nhận 0,1-1,5%/năm cho số tiền gửi. Với gần 670 tỷ đồng, Huỳnh Thị Bảo Ngọc nhận được lót tay hơn 3,7 tỷ đồng. Hành vi của Ngọc đã được TAND Hà Nội cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù giam.

Ở trong vụ án đang xét xử, để huy động vốn và chiếm đoạt được số tiền hơn 209 tỷ đồng của Công ty SBBS, Huyền Như đã phải lót tay cho Vũ Minh Hải – nhân viên Công ty Cổ phần chứng khoán Oceanbank và bà Vũ Thị Mỹ Linh làm việc tại Công ty SBBS tổng số tiền là 16,9 tỷ đồng.

Trong hành vi chiếm đoạt của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu số tiền gần 125 tỷ đồng, Huyền Như chi hai người môi giới là Lê Thị Trúc Giang – nhân viên Ban tài chính – Kế toán Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu số tiền 1,7 tỷ đồng, cho Lê Huyền Trân – nhân viên Công ty Chứng khoán Beta số tiền 5 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Trúc Giang tại phiên tòa ngày 8/2 được đối chất và khẳng định mình không nhận tiền môi giới 1,7 tỷ đồng từ Huỳnh Thị Huyền Như./.

Tại phiên tòa, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại An Lộc đều đưa ra yêu cầu Vietinbank phải bồi thường số tiền của Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét