VNN - "Vừa vào trạm được một lúc, tôi phát hiện một người thanh niên có khuôn mặt hốc hác đứng trước cửa kính. Anh ta nhìn chằm chằm vào tôi và nữ đồng nghiệp. Lấy hết can đảm, tôi mới lên tiếng hỏi anh ta cần giúp đỡ gì”, chị Võ Thanh Hương, nữ gác chắn tàu kể.
Chúng tôi tìm đến đến cung chắn tàu Đa Phúc - Yên Viên (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào một ngày mưa khiến con đường dẫn đến trơn trượt và lậy lội hơn.
Chị Võ Thanh Hương (SN 1973), nữ gác chắn tàu, đã vào nghề được 27 năm. Chị cho biết, so với công việc ở cung gác chắn Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hay Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) chị làm trước đó, nơi này chị cảm thấy yên tâm và an toàn hơn.
“Chúng tôi phải làm 12 tiếng/ca, một tháng trực đêm 10 ngày. Tuy nhiên được làm việc ở cung chắn này tôi thấy rất an tâm. Ở đây gần mặt đường quốc lộ, lại sát nhà dân nên việc có khách lạ hỏi thăm giữa đêm hầu như không có.
Hơn nữa, những người dân sinh sống xung quanh đây đều rất thân thiện, cởi mở và thường giúp đỡ chúng tôi”, chị Hương nói.
Theo lời chị Hương, ở mỗi cung chắn tàu đều có những đặc thù khác nhau, có cung chắn gần nhà dân những cũng có những cung chắn tàu lại cách xa khu dân cư nhiều km.
Tuy nhiên vì tinh thần và trách nhiệm với công việc nên dù gặp phải những chuyện không may, chị và những đồng nghiệp khác cũng luôn tận tâm và yêu nghề.
Nữ nhân viên gác tàu sinh năm 1973 kể lại câu chuyện ‘dở khóc dở cười’ chị từng gặp phải khi đang trực đêm tại một trạm gác chắn cũ ngày trước.
“Đó là chuyện xảy ra cũng khá lâu khi tôi và một nữ đồng nghiệp trẻ đang làm việc tại trạm gác Đa Phúc, gần ga Đông Anh.
Vào lúc 2 giờ sáng, khi chúng tôi vừa hoàn tất các thao tác để chuyến tàu đi qua an toàn, tôi phát hiện một người thanh niên có khuôn mặt hốc hác đứng trước cửa kính.
Anh ta cứ nhìn chằm chằm vào tôi và nữ đồng nghiệp. Lấy hết can đảm, tôi mới lên tiếng hỏi anh ta cần giúp đỡ gì.
Anh ta gằn giọng nói xin chúng tôi 28 nghìn đồng. Anh ta kể mình là đối tượng nghiện hút nên thiếu tiền để mua thuốc. Vừa nói, anh ta vừa dùng chân đạp vào cửa.
Tôi khuyên anh ta đi chỗ khác xin tiền, ở đây chúng tôi không có tiền vì lương công nhân thấp, lại phải nuôi con. Nghe xong, anh ta chửi bới, lăng mạ tôi. Sau đó, anh ta còn trèo lên mái bê tông của trạm gác chắn để ném đá. Lúc đó, tôi bị anh ta ném đến chảy máu đầu.
May mắn có một vài người dân sống cạnh đó nghe thấy tiếng chúng tôi kêu cứu. Họ chạy đến giúp đỡ nên anh ta mới bỏ đi”.
Vừa nghe chị Hương chia sẻ, chị Bùi Thị Nhài, một nhân viên gác tàu khác đang tất tả nhặt rau chuẩn bị bữa trưa của mình tại trạm gác, cũng cất lời.
Chị Nhài cho biết, công việc của các chị là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Không ít lần các chị phải đối diện với nguy hiểm.
Chị Nhài kể: “Cách đây vài tháng có mấy người đàn ông say rượu muốn vượt đường tàu trong lúc barie đã được hạ xuống. Nhưng thấy công nhân gác chắn cản lại nên họ đe dọa và đòi hành hung chúng tôi.
Cách đây vài tuần, có gã đàn ông đi xe sang muốn vượt gác chắn vì vội đi công việc. Khi một nữ nhân viên không cho qua, ông ta chửi bới dọa dẫm. Cả hai người lời qua tiếng lại, sau đó ông ấy đã hành hung nữ nhân viên này”.
Chị Nhài cho biết, việc nhân viên gác tàu bị chửi hoặc bị đánh là chuyện không hiếm nhưng theo chị sợ nhất vẫn là cảnh phải chứng kiến những kẻ bị bệnh hoạn hay khỏa thân để trêu đùa và chuyện côn đồ đánh nhau, rượt đuổi trước trạm gác chắn.
Chị Nhài nhớ lại, vào một đêm cách đây vài năm, khi chị và chị Hương đang làm việc ở cung chắn này thì có một đám thanh niên lạ cầm đao, kiếm tới đánh nhau.
“Chúng tôi hoảng sợ liền vội vàng đóng sập cửa lại. Không ngờ, khi chúng tôi đang kéo cửa thì có một thanh niên chạy vào xin cứu giúp. Vừa nói, anh ta vừa hoảng loạn chui vào gầm bàn trốn.
Thấy chúng tôi đóng cửa, nhiều thanh niên bên ngoài bắt đầu đạp cửa, ném gạch đá vào tới tấp. Họ nói, chúng tôi phải giao nộp thanh niên kia ra nếu không họ sẽ không để yên.
Lúc đó chúng tôi rất sợ. May mà không có tàu chạy qua, nếu không chúng tôi vẫn phải mở cửa để làm việc và chắc chắn tính mạng của thanh niên kia sẽ bị đe dọa”, chị Nhài bộc bạch.
Tuy gặp phải những chuyện hi hữu trên nhưng chị Hương và chị Nhài cho rằng qua nhiều năm công tác với cương vị là những nữ gác chắn, các chị cũng gặp rất nhiều người dân tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ các chị trước những hiểm nguy của nghề.
“Tôi nhớ nhất là lần có đoàn tàu sắp chạy qua cung chắn này. Tôi và một đồng nghiệp khác bắt đầu làm các thao tác kéo barie và phất cờ cảnh báo. Lúc đó có một người đàn bà đi xe đạp vẫn lao tới, cố tình vượt đường ray để qua đường.
Thấy nguy hiểm, một người dân cạnh đó đã chạy đến kéo bà ấy ra vào lúc đoàn tàu chực lao đến.
Khi bà ấy bình tĩnh, chúng tôi hỏi chuyện thì tá hỏa biết bà ấy bị chứng lãng tai nên mới băng qua đường ray. Lần đó may mà bà ấy thoát nạn không thì chúng tôi cũng ám ảnh”, chị Nhài nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét