Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Nỗi sợ bị chặn xuất cảnh

THU TÂM

(PL)- Khi vụ việc của cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An bị chặn xuất cảnh đột ngột còn chưa được giải quyết xong thì lại có thêm một nữ nhà báo rơi vào sự cố tương tự.

Vi phạm nào đó (nếu có) của hai người có thể khác nhau nhưng ở họ có hai điểm chung. Đó là bị tố cáo nhưng đúng sai thế nào, có dấu hiệu phạm tội hình sự hay không thì hiện chưa rõ. Đó là đã có “trát” cấm xuất cảnh của công an nhưng phải đến khi khăn gói ra sân bay thì họ mới ngỡ ngàng biết chuyện.

Giải thích với báo chí về lệnh cấm gây bất ngờ này, đại diện Công an tỉnh Long An và Công an TP Đà Nẵng đều quả quyết đã làm đúng luật. Tuy nhiên, có thật sự đúng không thì cần mổ xẻ thêm.

Trong vụ việc ở Đà Nẵng, công an nơi đây cho biết cơ quan an ninh điều tra địa phương xét thấy các nội dung tố cáo là có cơ sở và nữ nhà báo có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 BLHS. Để phục vụ cho công tác điều tra, cơ quan này đã căn cứ vào khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2007 cấm nữ nhà báo xuất cảnh. Theo điều khoản này thì công dân Việt Nam ở trong nước “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” chưa được xuất cảnh.

Nào giờ, mọi người và cả công an toàn dùng từ “điều tra” để nói về các hoạt động nghiệp vụ gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an. Trong hai vụ việc nêu trên, Công an tỉnh Long An và Công an TP Đà Nẵng đều nói mình đang điều tra theo các đơn tố cáo có liên quan. Vừa rồi, khi hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh đối với cựu giám đốc sở, Công an tỉnh Long An cũng nêu lý do là hai vụ việc liên quan đến ông này đã tạm dừng điều tra.

Ngoài đời nói gọn vậy không có vấn đề gì nhưng trong thực hiện pháp luật thì bắt buộc phải theo đúng từng câu, chữ trong văn bản để có sự phân định và tuân thủ nghiêm ngặt lúc nào là điều tra, lúc nào không phải. Chỉ có như thế thì hành xử của công an mới không làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do đi lại, quyền ra nước ngoài theo luật định.

Liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, BLTTHS (khoản 2 Điều 103) và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC đều quy định xuyên suốt nhiệm vụ của công an là tiến hành “kiểm tra, xác minh”, tức không có việc điều tra. Chỉ đến khi xác định được có dấu hiệu tội phạm thì mới quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra và thực hiện các công việc tiếp theo của quá trình tố tụng hình sự. Như vậy, khi chỉ đang trong giai đoạn kiểm tra, xác minh các tố giác và chưa thấy đủ dấu hiệu để khởi tố vụ án thì công an không thể lấy sự nghi ngờ của mình để cho rằng “đang điều tra” để xếp các đương sự vào diện cấm xuất cảnh. Nếu làm khác đi khi không có căn cứ pháp lý nào về sự liên quan của họ đến “công tác điều tra tội phạm” thì công an đã làm sai Nghị định 136/2007!

Thêm một nội dung dắt dây cần phải được xem xét không chỉ dành cho hai trường hợp trên mà còn cho những trường hợp về sau. Công an TP Đà Nẵng đã không gửi văn bản thông báo cho nữ nhà báo về việc cấm xuất cảnh vì “để đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh” (theo khoản 3 Điều 22 Nghị định 136/2007). Tuy báo chí không thông tin nhưng hẳn là Công an tỉnh Long An cũng chiếu vào điều khoản này để không báo trước cho cựu giám đốc sở.

Thử hỏi trường hợp điều tra tội phạm nào cần đảm bảo bí mật, trường hợp nào không để khi giữ kín lệnh cấm thì các cơ quan công an không bị dư luận nghi ngờ về sự lạm dụng? Từ đó, nhiều người bị cấm (có bị can và cả người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án…) không rơi vào thế bị động phi lý để bị nhiều thiệt hại không đáng có về vật chất, uy tín, danh dự.

Một văn bản minh định trong ngành không chỉ là để hiểu chính xác “công tác điều tra tội phạm” mà còn là để công khai, rõ ràng hơn lệnh cấm - chặn xuất cảnh để người dân có điều kiện chấp hành hoặc khiếu nại, khởi kiện. Mong chờ Bộ Công an sớm làm điều này vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét