Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Đón con cô dâu Việt về quê

(TBKTSG) - Khoảng 20 năm trước, những cô gái Việt Nam đầu tiên đã sang Đài Loan làm dâu. Đến nay, có khoảng 79.000 người con mang dòng máu Đài - Việt, trong số đó đang có những đứa trẻ tìm đường về quê mẹ.

Câu chuyện của thế hệ thứ hai

Trần Tư Dĩnh, 17 tuổi, có gương mặt xinh như một diễn viên điện ảnh. Dĩnh đẹp nhất khi cười, với đôi mắt to long lanh, chiếc mũi cao thanh tú và hàm răng trắng đều như hạt bắp. Cũng như nhiều gia đình Đài - Việt khác, cô là kết quả của một cuộc hôn nhân qua mai mối. Ba Dĩnh sang Việt Nam tìm vợ, rồi đem mẹ cô từ An Giang đến Đài Loan sinh sống. Gần 20 năm ở quê chồng, bà mẹ 43 tuổi của cô có ba người con nhưng chỉ có Dĩnh nói được tiếng Việt bập bẹ còn hai đứa nhỏ chỉ biết tiếng Hoa. Do bận rộn mưu sinh với nghề xếp lá trầu nên mẹ cô không kể nhiều về quê hương. “Mẹ chỉ nói chung về Việt Nam thôi, nói ở đó có đồ ăn ngon, cảnh đẹp”, Dĩnh nói.

Bằng tuổi với Dĩnh và cũng xuất thân từ một gia đình tương tự nhưng Chu An Tình lại không thể nói được một từ tiếng Việt nào. Mẹ của Tình là người gốc Hoa, sang quê chồng làm công nhân rồi dùng tiếng Hoa giao tiếp hàng ngày nên con cái không biết tiếng Việt và cũng ít khi trò chuyện với con chuyện quê nhà.

Khác với An Tình và Tư Dĩnh, ký ức về Việt Nam của Phó Thúy Ngân, 16 tuổi phong phú hơn. Cô kể, mẹ ở Bình Chánh, TPHCM lấy ba là nông dân ở Đài Loan. Cả gia đình sống rất vui vẻ. Mẹ của Ngân dùng song ngữ Việt - Hoa để trò chuyện với con. Bà ngoại cũng mấy lần sang chơi, có khi ở lại cả năm nên cô nói tiếng Việt tương đối khá dù nói rất chậm và nhiều chỗ phải dùng tiếng Hoa để giảng giải. “Con về Việt Nam 4 lần rồi. Con thích đi Suối Tiên vì chỗ đó rất vui. Con cũng nhớ ngoại nhưng lần này tụi con đi chung đoàn nên không về thăm ngoại”, Ngân nói.

Với Thái Ngọc Mỹ, 17 tuổi thì tiếng Việt lại là “chuyện nhỏ” bởi cô học xong cấp một ở quê mẹ là Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp rồi mới sang Đài Loan sinh sống. Ba mất sớm, mẹ bận bịu với quán ăn nên Mỹ thường trò chuyện với họ hàng qua điện thoại. “Ngày đầu con về, dì Tám ngồi xe cả đêm lên kiếm con. Dì hỏi thăm đủ chuyện. Ở Việt Nam chuyện gì con cũng thích, thích người mình hòa đồng, hàng xóm vui vẻ, gần gũi. Hàng xóm ở Đài Loan ít gần gũi hơn”, Mỹ nói.

Đó là bốn trong số 36 đứa con Đài - Việt, được gọi là thế hệ thứ hai vừa trở về Việt Nam mới đây, trong chương trình kiến tập một tuần tại một số nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan ở Bình Dương. Ngoài đặc điểm chung về gia đình, đa phần đều giống nhau về việc không sõi tiếng Việt, đa số có ba, mẹ làm nghề lao động chân tay và ký ức về quê mẹ Việt Nam không rõ nét.

Ông Lin Teng-Chiao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đài Loan, cho biết có đến 98.000 cô dâu Việt Nam và 79.000 người con mang dòng máu Đài-Việt đang sinh sống tại lãnh thổ này. Số lượng cô dâu Việt Nam chiếm gần 19% trong tổng số cô dâu nước ngoài tại Đài Loan, nhiều hơn cả cô dâu từ Trung Quốc. Số lượng con cái của họ cũng nhiều hơn. Khi về Việt Nam, các em không sõi tiếng Việt nhưng ở Đài Loan, tiếng Hoa cũng là vấn đề trong những năm đầu đi học.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, phải đến bậc trung học phổ thông hoặc đại học thì những đứa trẻ này mới có thể bắt kịp với học sinh bản địa. Khi còn tiểu học, do rào cản về ngôn ngữ nên các em thường học yếu các môn khoa học xã hội, văn học. Điều này cũng ảnh hưởng đến các môn khoa học tự nhiên, khiến các em cũng không thể theo kịp các bạn dù khả năng toán học được đánh giá là vượt trội.

“Chúng tôi thấy rõ điều đó và tạo điều kiện cho các em rèn luyện nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, với chương trình kiến tập này, chúng tôi không chỉ muốn các em có điều kiện tìm hiểu quy mô, mô hình hoạt động của doanh nghiệp chúng tôi tại Việt Nam mà muốn cho các em tìm hiểu thêm về cội nguồn, văn hóa Việt Nam từ đó làm động lực để các em học tiếng Việt”, ông Lin Teng-Chiao, người trực tiếp dẫn đoàn học sinh sang Việt Nam, nói. Một năm trước, ông cũng đã dẫn đoàn 24 học sinh đầu tiên về đây với mục đích tương tự. Trong một khảo sát vào tháng trước cho thấy, có 18 em, tức 70% học sinh trong đoàn muốn về Việt Nam làm việc dài hạn.

“Chúng tôi có quy hoạch dài hạn cho các em muốn quay về. Chúng tôi dạy tiếng Việt trước, sau đó sẽ dạy kỹ năng làm việc và sẽ tiếp tục kết nối với doanh nghiệp để đưa các em quay lại, học hỏi quy trình làm việc kỹ hơn khi các em học đại học”, ông Ker-Wei Yu, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Penghu, nói.

Trên đường thành “cư dân mới”

Theo tìm hiểu của TBKTSG thì xu hướng của Đài Loan là muốn cô dâu người nước ngoài được học tiếng Hoa và hòa nhập thực sự vào cộng đồng. Vài năm gần đây, những từ như “cô dâu Việt” hay “cô dâu người nước ngoài” được thống nhất đổi thành “cư dân mới” có nghĩa là người từ nơi khác đến sinh sống, chỉ thay đổi về vị trí địa lý, không có sự kỳ thị hay khác biệt về văn hóa, mức sống... Tuy nhiên, với nhiều người, trong đó có các cô dâu Việt cùng những người con của họ thì con đường trở thành cư dân mới vẫn đang diễn ra và cần thêm nhiều hỗ trợ để đi đến đích.

Ông Lin Teng-Chiao cho biết, ông đã gặp gỡ con cái của nhiều cô dâu Việt Nam. Trong đó, có những em học không khá lắm, có một số sống nội tâm, không đủ tự tin. Đối với những đứa trẻ này, cái nhìn về văn hóa, về nguồn cội, về Việt Nam chưa đủ sâu để các em tự hào về nguồn gốc. Mẹ của những đứa trẻ này cũng vậy, nhiều người không giỏi tiếng Hoa nên việc giao tiếp với con cái vì vậy cũng rất hạn chế.

Đài Loan hiện đang thực hiện một số chương trình dành cho thế hệ thứ hai. Trong đó, từ năm 2019, tiếng Việt sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy cho bậc tiểu học và trung học hay như chương trình kiến tập vừa kể trên. Những người làm chính sách không những kỳ vọng khơi gợi về nguồn cội Việt Nam cho học sinh mà còn muốn đào tạo một lực lượng lao động, quản lý giỏi trong tương lai, đặc biệt là cho những doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, dựa trên lợi thế am hiểu văn hóa, ngôn ngữ và tình yêu quê hương Đài - Việt của thế hệ thứ hai.

Quay trở lại câu chuyện của Mỹ ở đầu bài, cô đã tự đăng ký để được tham gia chuyến kiến tập ở Việt Nam, háo hức muốn học hỏi thêm nhiều thứ và mơ ước làm tiếp viên hàng không hoặc phiên dịch viên tiếng Việt - Đài, những ngôn ngữ mà cô có thế mạnh. Dĩnh cũng đặc biệt yêu mến Việt Nam, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cô đang nghe ngóng thông tin, hy vọng vài năm nữa sẽ trở lại làm việc tại các nhà máy Đài Loan ở Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện với TBKTSG, ông Lin Teng-Chiao thường dùng từ “những đứa con của mình” khi nói về thế hệ này. Ông cho rằng, Việt Nam hay Đài Loan đều phải có trách nhiệm đào tạo những người này, vì đó là máu thịt, là kết nối hai nền văn hóa và chỉ cần thêm cơ hội thì các em sẽ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt trong tương lai, cho cả Việt Nam và Đài Loan.

“Con cái của chúng ta đáng để cho chúng ta đầu tư. Đầu tư vào các em là đầu tư cho đất nước. Ở Đài Loan, chúng tôi gọi các em là thế hệ thứ hai, ở Việt Nam thì lại gọi là Việt kiều nhưng theo tôi nơi nào cũng phải đầu tư, giáo dục cho các em”, ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét