VNN - Ngày gặp nhau, hai người đều ngỡ ngàng. Anh không biết chị đang bị bệnh phù chân voi. Thế mà chị vẫn cố vượt hơn 1.000 km để vào thăm anh.
Chàng trai tật nguyền
Ngang qua khu du lịch Suối Tiên, chúng tôi rẽ vào đường 120 (P. Tân Phú, Quận 9, TP.HCM). Quang cảnh nơi đây bắt đầu nhộn nhịp, bởi mấy ngày nữa là đến Tết.
Trong căn phòng nhỏ, anh vẫn nằm im. Anh đã nằm thế hơn 10 năm nay rồi. Tay chân anh khẳng khiu không còn hoạt động được, thân hình anh gầy gò trong chiếc áo mỏng.
Anh là Lê Văn Thành, 31 tuổi, quê ở Thanh Hóa. 10 năm trước, anh thi đỗ vào trường đại học Thương mại (Hà Nội) nhưng không học mà vào TP.HCM học tiếng Hàn với hi vọng được xuất khẩu lao động.
Nhà nghèo, anh phải tự mưu sinh để có tiền ăn học. Anh xin vào làm việc tại một công trình nhà cao tầng. Trong một lần leo lên tầng 3, anh bất ngờ bị ngã rơi xuống đất.
Anh được cứu sống nhưng hoàn toàn mất khả năng lao động. Anh bị đứt dây thần kinh tủy sống nên phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp đỡ. Bao nhiêu toan tính cho tương lai đã khép lại...
Cũng trong thời gian này, ở quê nhà, cha anh qua đời vì bạo bệnh. Sau khi lo hậu sự cho chồng, mẹ anh vào Sài Gòn chăm anh từ đó đến nay. Bà cho biết, 10 năm qua, mẹ con bà được ở miễn phí phòng trọ và tiền ăn uống, thuốc men đều nhờ vào những tấm lòng hảo tâm.
Anh nói: "Từ khi phải nằm một chỗ đến nay, Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì. Vui gì được khi suốt ngày nằm trên giường, trong 4 bức tường cô quạnh và lạnh lẽo? Tôi chỉ mong có phép màu giúp mình có thể sinh hoạt được để có thể tự mưu sinh".
Cô gái xứ Quảng
Chúng tôi gặp chị tại phòng trọ của anh. Chị ngồi bên cạnh cầm lấy tay anh xoa bóp từng ngón. "Tôi phải làm thế không ngón tay anh cứng mất", chị giải thích.
Chị là Hồ Thị Nga (40 tuổi), người dân tộc Vân Kiều, ngụ tai Khe Sanh, Quảng Trị. Chị kể cho tôi nghe, vào năm 2013, một lần chị vào internet bằng điện thoại và đọc được một bài viết về anh. Xem hình ảnh, chị thấy rất xúc động.
Chị tìm cách liên lạc để làm quen thì được anh hồi đáp. Tin qua tin lại đươc một thời gian, chị không còn nhận được tin gì của anh. Chị nghĩ rằng anh không muốn quen mình nữa nên cũng đành chấp nhận.
Cho đến ngày 8/3 năm ấy, chị bất ngờ nhận được lời chúc mừng của anh và được giải thích rằng anh vừa bị mất điện thoại. Cũng từ đó liên lạc được nối lại và tình cảm của họ ngày càng sâu đậm hơn. Chị quyết định vào TP.HCM tìm anh.
Ngày gặp nhau, hai người đều ngỡ ngàng. Anh không biết chị đang bị bệnh phù chân voi. Thế mà chị vẫn cố vượt hơn 1.000 km để vào thăm anh.
Còn chị thấy anh không như trong ảnh mà sự thật còn tệ hơn khá nhiều. Chị rộn lên một niềm thương cảm vô cùng. Cũng từ đó, hai mảnh đời với những bất hạnh bủa vây đã tìm đến nhau.
Và tình yêu
Tuy tay không hoạt động được nhưng anh cũng cố gắng sử dụng điện thoại để viết những cảm nhận của mình về chuyện tình của họ.
Anh viết: "Ngày gặp cô ấy, từ miền Trung xa xôi vào tận Sài Gòn để chăm sóc tôi, tôi chỉ biết khóc vì vui sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên trong lòng tôi lúc nào cũng lo sợ cô ấy vất vả khổ cực.
Ở bên cạnh tôi cô ấy luôn an ủi và động viên với những câu nói đã làm tôi rơi nước mắt: "Anh yên tâm mà dưỡng bệnh. Em luôn ở bên anh cho đến hơi thở cuối cùng".
Tôi không muốn nói nhiều về tình yêu của chúng tôi. Điều tôi muốn gửi gắm ở đây là trên đời này vẫn còn những tia sáng, những ánh hào quang để soi rọi, sưởi ấm cho những mảnh đời kém may mắn giống như tôi".
Chị cũng cho tôi biết, vừa qua một tổ chức từ thiện đã đưa chị qua Đài Loan để chữa trị bệnh chân voi. Chân chị có xẹp đi nhiều và chị hy vọng sẽ hết bệnh.
Nói về mong ước trong năm mới, chị cười: "Em chỉ mong một mái nhà nhỏ. Nơi đó em mở một tiệm tạp hóa để có đồng ra đồng vào và kề cận chăm sóc cho anh ấy. Có lẽ đó là điều quá khó nhưng ai cũng có quyền mơ ước mà".
Bên ngoài, xuân đã về và Tết sắp đến ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét