Nụ cười tươi rói, khuôn mặt cương nghị nhưng nhẹ nhàng với mái tóc đen nhánh, nhìn chị, không ai nghĩ đây là một nữ trinh sát cừ khôi, nhiều lần vào hang ổ ma túy, từng đối mặt với súng đạn, với những hiểm nguy cận kề, những lằn ranh mỏng như sợi chỉ giữa sự sống và cái chết...
Đó là Đại úy Đinh Thị Huyền Diệu, nữ trinh sát ma túy duy nhất ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội.
Gian khổ biết dành phần ai
Tiếp xúc với Đại úy Đinh Thị Huyền Diệu trong một buổi chiều mà chị vẫn đang líu ríu với công việc của người lính trinh sát, tôi cảm nhận được nghị lực phi thường, với niềm đam mê công việc cháy bỏng. Ở nữ Đại úy ấy luôn thường trực sự lạc quan, yêu đời. Quê gốc ở Nam Định, nhưng từ nhỏ, chị đã nhiều lần cùng các em theo cha - cán bộ quản giáo Trại giam Phú Sơn ở Thái Nguyên ở trong đơn vị. Tiếp xúc với các phạm nhân và hình ảnh người cha luôn ân cần giáo dục, cải tạo phạm nhân đã cho chị nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.
Cũng từ đó, ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục Công an nhân dân đã in sâu trong tâm trí cô bé Đinh Thị Huyền Diệu. Biến ước mơ thành hiện thực, Đinh Thị Huyền Diệu thi đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân như mong ước. Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc một người con gái lại chọn chuyên ngành Điều tra ma túy vốn dĩ quá vất vả ngay cả với nam giới thì được chị đáp: “Với tôi, công việc của các chiến sĩ công an vô cùng thiêng liêng và chẳng có công việc nào là dễ dàng. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai!”.
Tốt nghiệp, Đinh Thị Huyền Diệu về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội. Vừa mới chân ướt chân ráo về Đội trinh sát, Diệu và các đồng đội đã khám phá ngay vụ buôn bán gần 1.000 viên ma túy tổng hợp được đánh giá là lớn nhất Hà Nội thời điểm đó. Diệu nhớ như in cái cảm giác ngồi sau xe máy các đồng đội truy đuổi đối tượng với tốc độ cao trên đường. “Tôi cảm giác như bay trong không khí và cũng có chút sợ hãi. Nhưng càng vậy tôi càng cảm thấy mình đã chọn đúng nghề. Đến giờ có những lúc tôi cũng tự mình điều khiển xe truy đuổi đối tượng. “Trình” lái xe của tôi hơn nhiều lần chị em bình thường đấy nhé”, Diệu chia sẻ.
Diệu kể, có lần đi “đánh” án ở ngoại thành Hà Nội, một người con gái còn đương son như Diệu đã từng phải ở trong chuồng bò nồng nặc mùi hôi, phân đầy dưới chân đến tận hai ngày đêm. Ăn nghỉ tại chỗ. Bởi đó là điểm quan sát tốt nhất di biến động của đối tượng. “Chuồng bò, chuồng gà hay bất cứ đâu thuận lợi nhất cho công việc thì người trinh sát đều phải tận dụng. Không phút nào được lơ là. “Đánh” án xong, cả tuần sau tôi vẫn ám ảnh bởi mùi phân bò”, Diệu nói.
Nghe Huyền Diệu tâm sự, tôi càng thấm thía rằng, “đánh” án ma túy là việc đối chọi với bao hiểm nguy và bất trắc. Những ngày tháng ăn chực nằm chờ chịu đói rét, hiểm nguy, hóa trang mật phục để theo chân đối tượng trong từng chuyên án. Nghề trinh sát vất vả nhưng có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của các chuyên án cũng như giảm những hy sinh mất mát cho đồng đội.
Yêu nghề, dũng cảm và bản năng
Tóm tắt đặc tính nghề của mình, theo Huyền Diệu cần lòng yêu nghề, sự dũng cảm và bản năng nghề nghiệp. Yêu nghề thì mới vượt qua những khó khăn vất vả. Dũng cảm để đối mặt với hiểm nguy và bản năng nghề nghiệp để không bỏ sót lọt tội phạm. Với Đại úy Đinh Thị Huyền Diệu, chuyện các đối tượng bị nhiễm virus HIV đe dọa, hay lao vào đánh hội đồng là chuyện xảy ra như “cơm bữa” của nghề.
Đảm nhiệm một vị trí vô cùng gai góc và nguy hiểm - trinh sát ma túy, gần chục năm lăn lộn, hiện mang trên vai quân hàm Đại úy, Huyền Diệu không nhớ chính xác bao lần đã phải thâm nhập vào tận hang ổ, đối diện trực tiếp với tội phạm. Kỷ niệm với Huyền Diệu là những lần đánh bắt các “nữ quái” ma túy ở Hà Nội. Trong đó có nữ quái Hiền “đảo” ở ngõ Lò Lợn, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng bán heroin với số lượng lớn với gia đình không thiếu gì người đã và đang ngồi tù về tội ma túy. Xung quanh Hiền “đảo” luôn có một đám đệ tử rải từ đầu ngõ đến cuối ngõ để cảnh giới. Nhận nhiệm vụ bắt giữ Hiền “đảo”, Diệu cùng đồng đội hóa trang thành hai người phụ nữ chân chất, có gốc gác ở tỉnh khác ngồi quán nước tâm sự. Khi Hiền “đảo” mất cảnh giác, ngang nhiên trao hàng cho con nghiện ngay trong ngõ, nữ trinh sát ập vào, bằng những đòn thế điêu luyện khống chế ngay đối tượng này.
Bị trinh sát bất ngờ ốp chặt, Hiền “đảo” đổi chiến thuật, gào thét gọi người nhà ra giải vây. Chậm trễ thì đối tượng sẽ có cơ hội tẩu tán tang vật, ngay lập tức các trinh sát được lệnh đưa Hiền “đảo” về nhà để thực hiện lệnh khám xét. Lúc đó trong nhà Hiền “đảo”, không rõ vì sao lại đang rất đông họ hàng tụ tập. Đám này lao vào đấm đá, tấn công để giải thoát cho Hiền “đảo” và tạo cơ hội cho nữ quái tẩu tán số heroin tang vật. Có kẻ nhiễm virus HIV lấy luôn con dao nhọn dọa rạch bụng để cản trở việc thi hành lệnh khám xét. Các trinh sát kiên quyết chịu đòn, giữ chặt Hiền “đảo” cho đến lúc lực lượng tăng cường đến hỗ trợ.
Lần khác bắt nữ quái Tô Mai Hồng ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Tô Mai Hồng ở cùng bố mẹ nhưng lại bí mật thuê một ngôi nhà ở gần đó để giao dịch bán ma túy và làm kho giấu hàng. Lúc bắt Hồng đưa về ngôi nhà thuê khám xét, nữ quái không chịu, gào thét phản đối đòi về nhà bố mẹ. Đám tay chân bán hàng thuê cho Hồng cũng từ các ngóc ngách kéo ra bảo vệ đàn chị. Diệu vừa giữ chặt Hồng không để thị có thể làm điều dại dột vừa động viên Hồng nên nghĩ đến bố mẹ già, con nhỏ và người chồng đang ở trong tù. Bản năng đàn bà trỗi dậy, Hồng thôi kêu gào, đồng ý hợp tác…
Những mong ước bình dị
Với những nữ trinh sát ma túy, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ngành giao phó, họ phải hy sinh hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí đôi khi họ không thể làm được những công việc bình dị nhất của một người vợ, người mẹ. Huyền Diệu không nhớ hết đã bao đêm thức trắng cùng đồng đội làm án, cũng không nhớ hết đã bám trụ bao con đường, góc phố.
Gần 10 năm công tác, bao lần sinh nhật chị đều vắng mặt mà chỉ có người thân quây quần bên mâm cơm gia đình. Những đêm đi làm về muộn, bế con đang ngủ bên nhà hàng xóm về mà nhiều khi mắt nhòe đi. Nhưng khi được hỏi nếu thời gian có quay ngược dòng, chị Diệu quả quyết vẫn chọn nghề này. “Tôi may mắn có chồng cùng trong lực lượng nên thông cảm, đỡ đần nhiều. Bà con hàng xóm cũng thương yêu giúp đỡ. Bây giờ lo nhất khi làm án mà chồng cũng trực thì không biết ai trông con. Nhiều lúc chỉ muốn có thêm vài tiếng ở bên chồng con thôi”, chị Diệu tâm sự rồi xin phép vì công việc đang đợi. Chị tất tả rời đi hòa vào dòng người, trở về bên đồng đội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét