Dân Trí - Cựu Thủ tướng bị phế truất của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra ngày 21/10 cho biết ủy ban hành chính quân đội nước này đã ra án tịch thu nhiều tài sản của bà, và yêu cầu nộp khoản phạt 35 tỷ bath (gần 1 tỷ USD) do làm thất thoát tiền trong chương trình tạm trữ gạo.
Phát biểu với các phóng viên bên ngoài phiên toà xét xử ở thủ đô Bangkok, cựu Thủ tướng Yingluck cho biết bà đã nhận được thông báo cách đây 2 ngày về việc sẽ bị tịch thu tài sản.
Bà Yingluck, người sẽ có 45 ngày để kháng án, nói: "Về phán quyết đó, tôi không đồng tình. Tôi sẽ tìm mọi biện pháp để kháng cáo".
Tháng trước, chính trường Thái Lan đã nóng trở lại với việc Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố giới chức nước này đã làm đúng trách nhiệm khi yêu cầu cựu Thủ tướng Yingluck bồi thường gần 1 tỷ USD vì trách nhiệm của bà đối với các thiệt hại ngân sách quốc gia liên quan đến chương trình mua tạm trữ gạo.
Kể từ khi bị phế truất vào năm 2014, cựu Thủ tướng Yingluck đã đối mặt với khoảng 15 cáo buộc về các hành vi sai quy định như cấp hộ chiếu cho anh trai là cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, can thiệp quá sâu vào cải tổ quân đội, hỗ trợ bất hợp pháp cho những người bị truy tố về tội phạm chính trị, cho phép Bộ Tài chính vay 350 tỷ baht (gần 10 tỷ USD) cho đề án quản lý nước. Bên cạnh đó, việc chi tiêu ngân sách của chính phủ thời bà Yingluck cũng bị cho là có vấn đề.
Cùng ngày, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Tướng Sansern Kaewkamnerd cho biết, liên quan tới những cáo buộc nhằm vào bà Yingluck và các thành viên cấp cao trong chính phủ của bà, chính phủ nước này đang điều tra 850 vụ việc có liên quan tới chương trình tạm trữ, hỗ trợ giá gạo.
Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan cho rằng phán quyết trên là một phần trong kế hoạch của giới chức quân đội cầm quyền nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra ở Thái Lan. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đó là những kết luận vô căn cứ.
Một cố vấn giấu tên của bà Yingluck cho rằng, quyết định tịch thu tài sản được đưa ra bằng cách dựa vào điều khoản 44 của hiến pháp lâm thời, vốn cho phép chính quyền của Tướng Prayuth Chan-ocha, người cũng đang là Thủ tướng Thái Lan, quyền lực tuyệt đối để đưa ra bất cứ phán quyết nào cần thiết để "tăng cường đoàn kết và hoà hợp cộng đồng".
Theo giới phân tích, quyết định tịch thu tài sản của chính quyền quân sự Thái Lan là thông điệp cứng rắn gửi tới bà Yingluck cùng người anh trai Thaskin. Ông Thitinan Pongsudhirak - Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn cho rằng: "Đó là một phần trong kế hoạch của giới lãnh đạo quân đội cầm quyền nhằm chấm dứt toàn bộ sự thách thức từ gia đình Shinawatra".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét